Những mảnh đời ba gác: Nhu cầu và sự 'hỗn loạn'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xe ba gác là phương tiện chuyên chở được nhiều loại hàng hóa phổ biến, cước phí rẻ nên nhiều người chọn lựa. Nhưng thực tế còn quá nhiều bất cập.

Số lượng xe ba gác đông gấp hàng chục lần so với thống kê. Ảnh: QUANG VIÊN
Số lượng xe ba gác đông gấp hàng chục lần so với thống kê. Ảnh: QUANG VIÊN
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) TP.HCM, TP đang quản lý hơn 1.400 phương tiện xe 3 bánh cơ giới (xe ba gác - PV) có đăng ký. Nhưng ai cũng biết, với chừng đó xe ba gác không thể nào đáp ứng được nhu cầu chuyên chở lượng hàng hóa vô cùng lớn và đa dạng như TP.HCM. Thực tế, số xe ba gác đang lưu thông tại TP này nhiều hơn hàng chục lần so với số thống kê. Tại nhiều tỉnh thành khác, xe ba gác vẫn là phương tiện vận tải các loại hàng hóa thông dụng trong cự ly ngắn phổ biến nhất.
“Sứ mệnh” của ba gác
Nếu đặt câu hỏi: “Lấy gì để vận chuyển hầu hết các loại hàng hóa mà xe máy không thể đảm đương nổi?”, có thể 9 trong 10 người chọn phương tiện ba gác. Đơn giản vì ba gác có mặt mọi lúc, mọi nơi, cước phí rẻ và có thể lưu thông đến tận hang cùng ngõ hẻm.
Cạnh khu vực chúng tôi ở (Q.Bình Tân, TP.HCM) có những công trình nhà đang xây mới hằng ngày chủ nhân hoặc nhà thầu phải gọi ba gác chở xi măng, sắt thép... “Đường hẻm nhỏ như thế này chỉ có xe ba gác mới chở được hàng hóa vào đây chứ lấy xe gì thay được”, anh Mạnh, chủ nhân đang xây nhà, cho biết. Anh Sanh chủ thầu khẳng định: “80% việc chuyên chở vật liệu để dùng cho các công trình nhà ở khắp TP.HCM phải dùng xe ba gác”.
Dạo quanh TP.HCM, các cửa hàng vật liệu xây dựng, nội thất, kho xưởng... đều sắm xe ba gác chở hàng đi giao hoặc chở về. Những cơ sở kinh doanh nhỏ khi cần giao hàng thì gọi ba gác chở thuê. “Chở hàng hóa cồng kềnh giá trị thấp như 5 đến 7 thùng nước suối hay vài bao tải gạo... mà thuê xe ô tô vận tải nhỏ, chi phí vận chuyển cao không ai bỏ tiền ra thuê”, chủ một cửa hàng nói. Anh Lý Văn An, chủ xưởng cơ khí tại Bình Tân, TP.HCM cũng chia sẻ: “Nếu cần chở vài trăm ký sắt thép, mấy cái mô tơ không lẽ kêu xe tải nhỏ. Mà xe tải thì giá gấp đôi, thậm chí hơn. Vậy chỉ có xe ba gác là tiện lợi nhất”.

Một xe ba gác chở dưa để bán dạo
Một xe ba gác chở dưa để bán dạo
Tại các tỉnh khác, đường sá thông thoáng hơn, nhưng khi chuyên chở các loại hàng hóa cồng kềnh, có kích thước vừa phải người dân vẫn nhắm đến xe ba gác. “Nhà tôi kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giao hàng thì xe ba gác tiện lợi nhất. Riêng mua sắm nội thất, tủ lạnh, máy giặt dùng cho gia đình... tôi cũng như bà con vẫn gọi ba gác chở”, chị Ngọc Hiếu, chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi tại Quảng Nam, khẳng định.
Tiếp xúc với những người lắp ráp, mua bán xe ba gác, họ cho biết: Xe ba gác có kích thước nhỏ hơn xe tải, nhưng to hơn và có khoang chứa đồ rộng hơn xe máy. Do đó, chiếc xe này có thể chở được những món đồ nặng, cồng kềnh mà xe máy không chở được. Hơn nữa, hầu hết các loại xe ba gác đều được lắp ráp hệ thống ben thủy lực cùng các linh kiện có tính cơ động cao, chúng có thể dễ dàng nâng lên hạ xuống, quay đầu, tiến lùi dễ dàng.
Cũng cần nói thêm, hoạt động xe ba gác đang là kế mưu sinh của rất nhiều người. Anh Lương Ngọc Anh, “thủ lĩnh” Hội Ba gác Sài Gòn, tâm sự: “Ba gác là phương tiện mưu sinh của hàng chục ngàn người có hoàn cảnh khó khăn, trình độ thấp. Họ đã bỏ ra hàng chục triệu, thậm chí vay mượn để mua xe ba gác nên dù có thế nào cũng phải cày mà nuôi vợ con và trả nợ”.

