Những mệt nhọc trên đường về quê thời Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên đường đi xe máy về quê tránh dịch, chị Đinh Thị Phương Anh chuyển dạ giữa cơn mưa lớn. Hành trình hồi hương như chị Phương Anh, là những người già, trẻ em rong ruổi đầy hiểm nguy.

Nhập viện trong đêm với nguy cơ sinh non, Phương Anh được các y bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ điều trị, chăm sóc kịp thời.
Nhập viện trong đêm với nguy cơ sinh non, Phương Anh được các y bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ điều trị, chăm sóc kịp thời.
Chuyển dạ giữa đêm khuya
Sau 3 ngày đêm chạy xe máy từ TP Hồ Chí Minh về quê ở Thanh Hóa, tối 6/10, chị Đinh Thị Phương Anh cùng chồng là Phạm Văn Quyết, con gái, mẹ chồng và em chồng dừng chân bên hiên nhà dân ở đường tránh TP Quảng Ngãi. Sau bữa cơm tối muộn, chị Phương Anh chuyển dạ, đau bụng dữ dội. Không có nơi tá túc, anh Quyết sắp xếp chỗ ở tạm dưới mái hiên nhà bên cho mẹ cùng em trai và con gái. Để người thân ở đấy, Quyết tìm đường đưa vợ đi cấp cứu.
Mang thai chưa đầy 35 tuần, cả tháng thiếu thốn ở nhà trọ và 3 ngày đêm trên chiếc xe máy cùng chồng và con nhỏ, chị Phương Anh kiệt sức. Nhập viện trong tình trạng chuyển dạ, biểu hiện sinh non thai phụ được các y bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ kịp thời.
Ngồi bên vợ sau đêm lo lắng, anh Phạm Văn Quyết kể về hành trình từ F0 đến những ngày rong ruổi.
Quê ở xã Thành Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, tháng 11 năm ngoái, vợ chồng Quyết cùng mẹ, em trai và cháu gái 14 tháng tuổi vào quận 9, TP Hồ Chí Minh để làm thuê. Anh em Quyết và mẹ làm thợ hồ cho công trình, vợ ở nhà trọ lo cho con nhỏ và cơm nước gia đình. Nhà nghèo không có tiền về Tết, cả gia đình cố gắng bám trụ đất khách. Vào tháng 5, dịch Covid-19 bùng phát, cố gắng đi làm kiếm tiền cầm cự, mẹ Quyết bị nhiễm và cả nhà thành F0 sau đó. Cả gia đình cách ly tại bệnh viện dã chiến, sau 1 tháng, cả gia đình trở về nhà trọ không còn tiền, mất việc làm. Không có tiền trả cho chủ trọ 3,5 triệu đồng mỗi tháng, cả gia đình buộc phải về quê.
“Vợ bầu to nhưng thấy ổn nên mới quyết định về quê. Em không nghĩ sẽ chuyển dạ hay nguy cơ sinh non giữa đường. 2 tháng không đóng tiền trọ chủ nhà không cho ở. Ăn uống thì xin tạm người chung quanh. Bác ở quê gửi vào 3 triệu đồng làm lộ phí đi về”, anh Phạm Văn Quyết xót xa.

Bà Lê Thị Bảy cùng cháu gái 14 tháng tuổi trú tạm bên hiên nhà trên đường quốc lộ qua TP Quảng Ngãi.
Bà Lê Thị Bảy cùng cháu gái 14 tháng tuổi trú tạm bên hiên nhà trên đường quốc lộ qua TP Quảng Ngãi.
Vượt hơn 800 km trên hành trình trở về nhà, bà Lê Thị Bảy - mẹ của Quyết - cùng con trai và cháu trú tạm bên hiên nhà dân. Con dâu nhập viện cấp cứu, bà ôm cháu gái co ro bên hiên nhà, cùng chiếc xe máy là gia tài còn lại khi rời thành phố lớn.
Sau hơn 2 tiếng tìm kiếm, sắp xếp nơi ở bà được chính quyền TP Quảng Ngãi và nhóm thiện nguyện hỗ trợ đưa về nhà trọ ở tạm giữa đêm khuya nơi đất khách.
“Chúng tôi nghĩ sẽ ở ngoài đường thôi chứ không biết đi đâu. Có mấy anh ở TP Quảng Ngãi, phường và nhóm tình nguyện sắp xếp chuyển đồ dạc chúng tôi về nhà trọ ở chờ các con”, bà Lê Thị Bảy rưng rưng.
Sau đêm cấp cứu kịp thời, sức khoẻ thai phụ tạm ổn định. Bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến cho biết: “Bệnh nhân nhập viện nguy cơ sinh non, sức khỏe sản phụ yếu. Nếu sinh sẽ nguy hiểm nên chúng tôi nỗ lực điều trị kịp thời để không sinh non. Hiện bệnh nhân vẫn đang được theo dõi”.
Những đứa trẻ xuyên bóng đêm
Những ngày qua, hàng nghìn người dân từ miền nam về quê đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trên hành trình về quê, nhiều thai phụ, trẻ em xuyên màn đêm đến kiệt sức. Không nhà trọ, không nơi dừng chân vì Covid-19, những chiếc xe máy chạy trong đêm đôi lúc không ngơi nghỉ. Với họ, về nhà mới là điểm dừng chân bình an thật sự.
Cơn mưa tầm tã trong đêm trên tuyến đường tránh TP Quảng Ngãi, những đoàn xe nhóm 7 - 10 người cố sức chạy. 20 giờ tối, đoàn của chị Lê Thị Thanh Xuân 8 người lớn, 3 trẻ em tấp vào điểm tiếp tế thức ăn, nước uống nhóm Cộng đồng thiện nguyện Quảng Ngãi.
Tay ôm bé Vi Minh Thiện, Xuân với nhận trứng luộc, sữa và nước suối. Chặng đường 800 km áo mưa thay đổi liên tục trên hành trình tơi tả. Vợ chồng Xuân xin thêm 2 áo mưa để đủ cản nước hắt vào con trai. Trên tay mẹ, bé Thiện ngủ say. Đứa trẻ 7 tuổi không đủ sức cho chặng đường dài trên chiếc xe máy cũ.
“Tụi em về Huế. Đi hơn 2 ngày đêm rồi đến đây mưa lớn quá, may không ngã xe. Mang con vào Bình Dương đi làm giờ về hết. Con nhỏ nhưng cũng cố chứ không ở lại được nữa”, Xuân nói vội dưới cơn mưa.

