Những cô gái trắng đêm canh đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong màn đêm thâm u, tĩnh mịch, 2 nhân viên nữ ở gác chắn đường ngang tại Km 495+450 thuộc Cầu đường Thọ Lộc (Công ty CP đường sắt Quảng Bình) chong mắt canh từng chuyến tàu bắc - nam, đảm bảo an toàn cho mọi người.
 
Thùy chăm chú đón tàu trong đêm khuya. ẢNH: T.Q.N
Ở nơi hoang vắng
Chị Nhung 46 tuổi, là nữ gác chắn kỳ cựu, có mặt từ ngày đầu tiên lập chòi. 16 năm, sẽ khó để tính hết chị đã lên bao nhiêu ban, thức trắng bao nhiêu đêm ở nơi hoang hoải này. Bình thường thì làm gì cho hết đêm, tôi hỏi. Chị cười bảo: “Ngồi nhìn đồng hồ thôi”

Chòi gác chắn đường ngang Km 495+450 nằm giữa rừng thông thuộc địa phận xã Cự Nẫm, H.Bố Trạch; cây nối cây, còn nhà cửa thưa thớt. Chòi nằm ven đường dân quen gọi đường Ba Trại; con đường xuyên giữa điệp trùng đồi núi, là tuyến giao thông “xương cá” huyết mạch nối QL1 với đường Hồ Chí Minh. Trước đây, đường vắng vẻ heo hút nhưng giờ trở thành một trong những nơi giao thông phức tạp, nhất là buổi tối do có nhiều ô tô chở gỗ đi qua, xe khách chạy từ khu vực Phong Nha về QL1 và ngược lại.
Sau một vụ tai nạn nghiêm trọng vào năm 2003, gác chắn được lập. Lúc đó chỉ có chòi bằng cót với 3 nhân viên thay nhau trực; không điện thoại báo cũng không điện thoại di động nên việc đón tiễn tàu chỉ bằng trực quan. Đến năm 2009, mỗi ban trực cũng chỉ có 1 người, dù đêm hay ngày. Hiện gác do 5 nhân viên nữ đảm nhiệm, đa số đều ở độ tuổi dưới 30. Gác trực 24/24 chia làm 2 ban, mỗi ban 12 tiếng; ban buổi ngày từ 6 giờ đến 18 giờ có 1 nhân viên, còn ban buổi tối từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau có 2 nhân viên, họ luân phiên nhau lên ban ngày và đêm.
Một ngày đầu tháng 3, tôi tìm đến chòi với hy vọng giải đáp được phần nào những thắc mắc về các nữ nhân viên nơi hẻo lánh này. Đến lúc gần cuối chiều, khi gác chắn đóng, đoàn tàu hàng qua hết, nữ nhân viên Hà Thị Lý gập người đẩy lần lượt 2 giàn chắn thụt vào để thông đường ngang. Rồi Lý trở vào chòi gác ghi thông tin vào sổ nhật ký.
 
Lý phải đẩy 2 dàn chắn như thế để thông đường
Lý năm nay 29 tuổi, nhà ở xã Vạn Trạch (cách gác chắn tầm 7 km). Năm 2014, Lý làm ở ga Lệ Sơn (H.Tuyên Hóa), được 6 tháng thì chuyển vào ga Phúc Tự (H.Bố Trạch) và lên chòi từ năm 2018. Nói về thời gian ở chòi ngoài lúc đón tàu, Lý bảo: “Em chỉ đi vào đi ra vậy đó, đến khi buồn quá ngồi nghỉ, xem điện thoại. Ngày trước hay đọc báo cập nhật tình hình kinh tế, chính trị nhưng giờ ít hơn. Vì sợ đọc nhập tâm quá quên đón tàu. Quy định cũng không cho dùng điện thoại nhiều. Chỉ cần lơ là một cái là bao nguy hiểm xảy ra”. Nỗi cực của người gác chắn thì vô vàn. “Mùa đông lạnh lẽo, mưa gió, nhiều khi đi làm đêm mà em chảy nước mắt vì tủi thân. Vừa đón tàu bị mưa ướt, vào chưa kịp khô áo quần lại phải ra đón tàu tiếp. Chỉ mong mùa hè mãi”, Lý chia sẻ thêm.
Trắng đêm cùng gác chắn
Áp lực đóng mở chắn đón tàu nhân lên gấp bội khi lên ban buổi tối. Vì nhân viên trực không được phép ngủ, buộc phải thức trọn đêm. Trong chòi gác hơn 10 m2 cũng không hề có cái gì có thể ngả lưng. Gần đây, chòi được lắp camera giám sát nên quy định thực hiện nghiêm ngặt. Tôi không thể hình dung được làm sao họ có thể ngồi và thức trọn đêm này qua đêm khác, năm này qua năm khác giữa bốn bề đồi núi đến như vậy. Tôi quyết định thức tại chòi 1 đêm... cho biết.
Gần 18 giờ, 2 nữ gác chắn Phạm Thị Kim Nhung và Huỳnh Thị Diệu Thùy chạy xe máy đến chòi để lên ban tối. Thủ tục giao ban đơn giản, người mới hỏi người cũ tình hình và giờ giấc chạy tàu có gì đột biến. Giờ tàu sắp tới đã được ghi ra bảng, nhân viên cập nhật, theo dõi và thực hiện tiếp. Vào ban được một lúc, trong căn chòi nhỏ cũ kỹ đã vang lên tiếng chuông reo báo tàu hàng mang số hiệu HBN8. Tàu hàng qua được ít phút lại đổ chuông báo tàu khách SE5. Chị Nhung và Thùy phối hợp nhịp nhàng, từ người nghe điện thoại báo tàu đến ghi sổ và bấm chuông chắn đường để ra đẩy giàn chắn.
Tàu SE5 qua một lúc lại chuông báo tàu SE4. Xem chừng đủ thời gian, Thùy đứng dậy, với tay lấy mũ, bấm chuông reo báo hiệu đóng chắn đường ngang rồi cùng chị Nhung đi ra kéo chắn. Tàu đến rầm rập. 19 giờ 26 phút, trời tối đen sì, ánh sáng trên những toa tàu lờ mờ lướt qua.
 
