(GLO)- Trên địa bàn xã Chư Jôr, huyện Chư Pah hiện có 5 cơ sở chế biến dong riềng đang ngày đêm hoạt động đã trực tiếp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Công nghệ sản xuất thô sơ, không đảm bảo về môi trường. Ảnh: Ngọc Thu |
Theo quan sát của chúng tôi, tại cơ sở chế biến tinh bột dong riềng của ông Nguyễn Ngọc Minh (thôn Ngô Sơn), củ dong riềng sau khi thu hoạch được rửa qua rồi nghiền nát, sau đó khuấy trộn với nước và tách tinh bột. Quy trình làm ra tinh bột đều được thực hiện bằng những máy móc thô sơ, đã cáu bẩn, lâu ngày thành từng lớp mảng bám nâu bóng, đen kít. Toàn bộ nước thải từ khâu rửa củ đến nước thải sau khi tách tinh bột đều được xả trực tiếp ra bãi đất phía sau cơ sở này. Bã dong riềng kết hợp cùng nước xả thải tạo thành mùi chua nồng, bốc mùi hôi khó chịu. Theo ông Nguyễn Ngọc Minh: “Trung bình cơ sở chế biến khoảng 40 tấn củ dong riềng/ngày, khoảng 8 tấn củ sẽ cho ra 1 tấn tinh bột. Sau 3 tháng mùa thu hoạch, cơ sở sản xuất khoảng 50 tấn tinh bột, tương đương gần 400 tấn củ dong tươi. Vì công nghệ đơn giản nên không thể xác định được có bao nhiêu nước thải thải ra trong một ngày. Nước thải này có tinh axit nên cây trồng nơi nước thải chảy ra sẽ không sống được, còn về con người thì làm đen móng chân, móng tay”.
Đối với các cơ sở chế biến dong riềng khác cũng tương tự, hầu hết các cơ sở này đều “vô tư” xả nước thả ra cánh đồng và con suối Ia Nâm, nơi cung cấp nước tưới cho vùng đồng ruộng của thôn Ngô Sơn. Chủ các cơ sở còn nhận thức “đơn giản” rằng việc xả nước thải như vậy sẽ không ảnh hưởng đến ai và cơ sở sạch sẽ không hôi thối. Còn đối với người dân sống xung quanh các cơ sở chế biến tinh bột dong riềng này, mùi hôi khó chịu thường ngày tại đây đã trở thành bình thường, như một quy luật cứ đến mùa thì phải chịu đựng.
Ông Đinh Văn Lợi-Phó Chủ tịch xã Chư Jôr thừa nhận: “Việc xả chất thải từ các cơ sở chế biến dong riềng đã gây ra các vấn đề ô nhiễm mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước và làm chết cây trồng nơi nước thải của các cơ sở chế biến tinh bột dong chảy qua. Chính quyền xã cũng nhiều lần kiểm tra nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở”.
Mặc dù năm nào cũng đi kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở chế biến dong riềng trên địa bàn cam kết bảo vệ môi trường, thế nhưng do chi phí đầu tư hệ thống máy móc hiện đại quá cao, các cơ sở chỉ sản xuất tự phát, không có khả năng để đầu tư. Thế nên, đến mùa thu hoạch thì chính quyền xã cũng đành chịu chung với dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đắc Thắng-Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pah cho biết: “Các cơ sở này hoạt động theo hình thức tự phát trong khoảng thời gian ngắn trong năm nên khó quản lý. Thời gian đến, Phòng sẽ phối hợp với chính quyền xã Chư Jôr đến kiểm tra, xác định mức độ gây ô nhiễm để có biện pháp xử lý”.
Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương và các cơ sở chế biến cần có sự phối hợp chặt chẽ, cam kết sớm tìm ra giải pháp xử lý nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước và cuộc sống của người dân.
Ngọc Thu