Những hải trình mang vị đời thấm ngọt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi ngồi lặng yên giữa hàng trăm chiếc tàu cá của ngư dân đang được nghỉ ngơi sau nhiều hành trình dài vươn khơi, bám biển. Trong cái tất bật, vội vã của mùa xuân, chừng như, biển chưa lúc nào thôi hát lời ca ngàn năm trên sóng. Ngư dân biển miền trung, theo những hải trình bám biển, đôi khi, nước mắt chan lẫn vị mặn của đại dương. Mắt rưng rưng khi lá cờ Tổ quốc mới tinh, đang được ngư dân treo đầu mũi tàu, hướng thẳng ra biển lớn.

Những hải trình mang vị đời thấm ngọt.
Những hải trình mang vị đời thấm ngọt.
Lão ngư Lê Văn Chiến, người ngư dân can trường, dũng cảm hết mình vì biển, vì niềm tin yêu mà bao bạn thuyền trao gửi, đã nói với tôi rất thật lòng: “Biển là cuộc sống và là mạng sống. Tổ quốc luôn ở trong tim. 55 tuổi, hơn 40 năm bám biển, đã trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn, nhưng, chưa bao giờ chúng tôi để những lá cờ Tổ quốc phai màu! Ngư dân ta, bao đời nay, sống nhờ biển và dẫu có khó khăn bao nhiêu, vẫn phải vững tay lái, vững mái chèo, đưa tàu vươn khơi đến tận cùng hải phận thiêng liêng của Tổ quốc và đưa tàu về cập đất liền bình an”

 Ngư dân Lê Văn Chiến treo cờ Tổ quốc trên tàu cá.
Ngư dân Lê Văn Chiến treo cờ Tổ quốc trên tàu cá.
Sáng xuân, Đà Nẵng nắng lạnh, vài hạt mưa xuân lắc rắc. Không khí trong lành và chừng như, thời gian, đã ngừng lại, cùng với thành phố lắng lòng trong thời khắc mùa xuân giao thoa đất trời diệu vợi. Chúng tôi có cuộc hẹn đầu năm mới với lão ngư Lê Văn Chiến tại khu vực neo đậu tàu cá dưới chân cầu Rồng. Khu vực này có nhiều tàu công suất lớn của ngư dân miền trung vào neo đậu, nghỉ ngơi và chuẩn bị đầy đủ lương thực, nhiên liệu để xuất bến đầu năm mới.
Chờ hơn một giờ đồng hồ, lão ngư Văn Chiến mới tạm gác lại công việc trên tàu cá, tranh thủ thời gian neo bờ trò chuyện. Vẫn nụ cười hiền và gương mặt rám nắng gió, ông Chiến bắt đầu kể những kỷ niệm về biển đã ăn sâu vào máu thịt.
Như chỉ cần khơi gợi, mọi cảm xúc ùa về tươi mới như hôm qua. Trong câu chuyện về biển là một thước phim dài với nhiều lát cắt số phận. Sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống có nhiều đời làm biển, 13 tuổi, Lê Văn Chiến đã có những những trải nghiệm đầu đời về biển trên những chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ cùng cha mình. 20 tuổi, chàng trai miền biển Thanh Khê ấy đã mạnh dạn chọn nghề biển để gắn bó, mưu sinh. Bản thân ông, từ năm 2013, đã tiếp cận và vay vốn theo Nghị định 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ để đóng mới con tàu vỏ gỗ có công suất 800CV. Đầu tư, mua sắm trang thiết bị, ra khơi bám biển tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng chục lao động.  
Với ông, biển cả như máu thịt và vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mãi là niềm tự hào và chưa bao giờ quên. Dạn dày kinh nghiệm với biển khơi, đã không ít lần chạm trán tử thần và cũng đã không biết bao lần, tàu ông kịp thời cứu hộ, cứu nạn tàu bạn, giành lại sự sống của bạn thuyền giữa muôn tầng sóng biển. Trong ký ức không muốn nhớ, ông nói rằng, đối với những ngư dân miền biển, anh em như người một nhà. Trên bờ hay trên biển, lúc khó khăn thì giúp nhau vượt qua, đó cũng là lẽ đương nhiên và cũng là cách sẻ chia, chung lòng của những người con lớn lên từ làng biển.
Gắn bó và yêu biển như mạng sống của mình. Hỏi ông về những kỷ niệm giữa biển khơi, ông xúc động khi nhớ về lần trực tiếp cứu sống 17 thuyền viên trên tàu cá của ngư dân cùng làng Phạm My Em bị nổ bình ga trên biển khi đang câu mực trên Biển Đông; chuyện cách đây hơn chục năm trực tiếp kéo tàu cá ĐNa 90385 của ngư dân Hồ Tấn Phước (quận Thanh Khê) bị nạn chết máy ngoài khơi.
Nhưng, trong tâm khảm mình, ông nhớ nhất năm 2014, khi tàu cá ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa bị đâm chìm trên biển, ông cùng với nhiều tàu cá khác đã kịp thời hỗ trợ, khắc phục sự cố và cứu nhiều ngư dân… Đó, cũng là thời gian đi biển mà ông khắc cốt ghi tâm. Là những ngày đánh bắt thủy - hải sản trên vùng lãnh hải Việt Nam mà khó khăn, nguy hiểm nhất. Với ông, dẫu bây giờ thiếu thốn bạn thuyền khi lao động nghề biển hiếm và khó kiếm, nhưng ông vẫn vươn khơi, bám biển. Đó, đã là mệnh lệnh trái tim.

