Nguyễn Nhạc với công cuộc "dân vận"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hôm tôi và nhóm bạn hưu trí về thăm lại di tích Kho tiền-Nền nhà và Hồ nước ông Nhạc ở làng Đê Hlang (xã Yang Nam, huyện Kông Chro) thì được biết trước đó, đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang làm trưởng đoàn đã có chuyến thị sát tại địa phương và đến kiểm tra khu di tích này, đồng thời chỉ đạo trùng tu sao cho tương xứng với giá trị lịch sử của nó nhằm phục vụ phát triển du lịch trong tương lai gần.
Theo quan sát, khu di tích có được cải thiện đôi chút so với 5 năm trước đây, như làm mới nhà bia, bê tông hóa đoạn đường từ thị trấn Kông Chro đến làng Đê Hlang, khu vực di tích được rào giậu cẩn trọng và trồng cây xanh xung quanh... Tuy nhiên, hiện tại, phần thực thể di tích chưa được cải tạo lại. Bên cạnh đó, con đường nối từ Nền nhà, Hồ nước đến Kho tiền khoảng 4 km chưa được khắc phục nên việc đi lại còn khó khăn.
 Hồ nước ông Nhạc ở làng Đê Hlang (xã Yang Nam, huyện Kông Chro). Ảnh: B.Q.V
Hồ nước ông Nhạc ở làng Đê Hlang (xã Yang Nam, huyện Kông Chro). Ảnh: B.Q.V
Chúng ta biết rằng, nhằm chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn, Nguyễn Nhạc cùng với 2 người em là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã chọn vùng Tây Sơn Thượng (bao gồm thị xã An Khê, các huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ ngày nay) làm căn cứ địa chiêu tập binh mã, lương thảo, khí tài để mở đầu cho một phong trào nông dân dậy sóng vào những năm cuối thế kỷ XVIII. Khi chọn vùng đất Tây Sơn Thượng để dấy binh, Nguyễn Nhạc đã nghiên cứu kỹ về vùng miền núi phía Tây của cao nguyên miền Trung này. Đây là vùng đất mới giàu sản vật của rừng, nhiều voi ngựa, nơi cư trú của các bộ tộc ít người như Bahnar, Jrai, Xê Đăng… khá dũng mãnh, dường như chưa bị thế lực phong kiến nào thần phục. Nó có vị thế cách trở nhờ con đèo Vĩnh Viễn (đèo An Khê) ngăn cách vùng miền núi với đồng bằng, không bị sự dòm ngó của chính quyền Chúa Nguyễn Đàng Trong. Từ địa bàn Tây Sơn Thượng, các bộ tộc nơi đây có thể kết nối giao thương với vùng Nam Lào, Bắc Campuchia hay vượt dãy Trường Sơn ra Đàng Ngoài, xuôi dòng sông Ba về các địa phương đồng bằng Duyên hải Nam Trung bộ.
