Người'xây tổ ấm'cho đàn cò cùng ước muốn ... 'đảo thiên đường các loài chim'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chưa đến 30 tuổi, ông Hiền đã mạnh dạn nhận khoán 4ha đất gần như hoang hóa ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) để làm nông nghiệp. Trên vùng đất này, ông đã “gọi” đàn cò, hạc, vạc… quay về trú ngụ sau hàng chục năm bặt tiếng chim kêu.
Người “xây tổ ấm” cho đàn cò
Người “xây tổ ấm” cho đàn cò
Đến “đảo cò” nằm trong lòng TP Thanh Hóa, có cảm giác như mọi ưu phiền, sự náo nhiệt của phố thị chỉ cách đó vài hàng cây xanh bỗng dưng biến mất. Sáng sớm, từng đàn cò trắng bay lên kín cả bầu trời tản về những cánh đồng xa kiếm ăn. Chúng đánh thức chủ nhân của đảo cò đều đặn như một sự đền ơn đáp nghĩa. Chiều tà, hàng chục nghìn con cò chao lượn trên bầu trời tạo thành những hình ảnh đẹp tựa tranh vẽ; bóng chúng in dưới mặt hồ cùng đàn cá bơi lặn tạo ra một không gian sinh thái thanh bình đến lạ. Lũ cò, hạc…dần lẫn vào những rặng tre gai, nơi ấy có tổ ấm được người đàn ông 22 năm nay bỏ tiền của, công sức để bảo vệ, săn sóc chúng như những đứa con ruột thịt.
Chuyện ông Nguyễn Trọng Hiền đi theo tiếng gọi của đàn cò dường như có tiền duyên định sẵn. Thuở nhỏ, ông được các bậc cao niên kể lại, vùng đầm Quai Vạc là nơi trú ngụ của rất nhiều loài cò, hạc, vạc và chim chóc khác. Thế nhưng, qua hai cuộc Kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nhất là khi Đế quốc Mỹ xây dựng sân bay Lai Thành (nằm cách đầm Quai Vạc bây giờ chừng 500 m) thì lũ cò vạc cũng biến mất. Tận trong sâu thẳm cậu bé Hiền lúc ấy đã nghĩ đến một ngày sẽ được chiêm ngưỡng từng đàn cò, vạc, chim chóc vãn về chao lượn trên bầu trời nơi chính mình sinh ra. Chính ông lúc đó đã có cảm giác tuổi thơ của mình quá nhiều thiệt thòi khi không được chứng kiến cảnh cái cò, cái vạc, cái nông… đã từng đi vào văn học thuở trước. Trên những cánh đồng bao la bát ngát của vùng đất thành phố Thanh Hóa lúc bấy giờ không còn cảnh những đàn cò bay lả rập rờn níu chân người đi đường. Ông muốn những người con của mình, thế hệ mai sau không chỉ được biết đến đàn cò qua những hoài niệm, hồi ức của người đi trước…
Năm 1996, lúc ấy mới 28 tuổi, ông mạnh dạn nhận 4 ha đất nông nghiệp một vụ không ăn chắc, trước hết để sản xuất nông nghiệp, sau đó thực hiện ý tưởng giúp những đàn cò “hồi hương”. Đây là vùng đất trước đây không được giao cho cá nhân quản lý nên nhiều lò gạch thủ công vùng phụ cận đã khai thác đất về đốt lò. Dần dần, khu vực này biến thành những vùng hoang, đầm lầy ít người qua lại. Cũng có người đã từng tưởng bở ăn đến đây nhận thầu khoán nhưng đều “rút lui” bởi không thể kiếm ra được cái ăn trên vùng đất cằn cỗi này. Vì vậy, quyết định của ông Hiền khiến vợ con, gia đình đứng ngồi không yên.
Đảo cò có 35.000 cá thể cò, hạc, vạc…
Đảo cò có 35.000 cá thể cò, hạc, vạc…
“Như người ta vẫn nói, khi đại bác lên tiếng thì rừng cũng bặt tiếng chim kêu. Nhưng chim có tổ, người có tông, tôi tin, nếu đất lành thì chim sẽ đậu, chúng sẽ hồi hương nếu có được nơi trú ngụ an toàn. Đó là lý do, là niềm tin khiến tôi quyết tâm xây dựng đảo cò được như ngày nay” – ông Hiền tâm sự.
Để phục vụ cái ăn trước mắt, ông Hiền cải tạo đất trồng lúa. Diện tích sâu trũng ông dùng sức người, sức máy múc thành hồ nuôi cá; lấy đất đắp một hòn đảo ngay giữa lòng hồ để trồng gỗ, cây ăn quả. Khi đã bước qua thời kỳ gian khó, khi kinh tế đã dần ổn định, ông Hiền không còn sản xuất nông nghiệp nữa mà dành phần lớn diện tích để bảo vệ nơi trú ngụ của đàn cò, nuôi cá và mở một nhà hàng nhỏ cách biệt với khu vực đảo cò.
