Nhẹ nhõm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lúc ông dìu bà ra ghế ngồi, nói: “Bà nghỉ đi”, bà chỉ thảng thốt một điều duy nhất “hết rồi, xong rồi, xong hết rồi...”.

Ngoài ngõ, tiếng chân người rầm rập, không phải của một người mà của nhiều người, tiếng nọ nối tiếp tiếng kia, chào bà, bà mải thẫn thờ không trả lời, người ta cũng không bận tâm, đi lướt qua.

Bà rất muốn biết những “thủ tục” người ta đang và sắp làm, nhưng bà cứ thấy hoang hoải một nỗi gì đó, cả người trống rỗng không sức sống, như thể bà đang rơi xuống cái giếng sâu hun hút, cả người nhẹ bẫng, xung quanh mờ ảo, những tiếng động cứ khi gần khi xa rồi im bặt. Nó làm bà dấy lên chút hy vọng rồi lại thụp xuống thất vọng. Đột nhiên, bà nghe tiếng ai thét lên: “Bà ấy tỉnh rồi, ông Hưng ơi!”.

 

 

Bà ngơ ngác mở mắt trong mùi dầu khuynh diệp sực nức, là bà vừa thiếp đi sao? Hẳn bà mệt mỏi thôi, năm năm nay có khi nào giấc ngủ bà quá một tiếng, cứ nhắm mắt lại nghe tiếng rên từ giường bên kia là bà lại bật dậy chạy qua thăm ngó. Năm năm, kể từ ngày mẹ chồng bà, là bà cụ đang nằm lạnh lẽo ở phòng kia bị đột quỵ phải nằm viện suốt bảy tháng ròng rã.

Bà cụ ra viện, bà nói ông kê cho bà cái giường nhỏ vào phía bên kia, cách nhau bởi tấm vải hoa cũ để bà tiện trông nom. Bà cụ nằm một chỗ, khi tỉnh khi mê, chỉ nghe không nói và không chủ động vệ sinh, may còn ăn được.

Từ ngày ấy, một ngày bà cứ tăm tắp ba lần mang vào bốn lần mang ra. Năm giờ sáng bà đã dậy vội vàng đi chợ. Bà đi nhanh lắm, cũng bởi chợ sớm nên vắng, bà về nhà khi mặt trời vừa lên. Khi ấy một ngày của bà mới thực sự bắt đầu.

Trước hết là làm vệ sinh cá nhân cho bà cụ, nhớ lần đầu tiên chăm bà cụ ở viện, bà đã nôn mửa ngay tại chỗ. Cả ngày hôm ấy, bà vật vờ không nuốt được gì, uống nước cũng thấy nhợn, lúc nào cũng ngửi thấy thứ mùi khăm khẳm lởn vởn, chỉ chực nôn khan, thấy mấy cô hộ lý đi ngang, bà chỉ muốn chạy ra chặn lại để nhờ vả, nhưng nhờ một hai lần, nhờ nữa tiền đâu ra?

Ông đã về hưu, lương hưu còn thiếu mấy ngàn nữa được bốn triệu đồng, bà ở nhà đó giờ chăm nom mẹ chồng, túc tắc tí xíu ngoài vườn rau. Ngày trước còn nuôi được con lợn với đàn gà, từ ngày cụ ốm, bà dẹp hết chuồng trại. Con gái đầu có gia đình vừa sinh con, thằng con trai mới đi làm được mấy năm, lương thưởng được bao nhiêu đưa mẹ cất hết, chỉ xin mỗi tháng năm trăm dằn túi, cơm nhà ba bữa cần gì tiền. Thời gian trước, bà còn cất đi dành dụm cho nó, sau này có đồng nào hết đồng ấy. Nhà có người ở bệnh viện, của núi cũng hết, ngày nào đi mua đồ ăn sáng, bà chẳng gặp những gương mặt lo lắng nhàu nhĩ. Sao bệnh tật thường đến với mấy người nhà nghèo?

Từ ngày chăm bà cụ, bà cũng thành thói quen ngủ nhiều nhưng ngắn, bất cứ lúc nào bà cũng có thể chợp mắt, khi chiên đậu, khi rửa bát, thậm chí khi đang làm cá, mắt cứ thế nhắm lại và ngủ, ngủ chừng hai phút thì dậy, lâu nhất chừng năm phút, nhiều lúc tỉnh dậy thấy ông đứng phía sau, bà biết ông đứng đón sợ bà ngã. Bà biết ông thương, muốn đỡ bà ít nhiều, nhưng cứ ông vào là cụ ngúng nguẩy bất hợp tác, giận dữ hất tung khay cơm, miệng ú ớ tay níu quần, không cho ông làm vệ sinh, dù ông là con ruột.