 Ngư dân Lê Văn Chiến lái tàu.
Ngư dân Lê Văn Chiến lái tàu.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bị gián đoạn bởi nhiều cuộc điện thoại từ bạn tàu gọi ông. Mùa này, làm biển khó kiếm bạn tàu, thiếu lao động. Vậy nên, anh em ngư dân thường xuyên trao đổi để khắc phục khó khăn. Ông nói, quận Thanh Khê trước đây tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ nhiều lắm, nay thì đếm trên đầu ngón tay còn trên dưới 40 chiếc. Khó khăn quá, nhiều nhà phải bán tàu, ông nói rồi lặng nhìn ra sông Hàn.
Lão ngư Lê Văn Chiến được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2007-2012 và Nông dân sản xuất gỉỏi toàn quốc năm 2014; là một trong 20 gương mặt tiêu biểu của TP Đà Nẵng 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều bằng khen, giấy khen…Nhưng ông nắm chặt tay mình và vẫn tâm niệm một điều rằng, còn sức, còn đi biển và còn yêu biển. Dẫu hiện tại, các con đã lớn, trưởng thành, nhưng, thương bạn thuyền, thương lao động biển, và thương biển nên “bao giờ không đi được nữa thì tôi mới nghỉ”, như cách ông nghĩ và làm.

Ngư dân kéo lưới bên khu vực biển Thọ Quang.
Ngư dân kéo lưới bên khu vực biển Thọ Quang.
Trên Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang Đà Nẵng, tết về là lúc nhiều tàu cá vừa cập cảng và cũng là thời điểm, nhiều tàu cá xuất bến. Nơi này, là điểm dừng chân của tàu cá ngư dân nhiều tỉnh miền trung từ Quảng Bình, Quãng Ngãi, Bình Định,… Chúng tôi gặp nhiều ngư dân miền trung, sau những ngày miệt mài trên biển, cập bến về đất liền và giữ trong mình niềm tin về một mùa biển bội thu đầu năm mới. Tất tả vào bờ, tranh thủ về thăm gia đình mấy hôm rồi lại đúng hẹn, ra khơi. Chủ tàu cá QB 98048TS Trịnh Văn Minh tất bật với chuyến xuất bến xuyên Tết. Mỗi chuyến biển, anh Minh đều chuẩn bị sẵn một lá cờ Tổ quốc mới tinh để thay thế cho lá cờ vừa kết thúc chuyến vươn khơi đầy nắng gió.
“Không biết từ bao giờ, việc đi biển đã là nếp sống, trở thành hơi thở với anh. Anh chẳng còn nhớ bao lần đã giương cờ, giong thuyền bám biển. Ngày xưa đi biển cực lắm, ngư cụ đánh bắt còn thô sơ, không có máy dò cá hay la bàn, định vị, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Giờ đây phương tiện tàu thuyền vững chắc hơn, phương tiện thông tin liên lạc được đầu tư hiện đại hơn, nên ngư dân an tâm bám biển”, ngư dân Văn Minh, tâm sự.

 Nụ cười của ngư dân khi tàu cập cảng cá Thọ Quang.
Nụ cười của ngư dân khi tàu cập cảng cá Thọ Quang.
Còn ngư dân Hoàng Văn Thám, chủ tàu QB 98338TS, bắt chuyện với chúng tôi bằng một khát vọng tuổi trẻ: “Sau này khi có đủ kinh phí mình sẽ để đóng một chiếc tàu to, đủ sức để vượt sóng lớn đến vùng biển hứa Hoàng Sa, Trường Sa, vẫy vùng nơi biển mặn cá đầy. Mình nghĩ, đã theo nghề đi biển thì mình phải trở thành một ngư dân đúng nghĩa, bởi không chỉ đánh bắt được nhiều cá, mực mà mình phải bảo vệ được vùng biển chủ quyền của Tổ quốc”.

 Sắc đỏ lá cờ Tổ quốc trên tàu cá đang neo đậu tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang.
Sắc đỏ lá cờ Tổ quốc trên tàu cá đang neo đậu tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang.
Trong chuyến biển đầu năm mới vừa rời cảng Đà Nẵng, hay nhiều tàu vừa cập cảng với cá đầy khoang, là những hải trình mang vị đời thấm ngọt. Cho mỗi độ xuân về trên thành phố, tôi lại thêm lần nữa được thấm đẫm vị mặn biển khơi, được tắm bóng mình trong nắng sớm và được chia niềm vui giản đơn cùng nhóm bạn chài làng biển Mân Thái với mẻ lưới đầu năm. Với ngư dân, biển là máu, là tim, là mạng sống của mình! Hình ảnh ngư dân miền trung treo những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm trước mũi tàu, hướng ra biển lớn, nhắc nhớ tôi bài học về lòng tự tôn, niềm tự hào dân tộc.
Tôi đi trong gió xuân, dọc cung đường biển đẹp, chợt rưng rưng, khi nắm chặt tay lão ngư Lê Văn Chiến trước khi ông xuống tàu. Tôi nghe vị mặn trên môi mình. Nghe đâu đây lời bài hát Tổ quốc gọi tên mình, do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai:
Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi!
Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ
Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã
Máu của người nhuộm mặn sóng Biển Đông…
Đó, là cốt cách con người Việt Nam, là dấu chân im đậm mồ hôi, nước mắt của cha ông xưa đã lên rừng, xuống biển, khai hoang mở cõi.
Và, trước mùa biển lặng hay những ngày biển động, ngư dân, ngàn đời nay vẫn thủy chung với nghề. Họ là những chấm đỏ, những cột mốc sống trong hành trình mấy ngàn năm giữ gìn chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Là những hải trình mang vị đời thấm ngọt khi biển trời Tổ quốc luôn ở trong tim!
Bài và ảnh: ANH ĐÀO (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...