(GLO)- Cách đây hơn nửa thế kỷ, ngôi trường sư phạm đầu tiên của tỉnh Gia Lai được thành lập tại xã Sơ Pai thuộc Khu 2 (nay là huyện Kbang). Khác xa với hiện tại, việc dạy và học ở trường sư phạm lúc bấy giờ chỉ đơn giản là “truyền chữ” cho nhau với mục tiêu xóa mù chữ cho bà con ở các buôn làng.
“Cơm chấm cơm”
Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm nhưng ký ức về những tháng ngày vượt Trường Sơn vào Gia Lai “gieo chữ” vẫn luôn khắc sâu trong tâm khảm ông Lê Viết Đậu-nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Sư phạm tỉnh Gia Lai. Bởi vậy, dù đã gần 80 tuổi, từ quê nhà Thanh Hóa, ông Đậu không nguôi nhớ về mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió-nơi từng chở che ông một thời trai trẻ.
Sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm, tháng 9-1973, ông Đậu tình nguyện vào Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để chung tay hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục cách mạng. Trong số 15 thành viên của đoàn đi năm ấy, phần lớn được phân bổ về các huyện công tác, một số ở lại Ban Giáo dục tỉnh, riêng ông Đậu được điều động về nhận nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Sư phạm tỉnh.
Với ông Đặng Hồng Phàn, những năm tháng “gieo chữ” dưới mái trường sư phạm nơi căn cứ ở Gia Lai là ký ức không thể nào quên. Ảnh: Hồng Thi |
Trước đó, năm 1969, Trường Sư phạm tỉnh được thành lập tại xã Sơ Pai với nhiệm vụ đào tạo giáo viên để về dạy xóa mù chữ ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. “Người phụ trách đầu tiên là anh Lê Chấn. Sau đó, anh nhận nhiệm vụ mới tại Ban Giáo dục nên đưa tôi xuống thay. Khi đó, toàn trường chỉ có hơn 50 học sinh với 2 lớp ghép, trình độ đầu vào từ lớp 2 đến lớp 4. Vì vậy, trước mắt, chúng tôi chưa thể đào tạo nghiệp vụ sư phạm mà chủ yếu tập trung dạy văn hóa để các em tốt nghiệp cấp tiểu học. Nếu em nào đủ điều kiện đi học lên mới đưa ra Quân khu 5 để học trung cấp sư phạm, còn lại sẽ về làm nòng cốt xóa mù chữ ở buôn làng. Trường cũng không nhận học sinh đại trà mà có sự chọn lọc, chủ yếu là đối tượng con em cán bộ cơ sở, con em liệt sĩ hoặc các cháu thiếu niên có thành tích trong việc tham gia đánh Mỹ”-ông Đậu kể.
Cũng theo ông Đậu, mô hình đào tạo của nhà trường trong thời chiến là sư phạm thực hành, đúng kiểu “cầm tay chỉ việc” và chấp nhận hình thức dạy “cơm chấm cơm”. Theo đó, giáo viên sẽ truyền đạt cho học sinh, trên cơ sở đó, học sinh lĩnh hội kiến thức rồi về hướng dẫn lại cho dân làng với tinh thần “học đến đâu, dạy đến đó”. Mục tiêu đặt ra là làm sao cho càng nhiều người dân biết chữ càng tốt, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố vững chắc cơ sở cách mạng.
Lật giở từng trang ký ức về ngôi trường sư phạm đầu tiên của tỉnh Gia Lai bên dòng sông Ba năm xưa, ông Đặng Hồng Phàn (hiện sống tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) cũng không khỏi xúc động. Một năm sau ngày vào Gia Lai (1973), ông Phàn được Ban Giáo dục tỉnh phân công về giảng dạy tại Trường Sư phạm tỉnh và gắn bó với nơi đây cho đến ngày giải phóng.
“Gọi là trường song tất thảy chỉ có 4 giáo viên và vài chục học sinh. Bộ phận lên lớp ngày đó gồm mỗi tôi và anh Đậu. Tôi dạy Toán còn anh ấy dạy Văn. Cô giáo người dân tộc Bahnar thì làm phiên dịch giữa chúng tôi và học trò, còn 1 thầy nữa đảm trách công tác hành chính. Vì thầy trò còn phải tăng gia sản xuất nên việc dạy và học không theo kỳ mà theo mùa và thời tiết, chủ yếu học vào buổi chiều. Cứ dạy được vài tháng, chúng tôi lại cho học sinh nghỉ học 1 tháng để về làng thực hiện nhiệm vụ “truyền chữ”-ông Phàn nhắc nhớ.
Sau ngày giải phóng, mô hình sư phạm thực hành tiếp tục được duy trì một thời gian ngắn để đào tạo cấp tốc nghiệp vụ sư phạm, tạo nguồn giáo viên về cơ sở làm nhiệm vụ củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.
Một thời để nhớ
Ký ức của ông Đậu, ông Phàn còn gắn liền với bao kỷ niệm buồn vui về tình đồng nghiệp, thầy-trò dưới mái trường sư phạm thời chiến. Họ ví von những ngày tháng ấy như sợi dây cảm xúc, dù bắt đầu có phần hơi hụt hẫng, nối dài với bao cung bậc đan xen nhưng lại kết thúc bằng sự chân thành đầy ấm áp.
