Những cột mốc biên cương - Bài 4: Vững vàng địa đầu Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi đến xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đúng dịp Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng từ Trung ương tới cơ sở trên toàn quốc. Tại Sì Lở Lầu, lần đầu tiên một hội nghị học tập nghị quyết Đảng được tổ chức như vậy; và hơn nữa, Đảng bộ, chính quyền nơi đây rất biết cách đưa Nghị quyết Đảng vào đời sống để phát triển địa phương. 
Nghị quyết Đảng lên vùng cao
Sáng sớm khi trời còn mờ sương, tất cả cán bộ chủ chốt của xã, lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ ở các thôn và nhiều đảng viên đã tập trung đông đủ để chuẩn bị học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tại hội trường xã Sì Lở Lầu, mọi đảng viên từ già tới trẻ, người Hà Nhì, Dao, Mông… ai cũng háo hức, vui vẻ.
Sau cái bắt tay rất chặt với chúng tôi, ông Giàng A De (48 tuổi, người Hà Nhì), Bí thư Đảng ủy xã Sì Lở Lầu, hồ hởi: “Buổi học nghị quyết hôm nay là một sự kiện rất đáng nhớ vì lần đầu tiên những đảng viên ở một xã xa xôi, hẻo lánh như Sì Lở Lầu được nghe các đồng chí lãnh đạo của Đảng trực tiếp thông tin về tình hình đất nước và các chủ trương, chính sách về an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước những năm tới sau khi Đại hội XIII của Đảng thành công”.
Xã Sì Lở Lầu có 1.214 hộ dân, với trên 6.200 người, đồng bào dân tộc Dao và Hà Nhì chiếm hơn 90%. Hiện nay, không có thôn, bản nào trong xã bị “trắng đảng viên”. Đảng bộ xã có 15 chi bộ với 147 đảng viên, trong đó có 10 chi bộ thôn bản và 5 chi bộ cơ quan, đoàn thể.
“Trong đợt học tập nghị quyết Đại hội Đảng lần này, chúng tôi triệu tập 75 đảng viên về xã học, tất cả đều có mặt đầy đủ và đúng giờ. Thậm chí, nhiều anh em ở các bản ở rất xa như Lả Nhì Thàng, Sín Chải, Gia Khâu không quản ngại đường sá xa xôi, hiểm trở đã xuống xã rất sớm để được học Nghị quyết Đảng, vì đây là dịp hiếm có và rất thiết thực cho công việc”, ông Giàng A De cho biết. 
Đảng viên Ma Khờ Đô (39 tuổi, người Hà Nhì ở bản Pả Tỷ Phùng, cách trụ sở xã 6km) nói, trước đây việc học nghị quyết Đảng do cán bộ tỉnh, huyện hoặc xã truyền đạt. Nay được học trực tuyến với Trung ương lần đầu, thấy dễ hiểu và đầy đủ hơn. Đó cũng là cảm nghĩ của đảng viên Tẩn Lao Tả (38 tuổi, người Dao), Bí thư Chi bộ bản Thà Giàng. 
Tham gia học nghị quyết ở đây còn có các cán bộ Đồn biên phòng Sì Lở Lầu. Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn biên phòng Sì Lở Lầu, cho biết, việc tập trung quán triệt, học tập và triển khai các nghị quyết của Đảng, kết hợp với tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đường lối chính sách của Nhà nước rất quan trọng. Qua đó làm rõ và phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, bà con các dân tộc sinh sống trên địa bàn trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân nơi phên dậu của Tổ quốc ngày càng vững chắc.

Đồng bào dân tộc đi chợ Sì Lở Lầu. Ảnh: GIA KHÁNH
Đồng bào dân tộc đi chợ Sì Lở Lầu. Ảnh: GIA KHÁNH
Dự đầy đủ và chăm chú ghi chép tại các buổi học Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, ông Tẩn Chỉn Xu (Bí thư, Trạm trưởng Trạm y tế xã Sì Lở Lầu) nói: “17 năm làm ở trạm y tế nhưng đây là lần đầu tiên tôi được học nghị quyết Đảng với những người truyền đạt là lãnh đạo Đảng, Nhà nước nên tôi cảm thấy rất vinh dự và ý nghĩa. Qua các buổi học, tôi thấy nhiều chủ trương, chính sách của Đảng quan tâm rất lớn tới đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cũng thiết thực với công việc của trạm y tế xã chúng tôi”.
Ông Xu cho biết, trước đây Sì Lở Lầu khó khăn, xa xôi lắm. Trạm y tế xã lúc đó chỉ có 3 cán bộ. Hàng tháng, anh em trong trạm phải thay phiên nhau xuống xã Dào San cách khoảng 50km để lấy thuốc đem lên cấp phát cho bà con. Bây giờ Sì Lở Lầu ngày càng thay đổi, điện, đường, trường, trạm ở xã đều có đầy đủ. Trạm y tế xã hiện có 6 cán bộ và đang phấn đấu xây dựng để sang năm 2022 trở thành trạm đạt chuẩn. Bà con ở xã giờ đau ốm, sinh nở cũng đã tới trạm xá nhiều hơn, chứ không nhờ thầy mo, thầy cúng như trước. 
