Nhọc nhằn thợ săn sâm biển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Rum biển (theo tiếng địa phương vùng Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) là một dạng hải sâm - sâm biển, hình thù tựa con giun đất nhưng to hơn; miệng có xúc tu, tua rua.

Một số nơi như Hà Tĩnh gọi là con mũm thùa, lùng tung; Thanh Hóa gọi là con bông, con bông thùa… Đây chính là sản vật quý, đúng như tên gọi của nó - sâm biển, nên được nhiều người săn tìm. Nghề này đem lại thu nhập cao, nhưng gian nan, đòi hỏi sức khỏe tốt, đối mặt với sóng gió hiểm nguy…

Tập trung tại bãi biển Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh), chuẩn bị “đi rum”.
Tập trung tại bãi biển Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh), chuẩn bị “đi rum”.

Những chàng trai biển

Ra Giêng là cao điểm của mùa bắt rum. Dịp này, các chàng trai khỏe mạnh ở các làng biển xã Diễn Trung, Diễn Kim, Diễn Hùng, Diễn Thịnh… (huyện Diễn Châu) ra biển dầm mình mưu sinh. Một điều đặc biệt là chỉ có người dân vùng này mới có nghề đi bắt rum chuyên nghiệp.

Với hàng trăm người, họ tỏa đi khắp nơi như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình... để bắt rum. Hẹn mãi và phải ra tận nơi - xóm Phú Thành (xã Diễn Kim), tôi mới gặp được một nhóm thanh niên “đi rum” và được đồng ý cho theo chân.

Ngô Văn Tĩnh mới 29 tuổi nhưng có thâm niên “đi rum” từ năm 12 tuổi, theo truyền thống của gia đình, từ bố đến anh trai. Ngoài Tĩnh, nhóm còn có Ngô Trí Hùng, Trương Văn Trịnh, Hồ Văn Hùng, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Bá Vương và Trương Văn Tính - đều là người cùng xóm, lớn nhất là 32 tuổi, ít nhất là 27 tuổi, nhưng đều có thâm niên “đi rum” 18-21 năm.

“Nghề bắt rum chỉ dành cho thanh niên có sức khỏe, yêu nghề”, Ngô Văn Tĩnh nói với vẻ tự hào. Hành trang của người “đi rum” khá đơn giản, gồm áo giữ nhiệt, một dùi nhọn, dây để xâu rum, đai chì… Nguyễn Văn Dũng giải thích, đai chì đeo vào để tạo độ đằm, tránh bị sóng đánh dạt, tùy cơ thể mỗi người mà đai chì có độ nặng 18-22kg.

Ngày xưa, khi chưa có đai chì, một người học “đi rum” mất cả tháng trời vì kỹ thuật giữ vị trí, cách ngụp lặn sao cho không trồi…, còn bây giờ có đai chì thì chỉ học khoảng 1 tuần. Một công cụ hỗ trợ đắc lực nữa là áo giữ nhiệt. Trước kia, vào mùa lạnh, mỗi lần xuống nước là mặc 4-5 áo, thậm chí phải quấn cả bao ni lông, bao xác rắn, nhưng giờ có áo giữ nhiệt (3 triệu đồng/áo), mỗi lần xuống nước mùa đông có thể được hơn 2 tiếng, mùa hè được 4-5 tiếng.

“Hành quân” lùi dưới biển

Một sáng trời mù mây, mưa bụi và rét, nhóm “đi rum” Phú Thành thông báo với tôi gặp nhau ở cầu Bến Thủy (TP Vinh) để cùng đi. 8 anh em chạy 5 xe máy, vượt 100km từ Diễn Kim vào biển Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Theo lịch trình con nước hôm nay, anh em sẽ phải ngâm dưới biển từ 11 giờ trưa đến khoảng 16 giờ chiều.

Sau khi tập trung xe lại một chỗ trên bãi cát, cả nhóm lấy cặp lồng cơm ra ăn. Anh em tranh thủ giảng giải cho tôi về nghề “đi rum”. Con rum không phải vùng biển nào cũng có, vùng biển có nhưng chưa chắc rum đã to và nhiều… Nó phụ thuộc vào đất, nước và một số điều kiện khác.

