Những mái chèo giữa trùng khơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Dạy mầm non, chúng tôi dạy cả múa và hát. Môn tiếng Anh chúng tôi dạy được, riêng múa hát thì phải cố gắng vì mình là đàn ông, chân tay vụng về. Các em ngoài này hát hay lắm, hay hơn các thầy.

Chúng tôi dùng USB đã coppy bài giảng từ trong bờ để trình chiếu dạy các cháu. Có máy tính, nhưng không có internet, chúng tôi dạy các cháu chương trình “giả lập”... Học sinh cấp tiểu học ngoài đảo có kiến thức cơ bản tốt hơn ở trong bờ, nhất là môn Toán và tiếng Việt. Nếu có thi học sinh giỏi, thế nào học sinh Trường Sa cũng có giải thưởng”… Đó là lời một thầy giáo ở Trường tiểu học Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa. Chuyện dạy và học ở Trường Sa là những lát cắt cuộc sống sinh động, thi vị và nghị lực vượt lên khó khăn của cả thầy và trò…

Giờ học của thầy và trò Trường tiểu học xã Song Tử Tây.

Giờ học của thầy và trò Trường tiểu học xã Song Tử Tây.

Tình nguyện ra đảo với tình yêu thương và trách nhiệm

Trong chuyến công tác ra huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), chúng tôi được Chính trị viên đảo Sinh Tồn (cụm xã đảo Sinh Tồn), Thượng tá Trần Văn Trình, đưa đến thăm Trường tiểu học trên đảo. Anh nói: “Đây là ngôi trường đặc biệt”. Đặc biệt bởi ngôi trường này chỉ có một lớp, lại là lớp ghép với vẻn vẹn một học sinh lớp 4 và 7 học sinh lớp mẫu giáo tuổi mầm non. Lớp mầm non này lại chia làm hai nhóm, nhóm 3, 4 tuổi và nhóm 5 tuổi. Trường có hai thầy giáo, phụ trách luôn các khối.

Thầy Phan Quang Tuấn năm nay đã 56 tuổi. Trước khi ra với Sinh Tồn, thầy là giáo viên ở một trường tiểu học tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Yêu nghề, yêu trẻ, muốn đem kiến thức, kinh nghiệm của mình góp sức đào tạo thế hệ trẻ nơi đảo xa của Tổ quốc, thầy Tuấn làm đơn xin tình nguyện ra đảo. Vợ thầy là giáo viên về hưu, vốn không muốn thầy đi xa, nhưng cô con gái động viên mẹ: “Bố ra đảo là niềm tự hào và vinh dự của gia đình ta mẹ ạ”.

Đồng nghiệp của thầy Tuấn là thầy Trương Hồng Lĩnh, năm nay 39 tuổi. Thầy Lĩnh là đảng viên, đã tốt nghiệp cao học tại Trường đại học Sư phạm Huế. Trước khi ra đảo, Thạc sĩ Trương Hồng Lĩnh là giáo viên Trường tiểu học Diên Xuân, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa.

Cả hai thầy đều có bề dày kinh nghiệm đứng lớp, nhưng ra đảo, “cai quản” một lớp học đặc biệt, với các thầy, những ngày đầu đều thật bỡ ngỡ. Với “biên chế” hai người, thầy Tuấn và thầy Lĩnh phân công nhau, ai có thế mạnh môn nào thì dạy môn đó. Thầy Lĩnh dạy 1 học sinh lớp 4 và hai cháu mầm non 4 tuổi. Còn thầy Tuấn dạy 2 học sinh 5 tuổi và 3 học sinh 3 tuổi. Các thầy dạy đúng theo lộ trình, bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phụ trách hai “lớp” mầm non, thầy Tuấn kiên nhẫn tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lý của trẻ lứa tuổi này, mày mò tự chế giáo cụ trực quan để vừa dạy vừa dỗ, sao cho kết quả giáo dục, giáo dưỡng tốt nhất. Với tình yêu trẻ và ý thức trách nhiệm của người giáo viên, thầy luôn rút kinh nghiệm hằng ngày, hằng buổi học, “bữa nay cháu nó ngoan, ngày mai cháu nó không ngoan là vì lý do sao cháu nó không ngoan, rồi tự mình mình đánh giá bản thân mình trước để mình rút kinh nghiệm cho bản thân mình chứ không có thể là đổ thừa cho cháu”. Có cháu hiếu động quá, chưa chịu vào nền nếp, thầy áp dụng phương pháp khen là chính, biểu dương mỗi khi cháu làm tốt, rồi kết hợp với gia đình để uốn nắn. Ở lớp mầm non của thầy, các cháu được học “dự thính” tiền tiểu học, được thầy tranh thủ dạy ghép chữ. Cứ kiên nhẫn thế, cho các cháu vừa học vừa chơi, đến nửa học kỳ, các cháu đã biết đánh vần, biết đọc. Thầy khẳng định, sau này, các cháu theo bố mẹ vào bờ học sẽ theo kịp chương trình trong bờ.