Để gọi cò về ngày càng nhiều, ông Hiền còn trồng 0,7 ha tre gai nằm giữa 3 ha hồ thả cá. “Nhà” xây xong thì tháng 9/1999, lũ cò bắt đầu kéo về làm tổ. Lúc đầu lác đác vài con, dần dần chúng kéo về từng đàn. Chúng chao lượn trên không trung như thể thám thính rồi sà xuống trú ngụ. Số lượng mỗi lúc một đông, không chỉ cò mà còn có cả vạc, diệc, hạc, sáo sậu, cu gáy, chích chòe, chào mào, vành khuyên… với tổng số khoảng 35.000 con. Trong đó, hạc cổ trắng là loài chim nằm trong sách đỏ Việt Nam với số lượng ước chừng 5000 con; đàn cò khoảng 28.000 con… Ở đây, vào buổi chiều tà, người đi qua về lại có thể tận mắt chứng kiến những con hạc có sải cánh chừng 1 m chao lượn trên không trung, cảnh tượng tưởng chừng chỉ có ở những khu bảo tồn động vật hoang dã.
Xây được tổ ấm cho đàn cò đã khó nhưng níu chân chúng càng khó khăn hơn. Theo quy luật, tháng 9 hàng năm lũ cò từ đâu bay về đây trú ngụ làm tổ. Đến tháng 4 năm sau chúng di cư đến phương trời mới. Quy luật ấy năm nào cũng lặp lại từ gần 20 năm nay. Nhưng mỗi lần quay về, số lượng các loài chim ở đảo cò này lại tăng thêm. Nhiều lần chứng kiến cảnh các tay thợ săn vào vườn hoặc đứng ngoài khu vực đảo cò để dặt bẫy, bắn cò ông Hiền rất đau lòng. Có những người chỉ cần nhắc nhở nhẹ nhàng là họ bỏ đi. Tuy nhiên, không ít người tỏ thái độ khó chịu. Những trường hợp này, ông hiền nhất quyết không cho vào vườn. Nếu vẫn tiếp tục săn bắn cò ông Hiền báo ngay cho công an phường.
 
Những hình ảnh ấn tượng về đảo cò
Những hình ảnh ấn tượng về đảo cò
“Tôi thuê 5 người bảo vệ đàn cò cả ngày lẫn đêm nhưng nhiều lần vẫn phải báo công an đuổi các tay thợ săn đi. Tôi không hiểu vì sao con người lại tàn nhẫn với thiên nhiên hoang dã đến thế. Với tôi, chiều nào cũng ra vườn, phóng mắt lên những ngọn cây để chờ chúng về coi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc. Chúng chưa về tôi chưa thể yên tâm rời mắt. Mùa chúng di trú, tôi mong mỏi chúng quay trở về như mong mỏi những đứa con đoàn viên. Ước gì chúng cứ thế này mãi; cứ đi một, về hai thì chẳng bao lâu nữa, đảo cò sẽ trở thành thiên đường của những loài chim. Tôi chỉ mong muốn mình tiếp tục được bảo vệ đàn cò đến hơi thở cuối cùng. Khi tôi không còn khả năng nữa, tôi xin tình nguyện giao lại đảo cò, đàn cò cho thành phố, cho những ai tâm huyết, yêu thiên nhiên hoang dã” – ông Hiền trải lòng.
Dường như lũ cò cảm nhận được tình cảm thiêng liêng mà ông Hiền dành cho chúng. Vì thế, bất kỳ ai bước vào đảo cò, chúng đều đánh hơi rất nhanh mà nháo nhác gọi nhau bay lên bầu trời. Nhưng khi ông Hiền bước chân lên đảo, những chú cò đón ông như đón một người cha hiền đến thăm nhà, chúng vui vầy ríu rít bên tổ ấm của mình.
Một người bảo vệ vườn cò kể lại, ít ai dành tình yêu cho đàn cò nhiều hơn ông Hiền. Thông thường, mỗi ngày 2-3 bận, ông chèo thuyền lên đảo cò, đi bộ kiểm tra xem có người lạ đến đặt bẫy không. Nếu phát hiện con nào bị thương, ông Hiền không ngại khổ, luồn những rặng tre gai đem chúng về chữa trị, chăm sóc đến khi khỏe mới thả về tự nhiên. Nhiều lần, những người bảo vệ chứng kiến ông Hiền len vào giữa bụi tre gai chằng chịt gỡ những con cò còn dính nguyên bẫy bị gãy chân đem về rịt thuốc.
Do tốc độ đô thị hóa nhanh, khu vực đảo cò nay không còn hoang vắng như 15-20 năm về trước. Những ngôi nhà tầng của người dân đã mọc lên san sát với đảo cò. Những công trình xây dựng cũng được xây dựng kế bên. Thế nhưng, bên ngoài sầm uất, náo nhiệt bao nhiêu thì bên trong ông Hiền vẫn giữ cho đảo cò thanh tịnh, yên bình bấy nhiêu. Tuy nhiên, trước áp lực của cuộc sống, nguy cơ nguồn nước thải sinh hoạt xả ra hồ gây ô nhiễm ngày một tăng. Ông Hiền nhiều lần trao đổi với người dân khu vực lân cận không xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Tuy không tránh khỏi việc xả thải nhưng nhờ thả nhiều bèo tây trên mặt hồ, tình trạng ô nhiễm không đến mức báo động. Đảo cò vẫn là một không gian riêng tư của lũ cò, vạc, hạc…
Võ Văn Dũng (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.