Điện quốc gia: Thiếu mà… “thừa”?!
Sau các đợt rà soát, điều chỉnh quy hoạch các công trình thủy điện (CTTĐ) vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum, hiện tỉnh này có khoảng 50 CTTĐ vừa và nhỏ với tổng công suất dự kiến phát lên lưới điện quốc gia vào năm 2015 là 500 MW. Trong số này, hiện đã có một số nhà máy đã hoàn thành và phát lên lưới điện quốc gia từ khoảng một năm qua thông qua hợp đồng bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu điện ngày càng nghiêm trọng, vài tháng qua, Công ty Điện lực Kon Tum liên tiếp phát văn bản yêu cầu một số nhà máy… ngừng phát điện hoặc giảm công suất luân phiên và mặc nhiên, nguồn tài nguyên nước trôi xuôi một cách lãng phí mà không có được những giải thích khả dĩ từ phía các cơ quan thuộc EVN.
Nhiều công trình thủy điện tại Kon Tum (như thủy điện Đak Psi 4) đang bị lãng phí tài nguyên nước. Ảnh: N.T |
Chuyện “con đẻ- con ghẻ”
Giải thích nguyên do của tình trạng trái khoáy này, ông Nguyễn Đức- Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum, cho biết: “Các CTTĐ vừa và nhỏ tại Kon Tum đã và đang đầu tư hiện nay đều trông chờ vào đường dây 110 KV từ Kon Tum về Trạm 500 KV (Pleiku, Gia Lai) để lên lưới quốc gia; song đường dây này hiện đã quá tải khi mà cùng với các công trình vừa và nhỏ, đường dây còn gánh cả lượng điện phát lên từ nhà máy thủy điện Plei Krông (của EVN). Đường dây 110 KV hiện có chỉ có thể tải 100 MW nhưng hiện đã phải tải tới 160 MW. Trong bối cảnh đó, Công ty Điện lực Kon Tum không có cách nào khác là phải yêu cầu các đơn vị giảm công suất, kể cả trong giờ cao điểm”. Ông Nguyễn Bộ- Giám đốc Sở Công thương Kon Tum, cũng khẳng định: “Tỉnh đã đề nghị EVN xây dựng đường dây truyền tải 220 KV để đảm bảo lượng điện sản xuất ra từ đây được cung ứng hết công suất lên lưới quốc gia, thế nhưng mọi việc chỉ mới dừng ở việc khảo sát. Đường dây 110 KV hiện có đã quá tải và sẽ còn quá tải trong thời gian tới”.
Cần nhấn mạnh là bản thân CTTĐ Plei Krông vốn của EVN hiện vẫn phát đủ công suất 100 MW lên đường dây 110 KV mà theo kế hoạch trước đó, lẽ ra điện lượng từ Plei Krông phải được chuyển tải lên lưới quốc gia từ đường dây được xây dựng riêng. Trong hoàn cảnh đường dây truyền tải chưa được đầu tư mới, gánh nặng quá tải lại được chuyển, đè nặng lên vai các doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ, xây dựng công trình chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng. Mặt khác, nếu có một hệ thống điều tiết khoa học và công bằng, chính Plei Krông mới là công trình cần được điều chỉnh điện lượng cung ứng lên lưới quốc gia, bởi Plei Krông có hồ chứa với hàng triệu mét khối nước, vì thế mà dễ dàng điều chỉnh công suất, trong khi hầu hết các thủy điện vừa và nhỏ đều là công trình sản xuất điện qua đập tràn. Không được phát điện cũng đồng nghĩa với tài nguyên nước “một đi không trở lại”. Câu chuyện “con đẻ- con ghẻ” như dư luận đang bận tâm có phải xuất phát từ môi trường độc quyền của EVN? Và không ai phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí này, cũng không ai chịu trách nhiệm về lỗi quy hoạch hệ thống(?!).