Nhà giàn DK1, gian lao và hào hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong hải trình tới quần đảo Trường Sa, tàu KN 491 rẽ sóng, thẳng hướng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, nơi có hệ thống các nhà giàn DK1... Chúng tôi vinh dự được cảm nhận những phút giây xúc động, được lên thăm Nhà giàn DK1/12 thuộc khu vực biển Tư Chính.


 

Nhà giàn DK1/12. Ảnh: VNĐ
Nhà giàn DK1/12. Ảnh: VNĐ


33 năm trước, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ban hành Chỉ thị 180-CT về việc thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (gọi tắt là DK1) thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Việc xây dựng các nhà giàn DK1 nhằm 2 mục đích chính: Làm chỗ dựa cho ngư dân khai thác, đánh bắt thủy hải sản và làm “Vành đai thép” trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc.

Tháng 5/2022, là đại biểu của tỉnh Kon Tum tham gia trong Đoàn công tác số 7 của Quân chủng Hải quân, chúng tôi đã hòa cùng tinh thần kiên cường của các chiến sĩ nơi Nhà giàn DK1; sống trong những khoảnh khắc xúc động của lễ tưởng niệm; trải nghiệm chuyến vượt sóng, leo lên nhà giàn, thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1/12 - Tư Chính. Đó là khoảng thời gian ý nghĩa giúp chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống, công việc, những hi sinh gian khổ thầm lặng; cả ý chí mạnh mẽ, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Tàu KN 491 thả neo tại vùng biển Tư Chính, thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, tại boong tàu, Đoàn công tác đã tổ chức Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Tại buổi lễ, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang - Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, Trưởng Đoàn công tác số 7 phát biểu: “Chúng tôi bùi ngùi xúc động, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ - những cán bộ, chiến sĩ Hải Quân ưu tú đã anh dũng hi sinh trên vùng biển Nhà giàn DK1, một vùng biển có vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Trong hơn 30 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân, trực tiếp là cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, vùng 2 Hải quân đã gác lại bao khó khăn của hậu phương gia đình, thiếu thốn về nhiều mặt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dũng cảm, chấp hành mệnh lệnh, đương đầu với mọi thử thách trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, trước giông bão hiểm nguy. Trong tình huống khó khăn khắc nghiệt đó, Quân chủng Hải quân anh hùng, bình tĩnh, kiên cường bám trụ với tinh thần “còn người, còn Nhà giàn, còn Tổ quốc”. Nhiều tấm gương hi sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân vùng 2 đã  trở thành tấm gương lớn cho cán bộ, chiến sĩ thế hệ đi sau biết ơn, tăng thêm nghị lực trong cuộc sống và chiến đấu giữ vững chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam.

Sau Lễ tưởng niệm, chúng tôi đi xuồng tiến đến Nhà giàn DK1/12 - Tư Chính. Sóng lớn khiến xuồng di chuyển khó khăn và mất nhiều thời gian. Khi xuồng ghé sát thang, chúng tôi vội bám thang leo lên. Bên trên, cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn chào đón chúng tôi bằng nụ cười cùng đôi tay rắn chắc dìu đỡ lên thềm giàn. Leo thêm mấy lần thang nữa mới tới được sàn nhà ở, cách mặt nước khoảng 13 m. Chúng tôi đã được gặp gỡ, nắm tay các cán bộ, chiến sĩ trong niềm vui và lòng cảm phục.

Trong buổi họp mặt, gặp gỡ với Đoàn công tác số 7, Trung tá Lương Hữu Nhuần - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/12 đã chia sẻ về công tác của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Theo Trung tá Lương Hữu Nhuần, nằm trong khu vực bãi cạn Tư Chính thuộc thềm lục địa của Việt Nam, xa đất liền, điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, sóng to, gió lớn, tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn luôn nhận thức sâu sắc về tình hình nhiệm vụ, luôn đoàn kết, thống nhất vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đơn vị duy trì nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực phòng không, canh gác, bảo đảm tốt không để bị động bất ngờ. Tổ chức quan sát 24/24 giờ, chủ động phát hiện mục tiêu từ xa, kịp thời nhận định xử lý, tham mưu, đề xuất về sở chỉ huy các cấp đúng theo quy định, không để sót, lọt mục tiêu, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Đồng thời, đơn vị cũng luôn làm tốt công tác dân vận, thực hiện tốt Chương trình Hải quân nhân dân Việt Nam là chỗ dựa, điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển. Trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã cấp cứu 1 ngư dân, tiểu phẫu 1 trường hợp, khám cấp thuốc 15 ngư dân. Hỗ trợ nước ngọt cho nhiều tàu cá và hỗ trợ một số lương thực, thực phẩm cho ngư dân. Đơn vị cũng luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền; đặc biệt trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã phối hợp với các tàu trực, đơn vị bạn tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn, xua đuổi các loại mục tiêu nước ngoài xâm phạm trái phép chủ quyền thềm lục địa của nước ta.

Tới Nhà giàn DK1/12, chúng tôi đã chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của chiến sĩ, bắt gặp những hình ảnh rất đời thường, thật bình dị. Đó là những chậu rau cải, rau muống, rau diếp cá, dây mồng tơi xanh mướt; những con gà, con vịt được bàn tay cán bộ, chiến sĩ chăm, nuôi. Đó còn là những lồng chim chào mào được mang từ đất liền ra. Đó là sổ tay chép bài hát cùng cây đàn ghi ta của anh lính trẻ. Những hình ảnh này gợi cho chúng tôi nhiều xúc động, cảm phục trước tinh thần mạnh mẽ, lạc quan, yêu đời của chiến sĩ trên nhà giàn trước muôn trùng sóng gió. Buổi liên hoan văn nghệ diễn ra ngay trên nhà giàn, đại biểu và cán bộ, chiến sĩ cùng hòa chung tiếng hát: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm. Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương…”.

Đã là người lính phải hy sinh rất nhiều. Đặc biệt, với người lính Hải quân, họ phải có bản lĩnh vượt lên nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Khi trò chuyện, tôi biết có những anh 8 - 9 tháng chưa được gặp người thân nhưng vẫn vượt lên tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với các anh, hiểm nguy, khó khăn, gian nan chỉ là thử thách tôi luyện thêm ý chí, quyết tâm. Gặp chúng tôi, các anh không nói gì nhiều về điều này mà chỉ chia sẻ về những khát vọng, cách giúp người dân vươn khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Nhà giàn DK1 nay được đầu tư lắp đặt kiên cố, vững chãi hơn các nhà giàn ngày trước rất nhiều, cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ cũng cải thiện hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Ở đảo xa, cán bộ, chiến sĩ đã có thể gọi điện thoại về nhà để nghe tiếng vợ con, được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người thân yêu của mình, thay cho những lá thư hằng tháng mới tới như ngày trước. Mong những niềm vui nhỏ ấy sẽ góp thêm động lực các anh tiếp tục chân cứng đá mềm nơi biển đảo.

Tạm biệt nhà giàn về tàu, khi tàu đã rời đi, chúng tôi vẫn dõi nhìn hình ảnh Nhà giàn DK1/12 sừng sững giữa đại dương. Dòng chữ “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên nóc nhà giàn như khắc vào tâm trí. Nhà giàn DK1 và các nhà giàn đang hiện diện giữa muôn trùng sóng gió chính là những cột mốc chủ quyền mang hồn thiêng đất nước, nhắc nhở mỗi chúng ta về tình yêu và trách nhiệm đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.             

Theo Vũ Ngọc Đức (baokontum)

 

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.