Những khoảng lặng thanh xuân: Trong vòng xoáy tăng ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lao động trẻ và rẻ được coi là lợi thế hấp dẫn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những nam nữ thanh niên công nhân đang vắt kiệt sức mình, hao tổn thể chất và tinh thần để có thu nhập. Thực tại đó nói lên điều gì? Tương lai của lớp người đang sung sức nhất hiện nay sẽ đi về đâu… sẽ được đề cập trong tuyến bài này.
Những chuyến xe ca lặng phắc
Bắc Giang, đầu tháng 6, thời tiết oi nồng và đỏng đảnh. Mới 6h sáng, vừa sáng rõ mặt người, mây đen lại kéo đến, trời tối mịt rồi mưa ràn rạt đổ xuống.
Chỗ tôi đang đứng là cổng Trường THPT Tân Yên (thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên) - nơi những công nhân đón xe đi làm. Mới đứng được 10 phút, hàng trăm công nhân từ các hướng khác nhau tiến về chen nhau dưới bạt.
Cạnh tôi, cậu công nhân tên Tuấn vừa cởi bỏ áo mưa, rũ mạnh, rồi cuộn tròn, cho vào túi gọn gàng. Thấy tôi hỏi xe đi khu công nghiệp (KCN) Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang), Tuấn nói: “Anh làm ở Luxshare à, cứ lên xe cùng em”.
 
Cảnh xe đón công nhân trong KCN
Cảnh xe đón công nhân trong KCN
Hàng chục xe ca trưng biển Xuân Lương, Thanh Tuấn, Hiển Trang và cả những xe ghi tên công ty, nhà máy nơi công nhân làm việc nối đuôi nhau ghé điểm đón. Sau mươi phút, thấy chiếc xe màu đỏ, nhiều chỗ bong sơn đề dòng chữ “Nhà xe Thanh Tùng”, Tuấn vỗ vai tôi, giục: “Xe đến rồi, anh em ta đi”. Lên xe khá nhanh nhưng hai anh em chúng tôi chỉ kiếm được 2 ghế nhựa để ngồi. “Cố gắng dậy sớm, đi sớm thì mới có chỗ. Những xe từ Nhã Nam, Yên Thế (Bắc Giang) xuống đây như xe này hầu như đã đủ chỗ, đi những chuyến muộn có khi chỉ đứng một chân”, Tuấn nói.
Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa được ban hành ngày 23/03/2022 quy định về số giờ làm thêm trong 1 năm, 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nghị quyết mở rộng ngành nghề, đối tượng được làm thêm đến 300 giờ trong một năm và đến 60 giờ/tháng.
Quốc Hưng
Khác với những chuyến xe khách, những chuyến xe chở công nhân im ắng lạ thường. Trên xe chỉ có tiếng kẽo kẹt của cửa, của gầm xe, thậm chí còn nghe rõ được cả tiếng các bộ phận động cơ ô tô siết vào nhau. Nhiều người tranh thủ chợp mắt, chốc chốc lại nghiêng ngả, giật mình khi bác tài đánh lái tránh ổ gà. Ít người còn lại, không ngủ được, tranh thủ xem điện thoại cho đỡ buồn nhưng thi thoảng cũng ngáp vặt, chợp mắt.
Có người đồng hành bất đắc dĩ là tôi nên Tuấn phải tiếp chuyện khi còn ngái ngủ. Tuấn sinh năm 1989 ở Tân Yên (Bắc Giang), học xong cấp 3, xin bố mẹ đi lao động ở Malaysia.
Năm 2015, Tuấn về quê lấy vợ. Hai vợ chồng dẫn nhau xuống KCN Vân Trung xin làm công nhân trong nhà máy. Mỗi sáng, vợ chồng ăn bánh mỳ, cơm nguội hoặc gói mỳ tôm rồi gửi 2 đứa con cho ông bà trông. Ngày nào cũng vậy, cứ 6h20 phút, hai vợ chồng đón ô tô chỗ vừa nãy để đi làm. Mỗi tháng, tiền xe hai vợ chồng hết 1 triệu đồng.
Xe chạy khoảng 30 phút thì đến cổng KCN Đình Trám (huyện Việt Yên, Bắc Giang) - nơi bắt đầu “rải” công nhân. Bác tài hắng giọng: “Ai xuống Đình Trám không?”. Tất cả công nhân trên xe như bừng tỉnh; người buộc tóc, người cất điện thoại chờ xuống xe. Khi xe đến ngã tư KCN Vân Trung, Tuấn cũng chào tôi và xuống xe.
“Sung sướng” vì được tăng ca
Trời đã tối mịt nhưng hơi nóng của không khí, của đường bê tông, nhà cửa vẫn còn bức bối. Tôi lên đúng chiếc xe hồi sáng từ KCN Vân Trung, chạy ngược lộ trình ban sáng. Xe đông, mùi mồ hôi, bụi bặm, ngột ngạt. Thỉnh thoảng, xe lại dừng để đón thêm các tốp công nhân. Lên xe, ai nấy đều uể oải, nhanh chóng tìm cho mình một chỗ ngồi.