Trong vai người buôn trầu, Nguyễn Nhạc với biệt danh “Hai Trầu” đã am tường địa hình vùng miền núi phía Tây Quy Nhơn, kết giao với đồng bào dân tộc ít người để buôn bán, trao đổi sản vật. Từ bến Trường Trầu ở Kiên Mỹ (thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định ngày nay), ông còn hình thành các điểm buôn bán ở Tây Sơn Thượng như Chợ Gò (gần An Khê đình) và các điểm dọc theo sông Ba như Sa Khổng lồ, Hồ ông Nhạc ở Kông Chro ngày nay. Mối giao thương này được hình thành từ thời ông bà nội là Hồ Phi Tiễn-Nguyễn Thị Đồng ở vùng Phú Lạc phía Nam sông Côn và cha là Nguyễn Phi Phúc (đã đổi sang họ mẹ) là những phú hào có nghề buôn trầu từ trước. Nguyễn Nhạc là người tiếp nối nghề nghiệp của cha ông và phát triển, mở rộng. Để phất cờ khởi nghĩa, ngoài việc chiêu tập người tài giỏi, Nguyễn Nhạc đặc biệt chú trọng đến việc “dân vận” thu phục được các bộ tộc miền núi ủng hộ mình. Những câu chuyện về việc ông kết giao với tù trưởng Bok Kiơm và kết hôn với người con gái Bahnar là Yă Đố đã thể hiện một ý chí lớn nhằm quyết tâm thực hiện lý tưởng dựng cơ đồ của nhà Tây Sơn. Bên cạnh đó, ông chọn một “sứ giả” là người em Nguyễn Lữ, còn có biệt hiệu thầy Tư Lữ, tính tình hòa nhã, học miên quyền và sử dụng kiếm pháp thuần thục, theo đạo Maní (còn gọi Minh giáo) để vừa đi chữa bệnh cho đồng bào miền núi vừa vận động họ giúp đỡ cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Việc thu phục lòng dân hướng về Tây Sơn có công rất lớn của Nguyễn Lữ. Phải nhìn nhận một cách khách quan là trước thời Nguyễn Nhạc, chưa có ai hoặc thế lực phong kiến nào có một mối giao hảo thân tình, sâu sắc, tạo nên một liên minh khá bền chặt với các bộ tộc bản địa vùng cao nguyên, trong đó có cả người Chăm ở vùng phía Nam Trung bộ.
Chúng ta nhận thấy, các di tích ở Tây Sơn Thượng đạo hiện tại còn những dấu ấn rất đậm nét về Nguyễn Nhạc, người mà các bộ tộc bấy giờ xem là “Vua Trời” và rất thần thánh hóa về ông. Chỉ riêng di tích Hòn đá ông Nhạc ở suối Chơ Ngao gần làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ ngày nay) đã minh chứng cho một giai đoạn mà người dân bản địa đã hết lòng giúp ông dựng cơ đồ nhà Tây Sơn. Nền nhà và Hồ nước, Kho tiền ở Đê Hlang có thể được hình thành ngay từ đầu khi ông có dự định chiêu tập binh mã và được người dân địa phương ra sức ủng hộ, bảo vệ các cơ sở này.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc phục hồi, trùng tu các di tích lịch sử ở Tây Sơn Thượng đạo cho xứng tầm với một thời đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc, cần vận động các nhà nghiên cứu đi sâu mở rộng tìm hiểu sâu về Nguyễn Nhạc với công cuộc “dân vận” trong buổi đầu cuộc khởi nghĩa. Với những tư liệu ít ỏi còn lại, chúng tôi cho rằng, có thể Nguyễn Nhạc là người mở đầu cho nền nông nghiệp lúa nước và lập vườn theo hình thức trang trại ở vùng Tây Sơn Thượng với di tích còn lại đến ngày nay là Cánh đồng Cô Hầu, Vườn cam, Vườn mít… ở Kbang với mục đích phục vụ “thực túc binh cường”; đồng thời ông là người có công đầu mở ra việc giao thương, buôn bán, lập chợ đầu mối (Chợ Gò) để giao dịch, trao đổi sản phẩm với người địa phương. Về lĩnh vực quân sự, có lẽ Nguyễn Nhạc là người đầu tiên dạy cho các binh sĩ là nghĩa quân các bộ tộc miền núi ở Tây Sơn Thượng biết được binh pháp, cách lập đồn lũy, phương pháp tấn công và phòng thủ trong chiến tranh thời phong kiến…
Nghiên cứu về Nguyễn Nhạc với Tây Sơn Thượng, chúng tôi tin là sẽ còn nhiều vấn đề lý thú cần đào sâu để rút ra nhiều bài học về lịch sử dân tộc...
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

(GLO)- Chiều 6-12, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Đảng ủy-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” nhằm trao tặng áo ấm cho thiếu nhi trên địa bàn xã.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.