Ví dụ, ở vùng biển giáp cửa sông Lam thì không có rum, vì nước ngọt từ sông chảy xuống quá nhiều sinh ra nước lợ, nhưng vào vùng Cửa Sót, như Thạch Kim, Thạch Bằng thì lại nhiều rum, rum to trung bình 20 con/kg. Rum có quanh năm, nhưng nhiều nhất khoảng từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tháng giêng, tháng 2 năm sau, vì thời điểm này mát nước, rum lên ăn nhiều và sinh sản. Mỗi tháng có 2 lần nước sinh (nước lên). Trước khi nước sinh, người “đi rum” nghỉ 2 ngày và 5 ngày sau đó, còn lại mỗi tháng họ đi bắt rum 14-15 ngày. Đầu năm “đi rum” ban ngày, nhưng từ tháng 6 phải đi ban đêm. Đầu năm đi từ 10 giờ sáng đến chiều về, còn 6 tháng cuối năm lại đi từ 2-3 giờ sáng đến trưa về.

Ngô Văn Tĩnh tâm sự: Gọi là “đi rum” nhưng phải đi lùi, song song với bờ. Với chì, rồi áo giữ nhiệt, bọn em không khác chi bộ đội hành quân, nhưng bọn em đi lùi dưới biển. Vừa đi lùi vừa rà chân ra hai bên, dùng cảm giác lòng bàn chân để nhận ra rum. Phải dùng kinh nghiệm, vì nó như một loại giun trên đất, cũng đào lỗ phía dưới.

Ngay khi chân phát hiện rum, phải ngụp thật nhanh xuống, một tay túm đầu tua rua, tay còn lại dùng dùi nhọn thọc xuống, cố gắng bứng được “củ tỏi” (như một dạng gốc con rum). Người nào bứng được cả “củ tỏi” lên mới là có tay nghề. Một số người chưa có tay nghề, hoặc hụt hơi khi lặn thì chỉ “chặt” được ngang thân con rum. Người bắt giỏi mỗi ngày cũng được tầm 10kg, thời điểm nhiều có thể 20-30kg, người bắt được ít cũng 5-6kg. Rum sau khi bắt đưa lên bờ gọi là rum khô, giá hiện thời khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg. 1kg rum khô nếu để ngâm nước biển qua một đêm sẽ tăng gấp 3 lần trọng lượng, khi ấy giá mỗi ký sẽ giảm xuống khoảng 110.000 - 130.000 đồng/kg, nhưng người “đi rum” lại có lời hơn là bán rum khô. 1kg rum khô, khi chế biến sẽ có khoảng 7 lạng, nhưng 1kg rum nước sẽ có 2 lạng thành phẩm. Rum thường được chế biến thành nhiều món, trong đó “hạp” nhất là om với gốc chuối hột non hoặc nấu với lá cối xay, lá chua…

Nghiệp biển

Việc con rum trở nên đắt đỏ cũng bởi giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là với cánh đàn ông, nó được xem là “thần dược”. Người Trung Quốc biết quá rõ điều này, nên rum bắt được bao nhiêu là các đầu mối thu mua hết. Hiện nay, bắt đầu xuất hiện một số người dân đi bắt rum gọi là “sếp” tại huyện Diễn Châu. “Sếp” này đứng ra tập trung những người “đi rum” về làm việc cho mình. Họ sẵn sàng thuê ô tô chở quân đến các vùng biển ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình… để bắt rum, sau đó mua lại của chính những người này với giá thị trường. Vì bị khai thác nhiều, nên hiện ở vùng biển Diễn Châu chỉ còn ít rum, người “đi rum” phải đi bắt xa là vì thế.

Biết là quý, là nguồn thu nhập lớn đối với người “đi rum”, nhưng nghề này cũng không ít hiểm nguy. Những người “đi rum” chỉ tầm 45 tuổi trở lên là thường bị trệt (một dạng phong nước, phong khớp) khiến xương khớp đau nhức, đi lại khó khăn. Để phòng tránh phong khớp, những người “đi rum” thường dùng một loại lá thuốc (dạng sắc) của người dân tộc trên huyện Con Cuông. Mỗi tháng 1 người mất 3 triệu đồng tiền lá thuốc này, sắc nước và đem theo mỗi lần trước khi xuống biển thì uống. Nhưng đáng sợ nhất đối với người “đi rum” chưa có kinh nghiệm, là vấp hố sâu.

Lúc này, dễ hoảng loạn, không cởi kịp đai chì vứt đi sẽ bị nhấn chìm, ngạt và tử vong. Đã có mấy trường hợp ở xã Diễn Hùng chết vì gặp tình huống này. “Biết là bệnh tật, vất vả khi phải dầm mình trong nước lạnh, trong đêm, rồi hiểm nguy rình rập, nhưng bọn em cứ phải theo. Vì đó là nghề ông cha để lại, cũng là cách mưu sinh nuôi sống gia đình thôi ạ. Ngoài nghề “đi rum”, bọn em cũng chẳng biết làm nghề chi khác”, Tĩnh chia sẻ.

Duy Cường/sggp

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.