Kết thúc ban, chị Nhung thu dọn vệ sinh trên đường tàu. ẢNH: T.Q.N
21 giờ, trời đổ mưa. Giữa đồi núi, trời càng về đêm càng lạnh; khi hết mưa, ánh đèn trước đầu máy tàu rọi rõ màn sương khói bảng lảng. Mùa đông giá chắc hẳn buốt thấu xương. Chòi có khách, tiếng cười nói đôi lúc phá tan không gian tĩnh mịch. Diệu Thùy, nữ gác chắn trẻ mới 25 tuổi nhưng đã 5 năm bám trụ ở chòi. Đi làm, cô vượt qua chặng đường 13 km. “Chúng em ở đây phải đối mặt với đủ chuyện, từ người đi đường, người say xỉn vào chòi gây sự, rồi cả trộm cướp; như chị Nhung từng bị trộm túi xách”, Thùy tâm sự.
Còn chị Nhung 46 tuổi, là nữ gác chắn kỳ cựu, có mặt từ ngày đầu tiên lập chòi. 16 năm, sẽ khó để tính hết chị đã lên bao nhiêu ban, thức trắng bao nhiêu đêm ở nơi hoang hoải này. Bình thường thì làm gì cho hết đêm, tôi hỏi. Chị cười bảo: “Ngồi nhìn đồng hồ thôi”.
Lên ban, việc canh giờ rất quan trọng. Đóng chắn sớm thì ảnh hưởng đến giao thông, còn đóng muộn tiềm ẩn tai nạn. Các nhân viên phải tính theo tốc độ chạy tàu để canh. Cụ thể, ở chiều bắc - nam, tính từ ga Ngân Sơn đến chòi đối với tàu hàng chạy mất 10 phút, tàu khách khoảng 7 phút; còn chiều nam - bắc, vì khoảng cách từ ga Thọ Lộc đến chòi quá ngắn nên nhân viên phải canh từ ga Hoàn Lão, tàu khách thì 6 phút, còn tàu hàng 10 phút. Vì thế, mỗi khi báo tàu, nhân viên phải dán mắt vào đồng hồ để canh giờ đóng chắn. Đêm, đã không được ngủ, được nằm như người khác mà còn phải căng mắt canh từng phút, đấy mới chính là nỗi vất vả cùng cực. “Đầu hôm còn tỉnh táo chứ đoạn rạng sáng thì rục rạ”, Thùy nói thật lòng. Nhưng mức thu nhập của họ khiến người nghe không khỏi bất ngờ, lâu năm đến như chị Nhung cũng chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng.
Hết chuyến này đến chuyến kia nhưng thời gian như chậm lại. Hơn 1 giờ sáng ngày mới, đón xong tàu SE9, chị Nhung hỏi tôi chịu được nữa không và khuyên nên đi ngủ. Tôi cười trừ. Đến gần 3 giờ sáng, khi tàu hàng 2393 đi qua thì tôi “cạn kiệt nhiên liệu”, chấp nhận rời chòi ra nằm lên ghế xe. 2 tàu SE3 và SE19 qua chắn lần lượt lúc 5 giờ hơn. Hình dáng chị Nhung và Thùy vẫn lặng lẽ trong bóng tối. Đến 6 giờ kém, tàu SE8 qua cũng là chuyến cuối cùng của ban. Mở xong chắn, Thùy vào quét dọn chòi để giao ban; còn chị Nhung ra đường xúc đất đá, gỗ dăm rơi vãi dưới thanh ray. Vừa lúc nữ gác chắn Doãn Ngọc Thủy tới lên ban buổi ngày.
Giao ban xong, chị Nhung và Thùy rời đi, bóng họ khuất dần sau những rặng thông. Rời Ba Trại, tôi day dứt mãi với lời của Thùy: “Sao lại chuyển nghề. Ai cũng như mình, không làm thì lấy ai làm, ai lo cho những chuyến tàu”. Hy vọng rồi đây, họ sẽ được nhận thù lao xứng đáng hơn, bù đắp thiệt thòi mà những “liễu yếu đào tơ” đang gánh vác.
Trương Quang Nam (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.