Người Việt mưu sinh ở xứ Chùa Vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vì mưu sinh, không ít người Việt phải lăn lộn khắp các vùng miền, vượt ra khỏi ranh giới lãnh thổ để tìm kế sinh nhai. Dẫu vậy, dù ở đâu, cuộc sống vất vả hay ấm êm họ vẫn luôn nhớ về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn...

Nặng nợ… gánh hàng rong

 

Khách du lịch xếp hàng dài vào thưởng thức món ăn đường phố.
Khách du lịch xếp hàng dài vào thưởng thức món ăn đường phố.

Lang thang trên những con đường sầm uất nhất ở Bangkok, chúng tôi không khỏi xao lòng, bồi hồi khi bắt gặp rất nhiều người Việt mưu sinh trên những con đường nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Một trong số đó là khu Khao San, tụ điểm của rất nhiều dân phượt, Tây balô từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Nếu Hà Nội có phố Tạ Hiện, Sài Gòn có đường Bùi Viện thì Bangkok có Khao San. Nhưng Khao San “tưng bừng” hơn cả. Có thể nói, nơi đây dân bụi quốc tế mới thỏa mãn cảm giác bờ bụi theo đúng nghĩa đen của cụm từ này. Họ có thể sống hàng tuần, thậm chí hàng tháng ở đây mà không chán. Thú vị nhất là không phải ngại ngùng khi “quậy” tới bến suốt đêm với các màn ăn chơi hút xác (shisha - PV) ở khu phố nhộn nhịp bậc nhất Bangkok này.

Tờ mờ sáng đến lúc thủ đô Bangkok rực rỡ ánh đèn, đó là thời gian các cư dân Việt tất tả, bươn bả kiếm sống qua những xe hàng rong ở các khu phố du lịch. Hình ảnh này khác biệt hoàn toàn so với các khu phố Tây ở Việt Nam chỉ là toàn người bản xứ buôn bán. Lạc chân vào khu Pratunam, Khao San, các con đường gần Trung tâm thương mại Central World…“thủ phủ” của những quán ăn đường phố và muôn vàn xe bán hàng rong mới cảm nhận hết được sự sầm uất của xứ Chùa Vàng. “Tiểu thương” đường phố khu vực này gồm đủ thành phần, người Thái có, người Việt có, và có rất nhiều người Thái gốc Việt.

Trên hè phố của thủ đô mệnh danh…du lịch, trò chuyện với chị Tha (33 tuổi, người tỉnh Quảng Nam, lấy chồng người Thái và định cư đất Bangkok gần 10 năm qua) mới rõ những người Việt bán hàng rong ở đây đa phần là dân miền Trung đầy nắng gió, ai nấy đều chịu thương chịu khó. Vì miếng cơm, manh áo họ cực chẳng đã rời xa quê nhà.

Chị Mỹ Liên (47 tuổi, quê Hà Tĩnh) qua Thái bán trái cây đã hơn 15 năm. Hỏi về lý do chọn đất Thái mà không phải nơi nào khác ở Việt Nam để “lăn lộn” mưu sinh, kiếm sống, chị Liên cho biết: “Trước đây, tôi cũng làm thuê, làm mướn ở Sài Gòn. Khi làm việc ở đó, tôi có gặp vài người đã đi Thái bán hàng. Người ta kể là đi Thái bán hàng rong kiếm nhiều tiền nên tôi theo họ sang đây. Thời gian đầu tôi rửa chén bát thuê cho các nhà hàng của các ông chủ người Việt, sau đó thì người Thái chỉ bảo là tôi theo họ bán hàng rong đến giờ. Mỗi ngày bán khoảng 100 kg sầu riêng, tiền lời khoảng 500 ngàn đồng”.

Còn anh Hoàng Tuấn (37 tuổi, quê Nghệ An) có “thâm niên” hơn 9 năm bán hủ tiếu, mì tại khu này cho biết: “Sau khi biết chút ít về ngôn ngữ và chọn một mặt hàng để đi bán rong, những ai khỏe, bán giỏi thì sắm hẳn một chiếc xe đẩy bộ hay xe đẩy được gắn mô tơ. Còn những người bán kem thường, xe bán hàng được ông chủ, bà chủ cung cấp”.

Tại một quán cơm gần một bệnh viện chuyển đổi giới tính, thủ đô Bangkok, chúng tôi gặp Luyến (24 tuổi, quê ở An Giang) làm phục vụ tại một quán cơm, hủ tiếu. Luyến tiết lộ, dù gặp rất nhiều khó khăn khi mưu sinh trên đất Thái, nhưng người Việt ở đây vẫn chọn nghề, bởi vì ở đây có thu nhập rất tốt. Mỗi tháng chi phí xong xuôi Luyến dư khoảng 14 triệu tiền Việt.

Bôn ba xứ người

 

Mặc dù mưu sinh ở xứ người gặp nhiều khó khăn, nhưng họ cũng đủ đồng ra đồng vào…để gửi về quê nhà.
Mặc dù mưu sinh ở xứ người gặp nhiều khó khăn, nhưng họ cũng đủ đồng ra đồng vào…để gửi về quê nhà.

