Những buổi học online đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Câu chuyện của những đứa trẻ thời dịch Covid-19 kể cho thế hệ sau sẽ là ký ức về những nỗ lực của mình, của cha mẹ và thầy cô trong những ngày đầu tiên bước vào năm học đặc biệt này.
Năm nay, con trai vào lớp 10 - trường xét tuyển - tôi buồn nhiều vì con học hành ngày càng sa sút.
Dù không ham học nhưng chàng trai lười vẫn hóng ngày được đi học. Trường mới, lớp mới, thầy cô, bạn bè, cặp vở, xe đạp mới…; tất cả những thứ mới mẻ đó chắc đã làm con háo hức hay tại giãn cách ở nhà nhiều, cuồng chân, giờ muốn ra ngoài kết bạn, giao lưu? Có lẽ là cả hai. Khi biết tin sẽ học online, mới đầu chàng trai cũng ít nhiều thất vọng nhưng sau nghĩ sao đó lại nói với mẹ: Vậy đi cho yên tâm, khi dịch giã còn chưa yên.
Ngày khai giảng, cô trò lớp 10A3 gặp gỡ nhau qua ứng dụng trực tuyến trên mạng, dự khai giảng tại nhà nhưng thấy không khí cũng rôm rả.
Xin lỗi cô giáo chủ nhiệm vì "cô giáo" mẹ có lén dự giờ. Mọi sự có vẻ ổn hơn tôi tưởng. Học trò online khá nhiều, ăn mặc cũng tươm. Cô trò làm quen, trò chuyện, tương tác. Cậu học sinh nhà tôi ngồi trước màn hình và miệng cười không ngớt. Kết thúc buổi khai giảng đặc biệt đó, chàng trai của mẹ kể về những người bạn cùng lớp, bạn này nói này bạn kia nói kia, hẹn nhau chừng nào đi học sẽ thế này thế nọ. Đặc biệt, chàng phấn khởi khoe cô giáo chủ nhiệm rất vui tính. Tôi thiệt không muốn nói nữa, tại nói nhiều quá rồi. Giờ nói thì sợ thừa, không nói lại thành thiếu, cuối cùng phải tha thiết: các con là những đứa trẻ "thời Covid". Sau này lớn lên, những gì trải qua hôm nay sẽ là ký ức để các con kể cho thế hệ sau mình. Câu chuyện ngày sau của con sẽ có những buổi học đầu tiên của năm học đặc biệt này. Những ngày học online sẽ là những viên gạch đầu tiên cho tòa nhà cấp trung học phổ thông của các con. Sẽ không quá muộn để bắt đầu và con cũng gần hết cơ hội để bắt đầu lại việc học.
 
Minh họa: Hoàng Đặng
Minh họa: Hoàng Đặng
Hôm sau, tôi thấy con trai dậy sớm. Sau khi lo xong những công việc buổi sáng, lại máy ngồi, nói với mẹ: "Nay con bận rộn lắm nghen mẹ!". Học trò vào máy đợi cô giáo bắt đầu buổi học online đầu tiên. Khi cô giáo vào, những tiếng ồn ào, tiếng nhạc đều tắt hết. Tôi lại "dự giờ từ xa". Nghe cô giáo giảng bài, không biết con trai hiểu tới đâu nhưng tôi thấy nó mở vở ghi chép, có một hai trò tương tác với cô. Ông xã thấy con học online cũng nán lại nhìn. Thấy con ngồi im nghe thì hỏi sao không tương tác. Con trả lời cái mic nó bị sao sao, lúc nói được lúc không. Thôi, học đi để lát ba coi lại cho!
Chiều hôm đó, tôi thấy chồng ngồi gọi điện chỗ nọ chỗ kia, loay hoay mướt mồ hôi bên chiếc máy tính cũ. Tôi hỏi thì anh bảo lỗi windows, đang cài lại. Đã qua giờ cơm chiều, anh vẫn ngồi cài thêm phần mềm diệt virus, tải ứng dụng về cho con học online. Tôi phàn nàn chuyện đã gần 22 giờ mà chưa ăn cơm, anh hét: Lo sửa máy cho con sáng mai học đã chớ cơm nước gì!
Sáng, khi tôi còn đang tập thể dục, chàng trai đã hớn hở chạy ra khoe máy tính của con bữa nay như máy tính mẹ vậy, "chạy win 10 rồi. Ha ha ha…". Nam sinh lớp 10 nói rồi cười toe như một đứa trẻ.
Tôi ngồi từ xa nhưng vẫn không rời mắt khỏi con. Hôm nay, ngoài việc nghe, ghi, chàng học trò còn tương tác với cô một đôi câu.
Không biết có lạc quan hão hay không nhưng hình như việc học online là lạ, hợp với tâm lý chàng trai hướng ngoại của mẹ. Chắc là ít nhiều có cảm giác như mình đang khám phá điều kỳ lạ gì đó của cuộc sống nên không thấy con ngủ gật trong giờ học như một số bức tranh biếm họa. Đặc biệt, xong buổi học sáng nay, câu đầu tiên con trai nói với mẹ là mai mốt lịch sử sẽ ghi tên tụi con là những thế hệ học sinh thời Covid, nói rồi cười hi hi tắt máy.
Chiều nay lại thấy chàng trai ngồi vào máy, lại câu quen thuộc: "Ngó vậy chứ nay con bận rộn lắm nghen mẹ!!!". Tôi nhìn con, nở nụ cười khích lệ... 
Nguyễn Thị Bích Nhàn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.