Những cô gái trở về từ địa ngục - Bài 2: Giải cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Manh mối vụ án bắt đầu từ tiếng cầu cứu của một cô gái bị lừa bán vào tiệm massage Trường Phát (đường Nguyễn Ảnh Thủ, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM). Cuộc điện thoại cầu cứu của cô gái trẻ chính là manh mối đầu tiên giúp trinh sát đặc nhiệm lần ra cả một đường dây lừa đảo, bán hơn 100 cô gái vào các động mại dâm.
Theo chân trinh sát, chúng tôi được tham gia trực tiếp quá trình giải cứu một số nạn nhân. Từ trụ sở Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TPHCM) trên đường Võ Văn Kiệt, các cánh quân đồng loạt xuất phát. 
Cuộc gọi lúc 1 giờ sáng 
Thời điểm biết mình bị lừa đưa vào “động quỷ”, cô gái kiên quyết không chịu làm công việc dơ bẩn nên đã phản kháng quyết liệt. Nhóm quản lý yêu cầu gia đình phải giao 8 triệu đồng mới được chuộc con gái về.
“Lúc đó khoảng 1 giờ sáng, tôi nhận được cuộc điện thoại cầu cứu của gia đình cô gái. Ngay lập tức, tôi báo thông tin về đội. Cả đêm đó, tôi không thể nào ngủ được”, người trinh sát đặc nhiệm nhớ lại.
Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TPHCM, khẩn cấp chỉ đạo các đội trinh sát nhanh chóng xác minh nội dung tố cáo. Đội 3 được chỉ định là lực lượng chủ công khẩn trương giải cứu cô gái và làm rõ những bí ẩn đằng sau vụ việc này.
Tuy nhiên, vào lúc này, chủ quán, quản lý tiệm massage Trường Phát liên tục hối thúc gia đình cô gái khẩn trương chuẩn bị tiền để chuộc con, nếu không muốn nhận kết cục bi thảm. Thương con, người mẹ già lầm lũi “vay nóng” 8 triệu đồng rồi bắt xe ôm lên “động quỷ” Trường Phát đón con.
Ngay khi người mẹ vừa tới giao tiền, các trinh sát đặc nhiệm phối hợp Cảnh sát Hình sự Công an huyện Hóc Môn ập vào bắt quả tang, mời 7 nhân viên cơ sở này về làm việc. Tại cơ quan điều tra, Trịnh Đức Hùng (chủ cơ sở Trường Phát) khai nhận đã “mua” cô gái từ nhóm Đỗ Văn Tuấn để phục vụ kích dục cho những khách làng chơi.
 
Trịnh Đức Hùng, chủ tiệm massage Trường Phát. Ảnh: Công an cung cấp (ảnh trái) và tang vật thu giữ tại cơ quan điều tra. Ảnh: ANH TÚC (ảnh phải)
Từ cuộc giải cứu này, trinh sát nhanh chóng phát hiện một đường dây có dấu hiệu mua bán người quy mô lớn. Nạn nhân đa phần là những cô gái tỉnh lẻ lên thành phố tìm việc làm. Khi biết bị lừa vào làm tại những tiệm massage kích dục, các nạn nhân chống đối không chịu làm thì phải trả “phí xin việc” bằng cách gọi điện thoại nói gia đình mang tiền đến chuộc. Đa phần nạn nhân bị lừa đều có gia cảnh khó khăn, muốn có 6 - 10 triệu đồng tiền chuộc là quá khó, vậy nên họ đành cắn răng ở lại làm việc trừ nợ. 
Nhanh chóng phá án
Từ hồ sơ thu thập cùng lời khai của những đối tượng, chỉ trong 3 ngày, Đội 3 dốc toàn lực phối hợp cùng trinh sát Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TPHCM, công an địa phương kiểm tra 5 điểm kinh doanh cà phê ôm, karaoke, massage kích dục ở TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Công an mời làm việc 47 người, gồm quản lý, chủ quán, nhân viên, bị hại…; từ đây kịp thời giải thoát cho 23 cô gái khỏi những “động quỷ”. Cơ quan công an đang điều tra xác minh về hành vi buôn người của nhóm người này.
Chuyên án khẩn cấp triệt phá chỉ trong thời gian ngắn. “Hơn 10 ngày đánh án, anh em nhiều đêm thức trắng, truy từng dấu vết, xác minh lý lịch. Nhiều người có con nhỏ cũng phải gác sang bên để tập trung cho công việc. Có đồng chí, vợ sinh con mà đang đánh án nên về không kịp. Có đồng chí đi làm liên tục không về nhà, con gọi điện thoại: Ba về đưa con đi thi được không ba? Nhưng án đang vậy, sao về được. Nghe chuyện mà anh em ứa nước mắt”, Trung tá Mai Thống Nhất, Đội trưởng Đội 3, ngậm ngùi.
Chúng tôi được theo chân trinh sát một ngày tham gia hành trình giải cứu những cô gái. Kế hoạch đã được lên phương án từ trước đó, khi xe dừng mới biết điểm đến là Bình Dương. Khoảng 20 giờ, trời tối mịt, chuyến xe mới quay đầu trở về thành phố cùng một số cô gái. Điều tôi vẫn nhớ như in là hình ảnh các trinh sát đặc nhiệm kiên nhẫn chờ trước tiệm massage, đợi người tới trả giấy tờ cho một cô gái.
“Mọi người thông cảm, ai cũng đói cũng mệt, nhưng phải lấy bằng được giấy tờ cho cô gái đã rồi mới về được. Còn bị giữ giấy tờ, cô gái chưa yên thân đâu”, Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải nói. Chúng tôi chỉ mới một ngày đã bơ phờ, nhưng các anh đã gần chục ngày trôi qua như thế. 
Chỉ trong gần chục ngày, hàng loạt vây cánh trong đường dây này đã bị tóm gọn, nhưng tin tức về kẻ cầm đầu Đỗ Văn Tuấn thì vẫn bóng chim tăm cá. Hàng loạt mũi trinh sát đặc nhiệm đồng loạt được tung ra ngày đêm truy tìm hành tung của Tuấn.
“Đồng bọn và nạn nhân gọi hắn là Nam. Mọi giao dịch, thông tin đăng tuyển nhân viên đều dùng tên Nam. Nhưng thực chất đó là tên giả”, Trung tá Mai Thống Nhất nhớ lại.
Ngày 12-5, Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành, Phó Đội trưởng Đội Hình sự đặc nhiệm, trực tiếp cùng anh em trinh sát bay ra Hà Nội bắt Tuấn và đồng bọn. Bằng biện pháp nghiệp vụ, công an nhanh chóng xác định vị trí nơi ở của Tuấn. Một ngày sau, Tuấn sa lưới. Chỉ khi hay tin Tuấn đang trên đường di lý từ sân bay về đội, Trung tá Mai Thống Nhất và các trinh sát đặc nhiệm mới thở phào nhẹ nhõm.
Anh Túc (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.