(GLO)- Với mục đích đa dạng giống vật nuôi, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của huyện, những năm qua Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện, năm 2012 Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah đã đầu tư gần 180 triệu đồng triển khai mô hình nuôi cá nước ngọt tại 3 xã là Ia Mơ Nông, Ia Khươl và Nghĩa Hưng với 4 hộ tham gia quy mô 2.000 m2 mặt ao/hộ. Mỗi hộ được cấp gần 100 kg cá giống các loại như: cá trắm cỏ, cá mè trắng, cá chép, cá rô phi và thức ăn cho cá.
Ông Phạm Sỹ Tiến trong trại nuôi chim cút của mình. Ảnh: Quang Tấn |
Nhờ được tập huấn kỹ thuật nuôi cá nên tỷ lệ cá sống đạt khoảng 90%, tốc độ tăng trọng rất nhanh. Sau hơn 10 tháng thả nuôi, trọng lượng trung bình mỗi con trên 0,6 kg, với giá bán trung bình tại thời điểm đó gần 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được của mỗi hộ gần 25 triệu đồng.
Ông Phạm Minh Châu- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah cho biết: Tiếp nối thành công mô hình nuôi cá nước ngọt năm 2012, năm nay Phòng tiếp tục lên kế hoạch nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt cho hai xã Ia Ka và Chư Jôr với kinh phí 48 triệu đồng. Do các hộ dân được tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc và được tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi trước nên tỷ lệ cá thả sống rất cao, hiện cá sinh trưởng và phát triển tốt.
Cũng theo ông Châu, năm nay Phòng đã thực hiện thêm các mô hình chăn nuôi như: mô hình nuôi chim cút, phối hợp với Huyện đoàn triển khai mô hình nuôi heo rừng lai. Đặc biệt, mô hình nuôi chim cút đẻ trứng ở thị trấn Phú Hòa, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao và ổn định. Mô hình được triển khai từ tháng 6-2013, tổng kinh phí đầu tư 50 triệu đồng, với quy mô 3.500 con chim cút giống. Mặc dù mới bán trứng cút được khoảng 2 tháng nhưng lợi nhuận mà mô hình mang lại tương đối cao và ổn định.
Ông Phạm Sỹ Tiến, ở thôn 4, thị trấn Phú Hòa đang chuẩn bị đem trứng cút đi giao cho khách hàng phấn khởi cho biết: Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm nuôi gà đẻ trứng đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc chăm sóc đàn cút. Chính vì vậy mà đàn chim cút sinh trưởng rất tốt, ít bệnh tật, tỷ lệ sống rất cao và đã cho thu hoạch được khoảng 2 tháng nay.
Hiện đàn cút với 3.500 con của ông Tiến mỗi ngày thu được trên 3.000 quả trứng với giá bỏ sỉ cho khách hàng, mỗi quả trứng giá khoảng 450 đồng đến 600 đồng, ngoài ra mỗi tháng tiền bán phân cút cũng được khoảng 3 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí thức ăn, công chăm sóc thì thu nhập hàng tháng của gia đình ông Tiến xấp xỉ 10 triệu đồng.
Ông Tiến cho biết thêm: Thị trường tiêu thụ trứng cút khá lớn, ngoài việc bỏ sỉ cho khách hàng ở các chợ trên địa bàn huyện, ông còn xuất bán với số lượng lớn cho khách hàng ở Kon Tum để xuất bán qua Lào. Được biết, chu kỳ sinh sản của cút kéo dài 12-14 tháng tùy theo cách chăm sóc của người nuôi, sau khi hết chu kỳ sinh sản thì chim cút có thể đem bán cho các nhà hàng với giá khoảng 14.000 đồng bằng với giá mua con giống ban đầu.
Phát triển ngành chăn nuôi đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của huyện trong những năm qua. Thành công trong việc triển khai các mô hình chăn nuôi đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển ngành chăn nuôi của huyện Chư Pah nói riêng cũng như của tỉnh nói chung.
Quang Tấn