Nhiều khi bà nghĩ, có khi nào bà cụ nhân cơ hội hành hạ con dâu cho bõ ghét? Ngày đó, trước khi ông đi công nhân, bà cụ đã nhắm cho ông một đám ở xóm trên, là cô gái khỏe mạnh xốc vác. Ông đi một lèo ba năm không về, cô gái kia đợi không được, đi lấy chồng làng bên. Đầu năm cưới, cuối năm đã có thằng cu bụ bẫm xinh xắn khiến cụ tiếc anh ách. Tiếc dâu rồi quay sang giận con trai, đúng khi ấy ông lại đưa bà về giới thiệu. Trong bữa cơm có cả mấy người họ hàng, cụ nói bà gầy gò yếu ớt làm sao sinh con. Mai kia có mấy sào ruộng chắc phải nhờ người làm hộ. Bà sinh con gái đầu lòng càng khiến cụ khó chịu. Mãi đến khi bà sinh thằng Khoa, cụ mới thôi khắt khe xét nét, lại tỏ ra quý cháu gái còn hơn cháu trai.

Cụ mỗi ngày mỗi khó tính, cơm phải đổi món từng ngày, hôm nay ăn thịt kho, ngày kia ăn thịt kho nữa cụ sẽ nhổ phì từ muỗng đầu tiên, sau đó sống chết không chịu mở miệng, ăn vẫn thế nhưng người mỗi ngày mỗi yếu hơn, được cái da dẻ vẫn căng, không nhăn nhúm như người ốm lâu ngày. Con gái nói để con mua cho bà gói bỉm, cứ dầm dề tự do vậy ai hầu cả ngày được, mẹ cũng chuyển giường ra ngoài ngủ, trong ấy hôi hám bí bách rồi sinh bệnh.

Bà cũng đã mua tã giấy, nhưng cụ nóng vùng vẫy không chịu, bà vừa quay lưng là len lén lần miếng dán tháo ra, vứt xuống đất, ông nói lấy băng keo dán kín lại, lúc tối thấy cụ nằm im, có lẽ chịu thua, sáng ra mở cửa phòng bà ngỡ mình đang đi trên mây khi cả căn phòng trắng toát những bông, cụ tháo không được miếng dán thì rứt cho rách lớp ni lông bên ngoài và cứ thế lôi lớp bông bên trong ra quăng đầy nhà. Bà đã bật khóc tức tưởi vì tủi thân, vì mệt mỏi, vì ấm ức, vì bất lực.

Bố ruột bà mất khi hai đứa con bà còn nhỏ, vợ chồng lại khó khăn, vì mới về thăm hồi tết nên bố cấm cả nhà không ai được báo cho bà. Những khi tỉnh, bố viết ít chữ cho con gái và cháu ngoại, dặn khi bố mất hãy về, đường sá xa xôi, làm nhà nước đâu phải muốn nghỉ là nghỉ. Thế nên khi bố mất rồi nhà mới báo bố mệt nặng, vợ chồng bà về đến nhà cũng là lúc đoàn người đưa bố vừa ra hết ngõ.

Hồi mẹ đẻ bà ốm, các em không dám giấu, báo bà biết từ sớm, bà buông tất cả chạy về, ban ngày nâng giấc chăm bẵm, nắng nhẹ thì bế mẹ ra sân ngắm trời, nắng to thì vào nhà nắn chân bóp tay. Tối cùng các bà áo nâu đọc kinh, được một tuần thì mẹ đi, rất nhẹ nhàng.

…Mấy nay, bà cụ có vẻ không hợp tác, cho ăn gì cũng lắc, đổ sữa cũng lắc, hay hướng nhìn ra sân nắng, bà biết ý mở tung cửa sổ lúc ban ngày, còn hơi dựng cụ dậy để nhìn cho rõ. Lúc ăn cơm xong, bà nói ông chuẩn bị đi, có lẽ đến lúc rồi, ngọn đèn leo lét rồi cũng đến lúc tắt. Ông ngồi ngẩn người, bố ông mất khi ông còn rất nhỏ nên chưa cảm nhận gì. Nay bảy mươi rồi mà đối mặt với nỗi đau sắp mất mẹ cũng khiến ông hoảng hốt. Bà phải nhắc thằng Khoa cầm đèn pin đi với bố xuống mấy nhà trong xóm nói chuyện đặt vấn đề nhờ vả. Được cái, ma chay cưới hỏi, hàng xóm nhiệt tình nhận lời ngay.

Ba ngày như thế, chiều nay lúc bà lau người như lệ thường, cứ thấy bà cụ nắm tay mình cùng những tiếng thở ngắn, bà gọi ông vào, con trai cũng vào theo, bà nói cháu gái ở xa, lát con sẽ gọi điện cho cháu về thăm, cụ lắc đầu, gương mặt nhẹ nhõm không còn nặng nề như mấy ngày, hơi thở cứ nhẹ dần nhẹ dần, một giọt nước ứa ra khỏi đuôi mắt. Rồi cụ đi.

Xa quê, ông bà chọn cách hỏa táng và tạm thời gửi tro cốt lên chùa, ngày nào ông cũng lên thăm với hoa tươi. Phòng bà cụ ở đã được dọn dẹp, mở tung hết cửa suốt mấy ngày. Chủ nhật, thằng Khoa dẫn vòi nước vào cho bà kỳ cọ, xà phòng nước tẩy nổi bọt trắng xóa, lúc gần xong, bà phát hiện có gì đó mắc ở kẽ gạch, là một mảnh của cái nút bấm, hẳn nó rơi ra từ cái áo nào đó.