Trước mặt tôi, một thanh niên tranh thủ lướt điện thoại, bấm một bản nhạc rồi cắm tai nghe vào và gục xuống ngủ. Cạnh đó, nữ công nhân còn khá trẻ tranh thủ gặm miếng bánh mỳ rồi cũng bắt đầu gà gật.
 
Cảnh công nhân ngủ trên xe. Ảnh: Đức Anh
Cảnh công nhân ngủ trên xe. Ảnh: Đức Anh
Tôi gặp lại Tuấn, bước chân nặng nề lên xe, tiến về phía tôi, Tuấn ngồi phịch xuống ghế. “Tám giờ em bắt đầu làm, 10h nghỉ 10 phút. Đến 12h, các bộ phận khác được nghỉ 1 tiếng nhưng em nghỉ 30 phút để ăn trưa rồi vào làm. Lúc 15h, em được nghỉ 10 phút, đến 17h thì nghỉ. Nếu ai tăng ca được nghỉ 30 phút và làm đến 20h thì ra về”, Tuấn kể.
Như vậy, tổng thời gian Tuấn ở chỗ làm trong ngày tăng ca này là 12 tiếng. Nếu tính cả thời gian di chuyển, Tuấn đi làm hết gần… 16 tiếng trong một ngày. Nếu Tuấn ngủ đủ 8 tiếng, hết vèo 24 giờ.
“Ngày thường, công nhân được bố trí tăng ca luân phiên. Khi cao điểm có đơn hàng, công nhân bắt buộc phải tăng ca, ai tự ý bỏ về thì phải viết bản kiểm điểm. Nhưng hầu như không ai chê, đều xin “chiến đấu” vì miếng cơm manh áo, vì tăng ca được 200% lương. Hai vợ chồng em tăng ca đều, mỗi tháng cũng được khoảng 20 triệu”, Tuấn khoe.
Hàng ngày, nhóm của Tuấn chỉ làm một việc là dùng máy đánh bóng vỏ máy tính bảng. “Nếu không tăng ca thì mỗi ngày dây chuyền sẽ hoàn thiện khoảng 1.000 sản phẩm. Còn tăng ca dây chuyền sẽ được bố trí thêm công nhân và phải hoàn thiện khoảng 2.400 sản phẩm. Như thế đủ hiểu, tăng ca quan trọng với nhà máy và công nhân ra sao”, Tuấn chia sẻ.
Công nhân quê Bắc Giang như Tuấn đôi khi còn từ chối làm thêm nếu nhà có việc, nhưng với công nhân tỉnh khác về Bắc Giang, tăng ca là cơ hội tăng thu nhập. Sau khi chia tay Tuấn ở điểm chuyển xe buổi sáng đến KCN Vân Trung nêu trên, tôi lại hòa mình vào đoàn công nhân vừa tan ca. Tôi xin đi theo nhóm của Đường Thị Hằng (SN 1998), quê ở Cao Bằng. Sau khoảng 30 phút đi bộ, chúng tôi về xóm trọ của Hằng ở Thôn Chùa xã Tăng Tiến (cách KCN Vân Trung chừng 1 km).
Khu nhà trọ 7 tầng, khang trang sạch sẽ nhưng chỉ nhộn nhịp khoảng 1 tiếng mỗi sáng hoặc chiều trước giờ đi làm của công nhân. Phòng trọ của Hằng được trang bị một máy điều hòa, một chiếc giường và một tủ vải. Góc phòng là nhà vệ sinh và một chiếc bếp ga mini. “Em thuê một mình để nghỉ ngơi cho thoải mái. Điều hòa, giường chủ nhà trang bị, còn lại em tự sắm. Mỗi tháng tiền thuê hết 1 triệu”, Hằng cho biết.
Bốn năm trước, Hằng theo các chị ở quê xuống đây xin làm công nhân trong nhà máy điện tử ở KCN Vân Trung. Hằng ngày, cứ hơn 7h, Hằng ra khỏi nhà trọ rồi tranh thủ ăn sáng. Tám giờ, ca làm việc bắt đầu. Giờ nghỉ giải lao của Hằng cũng là giờ ăn trưa. Nếu không tăng ca, Hằng làm đến 17 giờ là về nhà trọ nấu nướng, ăn, rồi nghỉ ngơi. Nếu công ty cho tăng ca thì làm thông đến 19h30 phút (được tính tăng ca ba tiếng). Hằng khoe: “Tháng vừa rồi, em tăng ca hơn 50 giờ, lương hơn 10 triệu. Có tháng cao điểm, em tăng ca được 100 giờ, lương tháng đó được 14 triệu đấy”.
“Tăng ca là tăng thu nhập. Công nhân chúng em chỉ thích tăng ca thôi. Hôm nào không tăng ca về từ 17h cũng chán, vì không biết làm gì”, Hằng nói. Theo Hằng, công việc của em 4 năm qua cứ diễn ra chủ yếu theo một lịch trình: Ngủ dậy - đi làm - tăng ca - về ngủ. Hỏi về thời gian giải trí, yêu đương Hằng đùa rằng: “Yêu đương gì anh, mệt chết đi được. Đi làm về chỉ muốn ngủ thôi!”.
(Còn nữa)
Theo Đức Anh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.