(GLO)- Dự án Cạnh tranh nông nghiệp được triển khai thực hiện tại Gia Lai từ năm 2009 đến 2013. Qua 5 năm thực hiện, các hợp phần của dự án từng bước ổn định, hàng trăm hộ nông dân được hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng đến trang-thiết bị phục vụ sản xuất.
Ban Quản lý dự án kiểm tra công trình đường giao thông nông thôn. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Dự án Cạnh tranh nông nghiệp gồm 4 hợp phần chính: tăng cường công nghệ nông nghiệp; hỗ trợ liên minh sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và quản lý dự án tăng cường thể chế. Tổng vốn Ngân hàng Thế giới đầu tư khoảng 8 triệu USD, bên cạnh đó còn có nguồn vốn đối ứng của tỉnh, doanh nghiệp và nông dân khi tham gia dự án.
Sau 5 năm thực hiện tại nhiều huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, dự án đã phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tại hợp phần tăng cường công nghệ trong nông nghiệp đã xuất hiện các mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng VietGap ở vùng trọng điểm lúa nước Ayun Hạ; trên cây rau tại huyện Đak Pơ và TP. Pleiku; hồ tiêu, cà phê tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông…
Song song với đó, việc đầu tư trang-thiết bị giám sát dư lượng hóa chất trên các mặt hàng nông sản như trái cây, rau, lúa… theo quy trình chuẩn, giúp nông dân yên tâm sản xuất cũng được chú trọng thực hiện. Thống kê của Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp đã có trên 8.337 lượt nông dân được đào tạo, tập huấn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Mô hình 3 giảm 3 tăng trên cây lúa tăng từ 5,6 tấn/ha lên 7,5 tấn/ha, giúp nông dân có được thu nhập đáng kể. Các mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây tiêu, cà phê không chỉ tăng năng suất mà còn tăng lợi nhuận giảm chi phí đầu tư, giá bán sản phẩm làm ra cũng cao hơn.
Ông Nguyễn Duy Khánh, ở thôn An Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ cho biết: “Với diện tích 5.000 m2 đất trồng các loại rau từ nhiều năm nay như bắp cải, cải thìa, xà lách… trước đây sản phẩm làm ra rất bấp bênh về giá cả thị trường. Từ khi được hướng dẫn kỹ thuật và tham gia mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap đã nâng cao giá trị của cây rau, đặc biệt việc tiêu thụ rau ổn định như hiện nay là điều rất đáng mừng”.
Dự án cũng đã cho ra đời 7 liên minh sản xuất giữa các tổ hợp tác nông dân và doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Các liên minh sản xuất khác đã gắn kết được mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp thu mua sản phẩm của tổ hợp tác làm ra với mức giá cao hơn thị trường 500-1.000 đồng/kg, giúp nông dân hưởng lợi từ sự liên kết này.
Một trong những hợp phần được người dân hưởng lợi nhiều nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Sau 5 năm, dự án đã xây dựng 16 công trình cơ sở hạ tầng. Tập trung chủ yếu là đường giao thông nông thôn đi vào các khu sản xuất, nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp.
Theo đánh giá của Công ty Tư vấn quốc tế VICA, Gia Lai đã triển khai thực hiện Dự án Cạnh tranh nông nghiệp khá tốt so với các tỉnh cùng tham gia dự án, đáp ứng các yêu cầu của Ngân hàng Thế giới. Hầu hết các hợp phần triển khai đúng tiến độ, các mô hình nằm trong quy hoạch phát triển chiến lược chung của tỉnh và xuất phát từ yêu cầu của người dân…
Nguyễn Hồng