Bà nhìn cái nút, ngơ ngẩn nhìn quanh căn phòng đã sáng sủa, bật khóc. Sáng nào thức giấc, bà cũng đến đây nhìn, ngẩn người thấy căn phòng trống tuênh, tất cả giường chiếu quần áo của bà cụ đã không còn gì. Một con người cứ thế biến mất, bà trở nên chông chênh không có chỗ vịn, không biết thói quen của bà khi nào mới có thể thay đổi. Từ chiều qua bà lại ngầy ngậy sốt, đêm qua còn ho, năm năm nay bà có ốm lần nào, có lẽ là không dám ốm.

“Mẹ nghỉ ngơi đi, mai con chở mẹ lên trả nút áo cho bà, bà đi vậy nhẹ nhõm lắm rồi”.

 

Theo NGUYỄN THỊ THANH BÌNH (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

(GLO)- Nếu như Tây Bắc có “tứ đại danh đèo”: Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ thì vùng duyên hải miền Trung lên đại ngàn Tây Nguyên cũng có “ngũ danh đèo”: An Khê, Phượng Hoàng, Khánh Lê, Ngoạn Mục, Violak.

default

Địa phận Phủ Hoài Nhơn được xác lập năm Hồng Đức thứ 2 (1471), là miền “viễn châu” khá rộng; sau hơn 550 năm, vùng đất rộng lớn lúc ban đầu được phân chia thành nhiều tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Bắc Tây Nguyên. 
Pleiku, miền nhớ...

Pleiku, miền nhớ...

(GLO)- Nếu tính từ dấu mốc ký Nghị định Toàn quyền Đông Dương thành lập đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum ngày 24-5-1925, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay đã được 100 năm.

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Trong ngôi nhà sàn dưới chân núi ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), Nghệ nhân nhân dân Ðinh Chương nở nụ cười sảng khoái, hồ hởi nói: “Bà con trong làng đang trông chờ ngày 1.7.2025, để không chỉ núi liền núi, sông liền sông mà đồng bào Bana ở hai tỉnh trước đây sẽ về chung mái nhà tỉnh Gia Lai mới”.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 – 1.7.2025), sáng 29.6, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp” nhằm tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với Đảng, đất nước và nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.
Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025: Góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025: Góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Triển khai trong thời gian chưa tròn 1 năm, Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025 đã thu hút nhiều người yêu văn chương trong và ngoài tỉnh tham gia. Tác phẩm được gửi về không chỉ thể hiện sự đầu tư công phu về nội dung và hình thức, mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh vùng đất Bình Ðịnh giàu bản sắc văn hóa, chiều sâu lịch sử.
Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đi vào thơ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: Phạm Quý

Cao nguyên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng

(GLO)- Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gắn liền với các tập thơ “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, .... Viết không nhiều nhưng thơ ông lại có mặt trong hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Mấy năm gần đây, ông dành tình thương mến với Tây Nguyên và viết nhiều về vùng đất này.

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

(GLO)- Với đặc thù làm việc trong sự cô đơn, tĩnh lặng, nhiều kỹ thuật viên (KTV) có kinh nghiệm tại một số phòng thu trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang âm thầm đứng sau những bản thu chất lượng của các ca sĩ chuyên và không chuyên, chắp cánh cho đam mê âm nhạc.

Chung vai một gánh hai quê

Chung vai một gánh hai quê

Chung vai một gánh hai quê là chủ đề chung cho tập truyện ngắn “Người hai quê” của Hương Văn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội chọn lọc và được NXB Quân đội Nhân dân - 2025 ấn hành. 

Chuyện về những nhà báo không chuyên

Chuyện về những nhà báo không chuyên

(GLO)- Dù chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí, nhưng bằng nhiệt huyết, nhiều cộng tác viên của Báo Gia Lai vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề báo, cần mẫn ghi lại từng khoảnh khắc đời sống ở cơ sở trở thành cánh tay nối dài của tòa soạn trong việc lan tỏa thông tin, kết nối cộng đồng.

Tự hào được sống đúng đam mê

Tự hào được sống đúng đam mê

Có thẻ hay không có thẻ nhà báo họ vẫn làm báo. Bởi họ luôn có niềm đam mê và mong muốn góp một phần nhỏ bé vào hành trình chuyển động của xã hội bằng ngòi bút, bằng trái tim và bằng đôi mắt luôn đau đáu với hiện thực.

Tác nghiệp ở Trường Sa

Tác nghiệp ở Trường Sa

Mỗi chuyến tác nghiệp tại Trường Sa không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là hành trình cảm xúc, hun đúc tinh thần yêu nước và khát vọng cống hiến. Những trải nghiệm nơi đảo xa đã trở thành dấu mốc nổi bật trên chặng đường làm báo, để các phóng viên, biên tập viên được “tôi luyện” trong môi trường đặc biệt, khắc nghiệt và đầy cảm hứng.

null