Một cuộc họp của Ban Giáo dục tại khu căn cứ năm 1973 (Ảnh tư liệu) |
Ngày ấy, dẫu đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế vào Nam nhưng khi đến Gia Lai, các thầy giáo trẻ vẫn bị hụt hẫng với những điều diễn ra trước mắt. Ông Đậu hồi tưởng: “Nếu ở ngoài Bắc, chúng tôi có sẵn trường lớp để giảng dạy thì vào đây phải cùng dân làng chặt cây dựng trường, làm bàn ghế học tập. Nơi ở là những lán trại dưới tán rừng. Ở ngoài kia, chúng tôi chỉ lo dạy học, mỗi tháng được Nhà nước cấp cho 13 kg gạo. Còn vào đây, chính quyền cách mạng chỉ cấp 6 tháng lương thực và 50 đồng mỗi ngày để mua nước mắm, muối...
Từ tháng thứ 7 trở đi, chúng tôi phải tự túc sản xuất. Cứ ăn Tết Nguyên đán xong là thầy và trò cùng nhau phát rẫy để trồng cây lương thực và dựng chuồng trại chăn nuôi. Để đảm bảo lương thực, theo quy định, mỗi giáo viên phải trỉa được 3 kg lúa giống, 400 gốc mì và 2 trái bắp xoay hạt. Nhiệm vụ chuyên môn lẫn sản xuất gần như quan trọng như nhau. Đó là chưa kể, sự bất đồng về ngôn ngữ với học sinh, những cơn sốt rét kéo dài triền miên... Tất cả đều không nằm trong sự hình dung ban đầu của chúng tôi nên có nhiều bỡ ngỡ. Nhưng rồi, ai cũng xác định dù có vất vả đến đâu cũng phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ”.
“Khó khổ là thế nhưng tình cảm thầy trò ngày đó ấm áp lắm, coi nhau như người thân trong gia đình”-ông Phàn tiếp lời: “Đó là những ngày thiếu hụt lương thực, các thầy cô sẵn sàng chịu đói một chút để học trò được no bụng hơn; là những hôm trắng đêm trong bồn chồn, lo lắng khi thầy hoặc trò đổ bệnh; là những buổi lao động, sinh hoạt cùng nhau trên những vạt đồi hay dòng sông Ba với đầy ắp tiếng cười... Có các em, chúng tôi phần nào vơi đi nỗi nhớ gia đình”.
Đặc biệt, ông Phàn không thể nào quên vòng tay yêu thương của đồng chí, đồng nghiệp đã giúp ông thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Chuyện xảy ra vào đầu năm 1973, khi đang đi gánh gạo cùng một số thành viên trong Ban Giáo dục, cơn sốt rét ác tính ập đến khiến ông Phàn tưởng chừng không thể qua khỏi. Anh em trong đoàn vội vàng cắt cử người băng rừng, lội suối tìm bác sĩ vào cứu chữa cho đồng nghiệp.
“Lúc đó, chị Chánh là y tá của Ban đã tức tốc chạy vào, dốc sức điều trị nên tôi mới qua được cơn nguy kịch. Rồi những ngày tiếp đó, anh em, bạn bè vừa làm nhiệm vụ, vừa thay nhau chăm sóc tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Những tình cảm trân quý ấy tôi luôn khắc sâu trong lòng”-ông Phàn nghẹn ngào nhớ lại.
Năm 2015, ông Phàn mới có dịp quay lại Gia Lai sau gần 40 năm trở về quê nhà công tác. Ông may mắn gặp lại bà Chánh và những đồng nghiệp một thời gắn bó. “Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, nước mắt không ngừng rơi. Đến nỗi, vợ tôi chứng kiến còn bảo rằng: Tôi thấy ông hạnh phúc còn hơn cả ngày cưới của chúng mình”-ông Phàn rộn vui kể.
Bà Võ Thị Chánh (xã Trà Đa, TP. Pleiku) kể lại cho cháu nghe về kỷ niệm cứu chữa ông Đặng Hồng Phàn. Ảnh: Hồng Thi |
Trong suốt những năm làm y tá trong khu căn cứ rồi đến Phó Hiệu trưởng Trường Nội trú tỉnh, bà Võ Thị Chánh (thôn 6, xã Trà Đa, TP. Pleiku) cũng đong đầy ký ức vui buồn với nghề. Và lần cứu chữa cho ông Phàn là kỷ niệm khó phai nhòa trong tâm trí bà.
“Lúc chúng tôi đến thì không thấy anh Phàn đâu nữa. Tìm kiếm khắp nơi thì phát hiện anh trốn trong một lùm cây. Tâm trí anh ấy rối loạn, chẳng còn tỉnh táo nữa và xuất huyết đường tiểu nặng. Mọi người lo lắng với những tiên liệu xấu. Tôi cố gắng hết sức để chữa trị, mong anh có thể qua khỏi. Và cuối cùng điều kỳ diệu đã đến, chúng tôi ai nấy đều vỡ òa”-bà Chánh nhớ lại.
Giờ đây, những thế hệ nhà giáo năm xưa đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” với nhiều điều viên mãn. Khi cuộc sống bớt lo toan cũng là lúc họ thảnh thơi để sống thật vẹn nguyên với những xúc cảm của một thời tuổi trẻ.
HỒNG THI