Những lớp học xóa mù lưng chừng trời

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Loang loáng những ánh đèn pin, đèn flash điện thoại, rộn rịch những bước chân mỗi lúc một gần hơn, đông hơn về nhà văn hóa bản, về điểm trường tiểu học. Đó là hình ảnh quen thuộc của các lớp học đêm dành cho bà con vùng dân tộc thiểu số Lai Châu. 

Lớp học xóa mù chữ dành cho bà con xã Tà Mung (huyện Than Uyên).
Lớp học xóa mù chữ dành cho bà con xã Tà Mung (huyện Than Uyên).
1/Là một trong tám xã biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu, tên xã “Sì Lở Lầu” nghĩa là con số “mười hai”, ứng với câu chuyện muốn đến được Sì Lở Lầu phải vượt qua 12 tầng dốc núi. Những năm qua, các chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 356 (Quân khu II) giúp bà con các xã biên giới huyện Phong Thổ (Lai Châu) xóa đói, giảm nghèo, bài trừ tệ nạn, ổn định cuộc sống.
Sau một ngày thực hiện nhiệm vụ, tối đến các anh lại trở thành những thầy giáo bản, cầm tay, nắn nót từng viên phấn, luyện câu đọc đánh vần từng con chữ. Các thầy giáo bộ đội thuộc Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 (Đội 1) của Đoàn KT-QP 356 dạy chữ cho bà con ở các bản Phố Vây, Thà Giàng, xã Sì Lở Lầu. 
Bản Thà Giàng có hơn 400 nhân khẩu, số người trong độ tuổi 35 trở lên không biết chữ chiếm gần 50% dân số. Bao năm nay, phần lớn bà con người Dao nơi đây không thạo tiếng phổ thông, không biết chữ, mọi xác nhận thủ tục hành chính chỉ dùng ngón tay trỏ. Mọi giao tiếp trở nên hạn chế, dẫn đến đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Được chính quyền xã, của trưởng bản và con cháu vận động, người dân Thà Giàng tích cực đến lớp học chữ hơn. 
Trưởng bản Phố Vây Phàn Diếu Khai phấn khởi: “Mới ngày đầu bộ đội mở lớp dạy chữ bà con bản mình còn e ngại không dám đến lớp, sợ không học được cái chữ thì xấu hổ. Khi được động viên bà con rất tích cực, nay nhiều người đã biết đọc, biết viết. Giờ tối đến bản mình nhộn nhịp ánh đèn, tiếng gọi nhau í ới đi học vui lắm!”.
2/Trụ sở chính Đoàn KT-QP 356 đóng tại xã Pa Vây Sử (Phong Thổ), để mang được cái chữ đến với bà con Sì Lở Lầu, các anh phải ngược 12 tầng dốc núi với quãng đường độc đạo hơn 22 km dựng đứng như lên trời. Thượng úy Phạm Văn Mạnh-Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1, một trong những giáo viên chia sẻ: Lớp có khoảng 30 học sinh dân tộc Dao của hai bản Thà Giàng và Phố Vây. Khó khăn ban đầu khi mở lớp là rào cản ngôn ngữ. Bởi nhiều bà con lớn tuổi, tiếng phổ thông còn hạn chế. Bài học đầu tiên là tập cho bà con làm quen với các ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Với nội quy đã vào lớp không giao tiếp bằng tiếng bản địa, dần dần, bà con thạo tiếng phổ thông, dễ dàng hơn trong việc học chữ và phát âm tiếng Việt.
Tối nào cũng vậy, cứ phải hơn 8 giờ tối, mẹ con chị Tẩn Lở Mẩy (bản Phố Vây), dân tộc Dao đỏ, mới đến lớp được. Chị tâm sự: Nhà bao việc, thu xếp xong xuôi hết, mới yên tâm đi học được. Tiếc lắm, nhiều lần xã mở lớp dạy chữ, nhưng cứ mải việc gia đình, lo cho con cái, mình đã bỏ dở mấy lớp. Lần này mình quyết tâm phải theo học đến cùng, phải biết viết thạo, đọc thông con chữ”. 
Lớp học đủ lứa tuổi, nhìn những cụ già, các thanh niên mắt chăm chú, miệng “o a” đánh vần theo hiệu lệnh của giáo viên, cùng những ánh mắt, cử chỉ ân cần chỉ bảo từng tí, mới thấy những tâm huyết đem con chữ đến với bà con nơi đây. Trao đổi với Đại tá Đỗ Ngọc Minh-Đoàn trưởng KT-QP 356 được biết, đây là một trong số nhiều lớp học xóa mù chữ, chống tái mù mà Đoàn thực hiện kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ trong nhiều năm qua. Bà con được các cơ quan, đơn vị mở lớp trang bị từ sách giáo khoa, vở viết, phấn, bảng, bút. Từ năm 2020 đến nay, Đoàn mở được hai lớp xóa mù chữ ở xã Sì Lở Lầu.
Giàng A Tàng (bản Tả Lèng), học viên nam duy nhất trong lớp cô giáo Nguyễn Thị Quyên, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Lèng, xã Tả Lèng (Tam Đường), là một người đàn ông H’Mông thành đạt theo quan niệm của bà con H’Mông Tả Lèng. A Tàng giỏi nuôi ngựa, chăn trâu, nấu rượu và làm nương, cuối vụ nhà anh có cả đàn ngựa béo núng nính, đàn trâu căng mọng và hàng chục tấn thóc ngon nức tiếng như: Nếp nương, tẻ râu, séng cù… Người buôn đến nhà anh xếp hàng chật như củi bó, ai cũng mong mua được hàng của nhà Giàng A Tàng. Tiền bạc rủng rỉnh, con cái đủ đầy, nhưng mỗi khi nhìn giấy tờ mắt anh lại hoa lên, chóng mặt, anh bực lắm, tham gia giao thông chỉ biết nhận dạng các biển báo hiệu, còn con chữ thì chỉ “chư pâu” (không biết). Vậy nên lần này, A Tàng quyết học bằng được con chữ.

Tranh thủ ngày cuối tuần, cô giáo Nguyễn Thị Quyên lại về bản chia sẻ việc học với bà con xã Tả Lèng.
Tranh thủ ngày cuối tuần, cô giáo Nguyễn Thị Quyên lại về bản chia sẻ việc học với bà con xã Tả Lèng.
 
3/Ông Đinh Trung Tuấn-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: Đến nay, tỷ lệ xóa mù chữ toàn tỉnh Lai Châu trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi là 255.962/283.185 người đạt 90,4%. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác huy động người mù chữ tham gia các lớp xóa mù chữ còn vất vả, nhất là người mù chữ ở các xã vừa ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Thời gian tổ chức lớp học chủ yếu vào buổi tối, hay vào mùa vụ dẫn đến khó huy động học viên ra lớp học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Do đó, thời gian tới, công tác xóa mù chữ cho đồng bào vùng cao vẫn được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và rất khó khăn; đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường và của cả người học để dân trí toàn tỉnh ngày càng được nâng cao.
Theo bài và ảnh: Hà Minh Phụng (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.