2 ngày đêm cùng cha mẹ hồi hương về quê, bé Vi Minh Thiện không đủ sức cho chặng đường dài trên chiếc xe máy cũ.
2 ngày đêm cùng cha mẹ hồi hương về quê, bé Vi Minh Thiện không đủ sức cho chặng đường dài trên chiếc xe máy cũ.
Những đoàn người xe máy qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dưới cơn mưa tầm tã từ chiều hôm đến đêm khuya. Cây xăng, điểm tiếp tế thức ăn, nước uống là nơi dừng chân cho trẻ con, người già tá túc qua cơn đói lả. Đang ngủ say trên vai mẹ, bé Võ Anh Quân giật mình bởi tiếng nói ồn ào lẫn mưa lớn. Dừng tại điểm hỗ trợ, Quân được ba mẹ cho uống sữa, thay áo mưa để tiếp tục chặng đường về quê nhà Nghệ An.

Bé Võ Anh Quân cùng cha mẹ hồi hương về Nghệ An dưới cơn mưa tầm tã.
Bé Võ Anh Quân cùng cha mẹ hồi hương về Nghệ An dưới cơn mưa tầm tã.
Quê nhà ở huyện Chương Dương, tỉnh Nghệ An, sau tết, vợ chồng Lê Quốc Thanh vào TP Hồ Chí Minh tìm việc. Chưa kịp ổn định nơi ở, dịch Covid-19 ập đến khiến vợ chồng Thanh không có nơi nương tựa. Tiền mang vào cạn dần, vợ chồng Thanh cầm cự qua sự hỗ trợ của tổ dân phố nơi tạm trú. Không còn lối thoát, cả hai chở con vượt đường xa về nhà.
3 ngày qua, hàng trăm đoàn xe từ miền nam hồi hương đi qua tỉnh Quảng Ngãi được người dân, các nhóm tiếp sức trên đường giúp đỡ.
Đại tá Võ Văn Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, những ngày qua đã bố trí lực lượng ở đèo Bình Đê hướng dẫn người dân trên đường về quê. Cảnh sát tuần tra liên tục trên quốc lộ 1 để có phương án hỗ trợ khi người về quê rơi vào tình huống khó khăn.
“Đêm qua, lãnh đạo TP Quảng Ngãi cùng anh em chúng tôi điều xe đưa 30 người mắc mưa đến trú tạm tại các điểm trường an toàn chờ thời tiết ổn mới đi tiếp”.
“TP Quảng Ngãi chuẩn bị khu riêng biệt khoảng 250 chỗ và Ban Chỉ huy Quân sự thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để đón bà con nhân dân. Các đoàn xe bà con về quê cần nơi ở chúng tôi đón”, ông Hà Hoàng Việt Phương, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi chia sẻ.
Lan tỏa yêu thương
Chứng kiến câu chuyện cảm động của gia đình anh Phạm Văn Quyết và chị Đinh Thị Phương Anh tối qua, một số tổ chức, đoàn thể ở TP Quảng Ngãi cùng nhiều cá nhân, nhà hảo tâm đã quyên góp, ủng hộ gia đình nhỏ số tiền gần 60 triệu đồng. Từ đó, giúp cả nhà có thể tiếp tục chuyến về quê ở Thanh Hóa. Trong đó, có 9 triệu đồng để thuê xe cấp cứu đưa gia đình về Thanh Hóa. 
Tuy vậy, trong đêm qua, sau khi cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi, sản phụ Phương Anh ở trong tình trạng suy kiệt cơ thể, có nguy cơ sinh non sẽ ảnh hưởng đến em bé. Vì vậy, các y - bác sĩ ở Bệnh viện vẫn đề nghị chị tiếp tục theo dõi sức khỏe tại đây cho tới khi ổn định. 
Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đã được triển khai, nhưng do nguồn lực có hạn, nên cuộc sống của nhiều người dân xa quê ở các tỉnh, thành phố phía nam đang gồng mình chống dịch Covid-19 vẫn gặp nhiều khó khăn. Rời thành phố về quê thời Covid-19, họ cũng có những vất vả chờ đợi trên đường về. Bời vậy, rất cần những giải pháp an toàn, chu tất để giúp bà con xa quê, có hoàn cảnh khó khăn trở về nhà bình an.
ĐÔNG HUYỀN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.