Rau nhót quê tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến với mảnh đất Quỳnh Lưu nơi địa đầu xứ Nghệ, ngoài thưởng thức các món ngon từ biển, du khách sẽ khó quên được hương vị đặc trưng của nộm rau nhót - thứ quà quê dân dã mang đậm vị mặn mòi, nắng gió nơi đây.

  Với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ làng muối như chúng tôi, cây rau nhót gắn bó với cả tuổi thơ nhọc nhằn, nhiều kỷ niệm... - Ảnh: Tác giả cung cấp
Với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ làng muối như chúng tôi, cây rau nhót gắn bó với cả tuổi thơ nhọc nhằn, nhiều kỷ niệm... - Ảnh: Tác giả cung cấp


Rau nhót mọc hoang trên các đầm lầy, hồ tôm, ven theo các cánh đồng muối ở Quỳnh Lưu, lá và thân có nhiều nét giống cây hoa mười giờ. Lạ thật, giữa cái nắng chang chang và gió Lào rát bỏng, giữa nguồn nước mặn mòi hơi muối, loài rau hoang dại này vẫn mạnh mẽ vươn mầm và xanh tốt quanh năm. Với những người dân làm muối nơi đây, nộm rau nhót là món ăn khá quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày, còn với những thực khách phương xa, rau nhót quả là món ăn dân dã nhưng ngon mắt, ngon miệng với mùi vị khá đặc biệt.

Những cọng rau nhót xanh non khi hái về được nhặt sạch lá cỏ, gốc già, đem ngâm trong nước lạnh vài giờ cho bớt đi vị chát mặn của nước muối, sau đó đem luộc lên. Rau nhót luộc vừa chín tới thì đổ ra rổ cho ráo nước và nhanh nguội, vắt sơ qua để ráo nước. Lạc rang xát vỏ giã dập. Giá rửa sạch trụng qua nước ấm. Cà rốt cạo vỏ bào sợi. Lá chanh thái chỉ. Ớt cay bỏ hạt giã dập băm nhỏ. Trộn đều rau với lạc, giá, cà rốt, lá chanh, ớt, nước cốt chanh, chút đường, bột ngọt (nên nếm thử chút rau trộn trước khi quyết định cho muối vào hay không vì rau nhót vốn có vị mặn). Khoảng sau 15 phút rau ngấm gia vị là sẽ có món nộm rau nhót thơm ngon.

Không chỉ xuất hiện trên mâm cơm như món rau quen thuộc, nộm rau nhót còn được dùng ăn kèm với bánh mướt, bún lá, hay đơn giản, một đĩa rau nhót đơn sơ cũng đủ làm nên một cuộc vui hội ngộ. Nộm rau nhót có vị chua cay mặn ngọt hài hòa; phảng phất mùi thơm lá chanh; béo bùi của lạc rang; mát giòn của giá, của cà rốt. Và đặc biệt hương vị thanh mát, rào rạo, sừn sựt đặc trưng của rau nhót, khiến ai đã từng một lần được thưởng thức cũng khó lòng mà quên được!

Với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ làng muối như chúng tôi, cây rau nhót gắn bó với cả tuổi thơ nhọc nhằn, nhiều kỷ niệm. Nhớ một buổi đi học, một buổi cắp rổ ra đồng, vạch từng bụi cỏ để tìm hái từng cọng rau nhót xanh non, về cho mẹ làm món rau trộn, ăn trừ bữa thay thịt cá bởi bữa ăn của nhà nghèo, ngoài cơm rau ra thì chẳng có thêm gì. Nếu có nhiều thì đem đi bán cho thương lái, mỗi rổ rau con con kiếm vài nghìn đồng mua sách vở đỡ đần cho bố mẹ. Cứ thế, cây rau nhót quê hương nuôi chị em tôi lớn lên, trưởng thành rồi xa xứ…

Và cứ mỗi lần đón tôi trở về, mâm cơm của mẹ tôi luôn có món nộm rau nhót quen thuộc - món ăn đậm đà vị quê hương, để mà thương, mà nhớ suốt đời.

 


Theo Nguyễn Thị Quỳnh Sen  (thanhnien)
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.