"Nhịp cầu nối những bờ vui"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chọn triển khai tại các địa bàn khó khăn, Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) đã đem lại niềm vui cho người dân vùng sâu, vùng xa. Những nhịp cầu LRAMP đã và đang góp phần tạo sức bật ở vùng nông thôn.

 Thi công công trình cầu Ia Rmok bắc ngang sông Ba, nối 2 xã Phú Cần và Ia Rmok (huyện Krông Pa). Ảnh: L.H
Thi công công trình cầu Ia Rmok bắc ngang sông Ba, nối 2 xã Phú Cần và Ia Rmok (huyện Krông Pa). Ảnh: L.H

Thời gian qua, Dự án LRAMP đã triển khai xây dựng 86 công trình cầu, cống với tổng trị giá khoảng 186,6 tỷ đồng. Tính đến nay, 40 công trình đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng (17 cầu, 23 cống với tổng mức đầu tư khoảng 50,7 tỷ đồng); 8 công trình đã thi công xong, chưa nghiệm thu (4 cầu, 4 cống với tổng vốn đầu tư 12,4 tỷ đồng); 34 công trình đang thi công (17 cầu, 17 cống với tổng vốn đầu tư 104,3 tỷ đồng) và 4 công trình chưa khởi công xây dựng (3 cầu, 1 cống với tổng vốn đầu tư 19,2 tỷ đồng).

Huyện Chư Pah là địa phương có số lượng cầu và cống được đầu tư xây dựng nhiều nhất tỉnh từ nguồn vốn Dự án LRAMP với 5 cầu, 6 cống, tổng nguồn vốn trên 14,6 tỷ đồng. Vị trí triển khai xây dựng các công trình tại 7 xã: Ia Khươl, Ia Phí, Ia Kreng, Ia Ka, Ia Nhin, Hòa Phú và Ia Mơ Nông. Ông Nguyễn Quang Hưng-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pah-khái quát: “Hầu hết các công trình đều được đầu tư tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các công trình đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn, tạo động lực cho khu vực vùng sâu, vùng xa phát triển”.

Với đặc thù địa hình có nhiều sông suối chia cắt, huyện Krông Pa được bố trí nguồn vốn 52,76 tỷ đồng (chiếm hơn 28% tổng số vốn của Dự án LRAMP đầu tư trên địa bàn tỉnh) để xây dựng 6 công trình (5 cầu và 1 cống). Đây cũng là địa phương có công trình cầu lớn nhất trong hệ thống cầu dân sinh thuộc Dự án LRAMP triển khai trên cả nước, đó là công trình cầu Ia Rmok có tổng vốn đầu tư trên 34 tỷ đồng, chiều dài 330 m với 10 nhịp. Việc xây dựng công trình cầu Ia Rmok đã chấm dứt những năm tháng dài ròng rã cư dân hai bên bờ sông Ba phải qua lại bằng cây cầu tạm vượt sông dài hàng trăm mét luôn thường trực hiểm nguy. “Khi cầu được đưa vào sử dụng, việc qua sông để đến với các xã phía Nam huyện và ngược lại sẽ trở nên thuận lợi, an toàn, tiết kiệm hơn rất nhiều. Điều này cũng mở ra cơ hội phát triển, đẩy mạnh giao thương giữa cư dân các vùng lân cận”-ông Nguyễn Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa phấn khởi nói.

Vừa qua, đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Huyện-Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm trưởng đoàn cùng đại diện Ban Quản lý Dự án 4 (Bộ Giao thông-Vận tải), đơn vị chủ đầu tư, giám sát, thi công và chính quyền địa phương đã có buổi kiểm tra thực tế việc thi công tại công trình cầu Ia Rmok. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bày tỏ sự hài lòng khi thấy cây cầu dần hoàn thành. “Hạ tầng giao thông tại huyện Krông Pa nói riêng và các khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai nói chung vẫn còn nhiều khó khăn. Việc xây dựng các công trình cầu dân sinh sẽ giúp nhân dân địa phương đi lại thuận tiện, an toàn hơn, góp phần đem đến đổi thay cho nhiều vùng khó khăn”-ông Huyện đánh giá.

Đánh giá về hiệu quả của các công trình thuộc Dự án LRAMP đối với sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương, ông Phùng Văn Việt-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh-cho biết: Hầu hết các công trình đều được triển khai tại các xã vùng 3, không chỉ góp phần cải thiện hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy kinh tế mà còn mang giá trị an sinh xã hội. Dự kiến, trong giai đoạn II của dự án, Gia Lai sẽ có thêm 44 vị trí cầu, cống được thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 330 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới.

 

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.