Đẩy lùi đói nghèo
Dù thời gian ở Sì Lở Lầu không dài, nhưng chúng tôi đã chứng kiến sự phát triển của một xã vùng cao xa xôi nhất của tỉnh Lai Châu. Hệ thống giao thông nông thôn cơ bản đã được bê tông hóa tới hầu hết thôn bản. Khu vực trung tâm xã có khá nhiều hàng quán phục vụ ăn uống, mua sắm, Internet, wifi.
Cùng với đó, nhiều ngôi nhà 2-3 tầng khang trang cho thấy đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước cải thiện đáng kể. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương cũng được chuyển đổi mạnh mẽ. Dưới tán 3.413ha rừng tự nhiên được người dân chăm sóc, bảo vệ là hơn 3.000 gốc chè cổ thụ, trên 220ha thảo quả, gần 100ha cây ăn quả, cùng nhiều loại cây dược liệu quý như tam thất, thất diệp nhất chi hoa, sâm Lai Châu đang được chăm sóc, nuôi trồng. 
Theo ông Giàng A De, Sì Lở Lầu có được sự phát triển như hôm nay chính là kết quả từ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cùng những nỗ lực vượt qua khó khăn, thoát nghèo của bà con và việc sớm đưa các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương vào cuộc sống. Để đưa các nghị quyết của Đảng và địa phương vào đời sống bà con dân tộc ở Sì Lở Lầu, chính quyền xã triển khai thường xuyên, hình thức đa đạng, phong phú và phải “mưa dầm thấm lâu”.
Vì thế, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã đoàn kết, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có tinh thần phấn đấu vươn lên, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. “Đến thời điểm này, số hộ nghèo ở Sì Lở Lầu đã giảm xuống chỉ còn khoảng 19%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 20 triệu đồng/người/năm và xã cũng đã đạt được 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới”, Bí thư Đảng ủy xã Sì Lở Lầu Giàng A De cho biết. 
Để tăng cường sự gắn kết với chính quyền địa phương, một cán bộ của đồn biên phòng là Thiếu tá Lê Văn Anh được phân công giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sì Lở Lầu, 4 đảng viên của đồn tham gia sinh hoạt chi bộ thôn bản và 18 đảng viên được giao nhiệm vụ phụ trách các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. Để đạt được mục tiêu mà Đảng bộ xã đề ra, chính quyền xã Sì Lở Lầu cùng lực lượng biên phòng đã nỗ lực động viên, hỗ trợ nhân dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Ông Lý Vần Teo (50 tuổi, người Dao ở bản Xín Chải) kể, ông là người đứng thứ 3 ở xã về diện tích trồng thảo quả với khoảng 2ha. Những năm được mùa, trung bình 2ha cho khoảng 1,5 tấn thảo quả khô, với trị giá hơn 200 triệu đồng. Nhờ trồng thảo quả và chăn nuôi, ông Teo xây được nhà khang trang, kiên cố; 3 đứa con lập gia đình đều được ông làm nhà cho ở riêng đàng hoàng, to đẹp. Ông Teo cũng cho biết, tại Sì Lở Lầu, 90% đồng bào người Dao trồng thảo quả và khá giả... 
Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn biên phòng Sì Lở Lầu, chia sẻ: “Khi người dân không còn đói rét, không còn phải lo nhiều tới chuyện cái ăn nữa và được tuyên truyền, quán triệt đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước thì bà con ngày càng đoàn kết và có ý thức hơn trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự biên giới quốc gia”.
Cũng giống như Sì Lở Lầu, xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đang đổi thay từng ngày. Được cùng với các chiến sĩ biên phòng đi dọc tuyến đường tuần tra biên giới chạy sát sông Hồng qua các thôn bản, chúng tôi chứng kiến những vườn chuối bạt ngàn xanh tươi, trĩu nặng quả. Các tuyến đường liên thôn bản được đổ bê tông phẳng lỳ, hầu như gia đình nào cũng có nhà kiên cố, có xe máy, tivi, tủ lạnh và nhiều đồ đạc hiện đại…, cho thấy cuộc sống người dân nơi đây đang ngày càng khởi sắc, ấm no hơn. 
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, Chính trị viên Đồn biên phòng Trịnh Tường, cho biết, đời sống của bà con các dân tộc nơi đây đã không còn cảnh thiếu ăn, đứt bữa như trước, thậm chí nhiều thôn bản như Minh Trang, Tân Tiến còn trở nên khá giả nhờ người dân cần cù chịu khó làm ăn và sự giúp đỡ nhiệt tình của bộ đội biên phòng.
“Giúp bà con địa phương xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm của chúng tôi. Đồng bào yên tâm canh tác sản xuất, bám bản không di canh di cư, không sang bên kia biên giới làm thuê đó là cách giữ đường biên giới tốt nhất…”, Thiếu tá Thắng nhấn mạnh và cho biết thêm, hiện xã Trịnh Tường đã đạt được 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2021, xã sẽ cố gắng hoàn thành các tiêu chí còn lại để đạt xã nông thôn mới.
TRẦN LƯU - QUỐC KHÁNH - ĐỖ TRUNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.