Thầy Lĩnh tâm sự: “Hoài bão, tâm huyết của tôi là được ra Trường Sa dạy học. Tôi làm đơn 3 lần mới được xét. Mỗi lần nghỉ phép về với gia đình, tôi tranh thủ đi cập nhật, tìm kiếm tư liệu từ những bộ phim về cuộc sống, kỹ năng sống hay những câu chuyện cổ tích, ca dao dân ca hay những bài hát ca ngợi quê hương đất nước để nội dung dạy và học phong phú hơn…”. Thầy khẳng định, học sinh cấp tiểu học ngoài này có kiến thức cơ bản tốt hơn ở trong bờ, nhất là môn Toán và tiếng Việt, bởi chỉ có một học sinh, các thầy có thời gian theo sát kèm cặp. Ngoài giờ học trên lớp, các thầy còn đến tận nhà kèm thêm. Thầy Tuấn cười: “Ở đất liền học đại trà, có những lớp tới hơn 40 học sinh, thầy cô khó quản lý hết, không bằng chúng tôi ở ngoài này đâu”. Thầy Tuấn, thầy Lĩnh tự tin, nếu có thi học sinh giỏi, thế nào học sinh Trường Sa cũng có giải thưởng.

Dịp thi hết học kỳ 1, Trường tiểu học Sinh Tồn cũng lập “Hội đồng thi” không, rồi tổ chức thi cử nghiêm túc theo đúng lịch thi của Bộ.

Ở đảo Song Tử Tây (xã đảo Song Tử Tây) cũng có một lớp ghép gồm tám học sinh, cả tiểu học và mầm non. Hai thầy Bùi Tiến Anh, sinh năm 1998, công tác tại Trường tiểu học Phương Sơn gần ga Nha Trang và Lê Thanh Chiến, sinh năm 1985, là giáo viên tiểu học và trung học cơ sở Cam Lập, huyện Cam Ranh. Cả hai cũng đều xung phong tình nguyện ra đảo, đến với những đứa trẻ ngoài khơi xa. Và điều nhớ nhất của hai thầy khi bước chân lên môi trường làm việc mới, đó là: Quân, dân trên đảo đón các thầy với tình cảm trân trọng và yêu thương như đón người thân.

Họ phân công nhau, thầy Chiến dạy lớp 1, lớp 2, thầy Tiến Anh dạy mầm non và lớp 4. Thiếu đồ dùng dạy học, các thầy tự làm lấy, tuy không được đẹp và tinh xảo nhưng cũng đủ gợi trí tò mò, hấp dẫn các cháu. Dạy lớp ghép, khi giảng bài cho học sinh tiểu học thì tổ chức cho trẻ mầm non chơi trò xếp hình, cứ thế quay vòng, bận rộn nhưng vui.

Thầy Bùi Tiến Anh chia sẻ: “Chúng tôi vẫn dạy bình thường, nội dung chương trình phong phú nhưng mà ngược lại thì mình cũng phải tìm tòi cách giảng dạy cho tốt chứ. Thí dụ như là lúc dạy tiểu học thì tôi vẫn cho các cháu mầm non xếp hình, hoặc là cho tự lắp ráp để phát huy tính sáng tạo của cháu”.

Những mảnh vườn tăng gia của bộ đội cũng được các thầy dùng làm giáo cụ trực quan, cho các cháu tìm hiểu thế giới thực vật, khám phá nhiều điều bổ ích.

Thầy và trò Trường tiểu học xã Sinh Tồn.

Thầy và trò Trường tiểu học xã Sinh Tồn.

Niềm hy vọng

Tuy trường học ở Trường Sa xa xôi, điều kiện còn thiếu thốn, các thầy muốn xác nhận điểm số cho học sinh thì phải lên UBND xã đảo “cộp” cái mộc, nhưng được chính quyền quan tâm đầu tư nên cơ sở vật chất khá khang trang, có phòng đọc, phòng thư viện với nhiều sách báo và đồ chơi cho trẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Cao Văn Giáp chia sẻ: “Những ngày lễ chúng tôi tổ chức như trong bờ. Vừa qua, ngày khai giảng, chúng tôi cũng có phần quà động viên các thầy. Ngày 20/11, xã làm bữa cơm thân mật chúc mừng các thầy. Ở ngoài này, tiền bạc không mua được gì đâu, tất cả đều bằng tình cảm, anh em quan tâm lẫn nhau. Chúng tôi trao đổi ý kiến thường xuyên với gia đình và các thầy, dạy các cháu tình yêu biển đảo, yêu quê hương. Đất liền cũng rất quan tâm, gửi nhiều quà cho các thầy, các trò, động viên tinh thần, mong các thầy dạy dỗ các cháu nên người”.

Để tìm hiểu thực tế kết quả dạy và học ở đây, chúng tôi đã đến thăm một gia đình trên đảo Sinh Tồn. Sau bữa cơm tối, vợ chồng anh Phạm Văn Toản, chị Trần Thị Thu Huyền vui vẻ tiếp khách. Cháu Phạm Minh Thư đang mải miết luyện chữ. Cháu Thư 5 tuổi, là học trò của thầy Tuấn. Nhờ được học chương trình tiền tiểu học, Thư đã biết viết, biết đọc. Chị Huyền kể: “Các cháu đến trường vui lắm. Thầy Tuấn, thầy Lĩnh đến tận nhà kèm cháu học, uốn nắn từng nét nên cháu viết chữ đẹp lắm”.

Nghĩ đến các cháu học sinh trong đất liền đến trường với ba-lô, cặp sách nặng trĩu, về nhà lại tất bật học thêm hết lớp này đến lớp khác, chứng kiến môi trường sư phạm ngoài đảo, chúng tôi ước sao ở đâu trên đất nước mình học sinh cũng được học hành trong tình yêu và sự tận tụy đầy trách nhiệm của những người thầy, như các thầy nơi đảo xa, những “mái chèo” vượt trùng khơi mang chữ, mang kiến thức đến với học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.