Chở vật liệu xây dựng phần lớn phải dùng xe ba gác
Chở vật liệu xây dựng phần lớn phải dùng xe ba gác
Sự “hỗn loạn”
Không thể phủ nhận vai trò của xe ba gác. Điều đáng nói là hoạt động của loại xe này còn quá nhiều bất cập. Hơn 1.400 phương tiện ba gác cơ giới có đăng ký (tính riêng TP.HCM) là con số rất nhỏ so với đội quân ba gác không phép đang hiện hữu.
Phòng CSGT TP.HCM cho biết vẫn còn một lượng lớn xe ba bánh tự chế, do không đăng ký nên không có cơ sở thống kê chính xác. Xe ba, bốn bánh tự chế và xe chở hàng có gắn động cơ chiếm phần lớn là xe có nguồn gốc Trung Quốc. Các loại xe này mang biển số các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An lưu thông trên địa bàn vùng ven, giáp ranh, thường không có đăng ký. Người sử dụng loại xe này đa số là người lao động nghèo, có thu nhập thấp. Còn nhiều người chạy ba gác thì khẳng định với chúng tôi hơn 90% ba gác là xe “ma”, không giấy tờ hoặc có giấy tờ “phiên bản mẹ bồng con” (một xe được đăng ký giấy tờ thật sau đó “nhân bản” thêm).

Những xe ba gác chở hàng cồng kềnh thường không có số điện thoại này là của các công ty kinh doanh
Những xe ba gác chở hàng cồng kềnh thường không có số điện thoại này là của các công ty kinh doanh
Phòng CSGT TP.HCM lý giải những bất cập này. Theo đó, do tính chất cơ động của loại phương tiện ba bánh nên vẫn còn nhiều người sử dụng vận chuyển hàng hóa. Trên địa bàn TP vẫn còn nhiều địa điểm, cơ sở sản xuất, lắp ráp xe cơ giới ba bánh trái quy định, không đăng ký kinh doanh nên khó khăn trong công tác quản lý.
Một bộ phận người dân nhập cư mang theo phương tiện cơ giới ba bánh từ các tỉnh về hành nghề không nắm rõ các quyết định của UBND TP về cấm, hạn chế xe ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh trên địa bàn. Công tác tuyên truyền đối với người dân sử dụng các phương tiện xe ba, bốn bánh tự chế và xe chở hàng có gắn động cơ còn hạn chế do tính chất công việc, địa bàn cư trú và thời gian sinh hoạt của lực lượng chạy ba gác.
Trong khi đó, nhiều người hành nghề xe ba gác lại thắc mắc nếu có dự định cấm hoặc hạn chế xe ba gác tại sao vẫn để các cơ sở sản xuất xe ba gác hoạt động. “Các cơ sở sản xuất xe ba gác trưng biển bán xe công khai. Người cần xe ba gác đến đó mua thì họ đưa cho cái cà vẹt. Nhưng theo tôi biết giấy tờ đó 100% là giả”, một người chạy ba gác nói.
Việc xử phạt xe ba gác vi phạm theo chia sẻ của Phòng CSGT TP.HCM cũng gặp khó khăn, hạn chế. Do kích cỡ ba gác tương đối lớn, ảnh hưởng đến công tác tạm giữ, bảo quản phương tiện. Khi bị tạm giữ phương tiện người dân thường không đến giải quyết do đa phần các loại xe cơ giới ba, bốn bánh đều là tự sản xuất, lắp ráp, không rõ nguồn gốc. Quá trình tịch thu sung công quỹ nhà nước, tiêu hủy vẫn phải tiến hành các bước theo quy định, dẫn đến kéo dài thời gian, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Công tác phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn, do người điều khiển thường lựa chọn thời điểm không có lực lượng chức năng để hoạt động, hoạt động tại các khu vực chợ nhỏ, trên các tuyến đường hẹp, các tuyến đường giáp ranh giữa hai địa phương...
Trong năm 2019, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 680 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm chết 634 người, bị thương 163 người. Trong đó, số vụ liên quan đối tượng xe 3 bánh là 4 vụ (1%), làm 4 người chết (1%), 1 người bị thương (1%). 11 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 588 vụ tai nạn giao thông đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 516 người chết, 119 người bị thương. Trong đó, số vụ liên quan đối tượng xe 3 bánh là 5 vụ (1%) làm 5 người chết (1%), 1 người bị thương (1%). Số liệu của Phòng CSGT TP.HCM
Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.