(GLO)- Hàng loạt công trình tri ân thực hiện trong nhiều năm qua trên địa bàn Gia Lai đã tô đậm thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đồng thời minh chứng cho những giá trị không thể lãng quên.
Gia Lai là chiến trường ác liệt trong cả hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Mỗi tên đất, tên làng đều gánh chịu những mất mát không thể đong đếm. Hàng chục ngàn mộ chí của những anh hùng liệt sĩ nằm ở các huyện, thị xã, thành phố minh chứng cho những hy sinh to lớn, mỗi mất mát đều khơi dậy những tình cảm và trách nhiệm. Trong 5 năm qua, tỉnh ta đã có hàng chục công trình tri ân ý nghĩa thể hiện đạo lý của người sau đối với thế hệ cha anh.
Không thể lãng quên
Khánh thành công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ. |
Mùa mưa vừa qua nhưng vẫn kịp khoác lên khung cảnh quanh ngôi mộ chung ở làng Kép (xã Ia Phí, huyện Chư Pah) một màu xanh tươi mọng. Vài đứa trẻ chăn bò trèo hái những quả ổi dại, rủ nhau ngồi dưới một gốc cây to gần khu vực ngôi mộ, vừa ăn vừa đùa nghịch. Kể từ khi ngôi mộ chung được Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah đầu tư xây dựng (năm 2013)-thể hiện sự biết ơn với những anh hùng liệt sĩ người Jrai đã ngã xuống trong một trận đánh giữ làng-nơi đây trở thành điểm dừng chân của những người quanh vùng. Khung cảnh tươi đẹp, nhiều cây xanh đã khiến công trình tri ân này luôn gợi những cảm xúc dễ chịu.
Công trình được Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng từ nền cũ là một ngôi mộ được xây từ những năm 1998. Nói về lý do đầu tư thực hiện công trình, ông Lê Đức Tánh-Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: “Sự hy sinh dũng cảm của những người con làng Kép đã ghi tạc vào trang sử hào hùng của địa phương, khẳng định thêm tinh thần Tây Nguyên bất khuất trong kháng chiến. Sự hy sinh này cũng là bài học lớn cho cán bộ, nhân dân các dân tộc thấu hiểu một cách sâu sắc rằng, chỉ có tinh thần yêu nước, yêu tự do thì một dân tộc đất không rộng, người không đông mới luôn chiến thắng kẻ thù hung bạo, cho dù đó là những cường quốc lớn”.
Cũng tại huyện Chư Pah, ngay sát quốc lộ 19 đoạn qua xã Nghĩa Hưng, một công trình tri ân được thực hiện trước đó là công trình Đền tưởng niệm và ngôi mộ chung-nơi yên nghỉ của 72 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ (năm 1972). Công trình có tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng, trong đó phần lớn do nhân dân và các nhà hảo tâm đóng góp. Có người chỉ góp vài bao xi măng, người góp những cây xanh trồng lấy bóng mát. Điều đó cho thấy “Đền ơn đáp nghĩa” không phải chuyện của đoàn thể hay chính quyền, tình cảm ấy như mạch nguồn tự nhiên âm thầm chảy trong mỗi người. Điều đó cũng thêm khẳng định cái giá của sự hy sinh-đó là những giá trị không thể bị lãng quên, không bao giờ bị lãng quên.
Những công trình lớn
Ảnh: Đ.T |
Nghĩa trang liệt sĩ-nơi những mất mát hy sinh hiện hữu trên từng bia mộ có tên lẫn chưa tìm được tên-là những địa chỉ thể hiện sự tri ân với những tình cảm xúc động. Công trình Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ được xây dựng trong khuôn viên 4,5 ha với mức đầu tư trên 50 tỷ đồng. Gần 1.400 phần mộ liệt sĩ trong khuôn viên nghĩa trang đều được ốp đá bazan. Cùng với tháp chuông, đại hồng chung, đài tưởng niệm, nhà bia liệt sĩ là hệ thống cây xanh, thảm cỏ… tạo nên không gian hài hòa ở nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ.
Tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, trong 5 năm qua, nhiều nghĩa trang liệt sĩ cũng được mở rộng, xây dựng khang trang với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Với mức đầu tư trên 14 tỷ đồng, các hạng mục công trình của Nghĩa trang Liệt sĩ Chư Prông đã hoàn thành trong năm 2014 với diện mạo mới khang trang hơn. Nghĩa trang Liệt sĩ Krông Pa cũng vừa được đầu tư mở rộng với kinh phí trên 2,2 tỷ đồng… Nơi đây hàng năm, tuổi trẻ toàn tỉnh tổ chức lễ “Thắp nến tri ân” vào những ngày tháng 7 để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh, đồng thời xem những công trình tri ân này là địa chỉ giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Một công trình tri ân mang ý nghĩa và tầm vóc lớn vừa mới hoàn thành đó là Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ. Công trình trị giá trên 25 tỷ đồng không chỉ mang giá trị về mỹ thuật, kiến trúc mà còn trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước, nơi để các thế hệ ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh.
Hàng ngàn người từ khắp các tỉnh thành trong cả nước vẫn đổ về Gia Lai hàng năm để thăm người thân nằm lại ở các nghĩa trang liệt sĩ. Và chúng tôi, đã không ít lần xúc động trước những giọt nước mắt lặng lẽ của những vị khách phương xa khi chứng kiến những liệt sĩ được chăm sóc cẩn thận từ mộ phần. Tuy nhiên, với những chứng tích chiến tranh dày đặc ở khắp các tên đất, tên làng ở Gia Lai, cần thêm nhiều sự quan tâm, chung tay từ xã hội để có thêm những công trình thiết thực, mang ý nghĩa của sự tri ân.
Nguyên Bình