Nhọc nhằn nghề gánh dưa thuê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa đêm hôm khuya khoắt, khi màn sương lạnh đã phủ lấy cánh đồng nơi xứ lạ, họ vẫn còng lưng gánh sọt dưa nặng trĩu.

Những giọt mồ hôi giữa đêm lạnh

12 giờ đêm, cánh đồng buôn Kơ Nia (xã Ia Trôk, huyện Ia Pa) đã chìm trong màn sương buốt giá. Trên những ngôi nhà sàn xung quanh cánh đồng, giấc ngủ an yên đã tìm về. Bâng quơ đâu đó chỉ là những tiếng chó sủa nhát gừng rồi im bặt. Trên cánh đồng, hàng chục con người vẫn với những bước chân nặng trĩu. Có người cởi trần, người mặc vẻn vẹn chiếc áo thun mong manh. Không ai cảm thấy lạnh cả bởi mồ hôi nhễ nhại đã toát ra từ bao giờ, thấm ướt tấm áo mỏng. Trên trán họ là chiếc đèn pin le lói như những cánh đom đóm giữa màn đêm. Đó là những người nông dân từ Phú Yên lên vùng đất cao nguyên này để gánh dưa thuê.

 

Mỗi gánh dưa nặng khoảng 60 đến 70 kg. Ảnh: L.V.N
Mỗi gánh dưa nặng khoảng 60 đến 70 kg. Ảnh: L.V.N

Vừa khéo léo bốc những trái dưa từ ruộng để xếp vào sọt, ông Nguyễn Tấn Sinh (47 tuổi, trú tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) chia sẻ: Cứ đến mùa thu hoạch dưa hấu là lại có hàng trăm người nông dân tại Phú Yên đến các cánh đồng dưa để kiếm việc làm. Những người gánh dưa được chia thành nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm đều có một người được gọi là “ông bầu”. Ông bầu này sẽ liên hệ với các chủ dưa ở khắp các vùng để tìm mối rồi chia việc cho từng người tùy theo diện tích ruộng dưa và yêu cầu của chủ vườn để quyết định số người trong một nhóm. Cũng theo ông Sinh, gánh dưa thuê là một nghề rất đặc thù, bởi thường xuyên phải làm việc về đêm. “Ban ngày, trời nắng nóng cắt dưa sẽ bị héo nên phải đợi đến chiều mát. Cắt xong là mình đến gánh ra xe luôn. Có những ruộng lớn phải gánh suốt đêm để sáng hôm sau kịp bốc lên xe”- ông Sinh cho biết.

Nói rồi, ông lại thoăn thoắt đôi chân sải đi trên cánh đồng dù chiếc đòn gánh đã trĩu xuống. Mỗi gánh dưa nặng 60-70 kg. Mỗi sào Trung bộ thu hoạch 2-2,5 tấn dưa. Trong một tua gánh, mỗi người đảm nhiệm 1-2 sào dưa, thậm chí là 5 sào. Anh Trần Quốc Bình (35 tuổi, trú tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) cho hay: “Tùy theo khoảng cách từ ruộng ra bãi đậu xe mà tiền công có giá 300-500 ngàn đồng/sào. Hôm nào gánh được 2 sào thì cũng có tiền thật đấy nhưng cực lắm, còn nếu gặp ruộng lớn, ít người gánh được chừng 5 sào thì cũng phải nghỉ ngơi 1-2 ngày lấy sức rồi mới gánh lại được. Có hôm, ruộng trơn trượt mà đèn pin soi không rõ nên bị trượt ngã liên tục”.

Cám cảnh những phận đời

Những ngày dưa vào chính vụ này, sân bóng của buôn Ma Rin 3 (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) trở thành “nhà trọ ngàn sao” của những người gánh dưa đến từ Phú Yên. Ngày cao điểm, nơi đây có khoảng hơn 100 người tá túc qua đêm. Anh Nguyễn Văn Tám (45 tuổi, trú tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) chia sẻ: “Trước Tết, chúng tôi gánh dưa thuê ở xã biên giới Ia Lâu, Ia Mơr của huyện Chư Prông, nay xuống gánh vùng Ia Pa này rồi sẽ xuôi về Ayun Pa, Krông Pa rồi lại trở về Sông Hinh. Ở đây, nhiều muỗi mà lạnh nữa nhưng đi gánh dưa về mệt đừ ai nằm xuống cũng ngủ thiếp luôn. Anh em làm nghề này đa phần là nhà nghèo, ruộng ít nên ở đâu có việc là phải lăn lộn đi làm ngay”.

Vì cuộc sống mưu sinh, những người nông dân vốn ở các vùng khác nhau lại hội ngộ nơi xứ lạ này để kể nhau nghe câu chuyện vui buồn. “Lúc gánh mệt quá chẳng nghĩ gì, chỉ biết làm sao để gánh cho xong. Đến lúc nghỉ nghĩ lại mới thấy tủi thân. Người ta ngủ cả rồi còn mình vẫn phải vật vã kiếm tiền giữa đồng không mông quạnh”-ông Nguyễn Tấn Sinh thở dài. Trong nhóm gánh dưa, mỗi con người lại mang theo một số phận trong đó ẩn chứa cả những câu chuyện thương tâm như ông Trần Văn Chiến (46 tuổi, trú tại thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Vợ ông đã đứng tuổi nhưng chỉ có một mụn con gái. Cách đây 2 năm, cháu bị suy thận và thường xuyên phải đi chạy thận tại TP. Hồ Chí Minh với chi phí rất lớn. “Bác sĩ bảo nó khó cứu lắm, chỉ được ngày nào hay ngày đó, mà cha mẹ nào bỏ được con cái nên tôi phải đi khắp nơi làm mọi việc để kiếm tiền chữa trị cho con”-ông Chiến nghẹn ngào. 

 

 

Mặt trời mấp mé bên kia ngọn núi Chư Mố, những chú gà trống trong buôn cất tiếng gáy đầu tiên. Đâu đó trong nhà sàn, bếp lửa đã nhen nhóm thấp thoáng ánh hồng. Đó cũng là lúc những người lao động nghèo gánh vội những gánh dưa để tránh cái nắng và cũng là tránh cái đói nghèo…

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.