Ghé khu Silom - khu buôn bán bình thường vào ban ngày, nhưng đêm về, nơi đây trở thành thiên đường mua sắm, giải trí với hàng trăm cửa hàng buôn bán đồ lưu niệm, phụ kiện trang sức và hàng rong tràn lan hai bên đường. Người Việt bán hàng rong ở khu vực này gồm: Hủ tiếu, mì, thịt nướng, các loại bánh bột chiên, nước trái cây ướp lạnh, kem dừa, nước giải khát… Đây là những món hàng mà người Thái… “chê” không bán, nên hàng rong người Việt ở đây cũng “dễ thở”, buôn bán thuận lợi, ít bị cạnh tranh.

Đó cũng là cơ hội để người Việt kiếm được miếng ăn, dành dụm để gửi tiền về gia đình nơi quê nhà, dù phải trải qua bao cơ cực, nhọc nhằn. Khó có thể đưa ra con số thống kê lượng người Việt buôn bán, làm ăn ở đất Thái hay sinh sống ở Bangkok là bao nhiêu? Nhưng điều mà chúng tôi rõ là “đội quân” hàng rong người Việt ở Bangkok như chủ yếu là nông dân ở vùng Bắc Trung bộ và miền Tây như: An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh…

5 năm trước, vợ chồng chị Lành (45 tuổi, quê Tây Ninh), nghỉ làm công nhân giày da ở khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) theo chân đồng hương qua Thái Lan tìm kế sinh nhai. Việc không thành, “hẻo” vốn, tiếng Thái lõm bõm vài ba câu, nên hai vợ chồng quyết định “vét túi”, “tậu” một chiếc xe đẩy để đi bán trái cây ướp lạnh.

Khi chúng tôi hỏi về sự đối xử của người dân sở tại với “người Việt mình”, chị Lành toét miệng cười, xởi lởi: “Người ta tình cảm lắm, rất thương người Việt mình. Ngày tui mới qua thuê nhà trọ, hàng xóm qua giúp “một tay” liền, còn tặng thêm một số vật dụng trong nhà. Nhưng đặc biệt, người Thái rất ghét sự dối trá, chụp giựt. Thấy người nào có vẻ gian dối, không thật thà thì người ta “xù” ngay, không “chơi” nữa thì coi như mình… hết đất sống”.

La cà nơi đất Thái, chúng tôi hỏi chuyện những người Việt bán hàng rong rằng, việc cư trú trên đất bạn có khó khăn không? Những người được tiếp cận đều bày tỏ: “Nói chung sang đây thì nhờ đất nước Thái, chính quyền họ rất thông cảm cho người nghèo. Mình mưu sinh bình thường, miễn đừng vi phạm luật định của họ là được”, chị Lành nói.

Luôn nhớ một tiếng… quê

Trò chuyện với chúng tôi, người Việt mưu sinh ở xứ Chùa Vàng đều chia sẻ rằng, khi nào họ tiết kiệm được một số tiền lớn thì sẽ về quê, chứ về quê không có việc, không có tiền thì còn khổ hơn. Sau bao gian khó để đến được đất Thái, họ tất tả tìm kế mưu sinh bằng đủ thứ nghề để trang trải cuộc sống bản thân và có tiền gửi về quê nhà.

Anh Hiếu (47 tuổi, quê Tiền Giang, 10 năm sống ở Thái) nói: “Những loại công việc mà nhiều đồng hương mình đang lao động bằng tay chân có khoảng 60% làm nghề may, 40% còn lại đi bán quán, bán hàng rong, còn 10% đi làm việc nhà. Phục vụ ở quán thì thường là con gái và thanh niên tuổi, bởi họ còn trẻ và nhanh nhẹn. Thị trường may mặc, bán quần áo ở Thái rất phong phú và đa dạng, nên họ cũng cần lao động nên dân Việt mình qua đây cũng có đất sống”.

 

Ở các khu phố du lịch trong nước, người bán hàng rong hầu hết là người bản địa. Cũng là hàng rong, nhưng ở xứ Chùa Vàng gồm đủ thành phần, người Thái có, người Việt có, người Campuchia và các nước trong khu vực Đông Nam Á đều có đủ.

Linh (32 tuổi, quê Tiền Giang) cho biết, cô sang Thái được 5 năm, lúc đầu đi may quần áo, ăn uống xong mỗi tháng còn dư khoảng 10 triệu đồng. Nhưng sau chị gái làm ở nhà hàng rủ qua nên Linh chuyển sang làm cùng với chị. “Làm nhà hàng mình di chuyển qua lại, có cảm giác thoải mái hơn, thu nhập cao hơn. Còn làm may phần lớn thời gian ngồi một chỗ. Phụ nữ mà, ai chẳng thích cái đẹp. Ăn no, ngồi nhiều… bụng phệ”, Linh hóm hỉnh nói.

Giã từ với đồng hương, kiều bào Việt trên đất Thái khiến chúng tôi chợt cứ day dứt nỗi niềm, người Việt mình, dù đi đâu cũng cần cù chịu thương chịu khó, chắt chiu dành dụm để gửi về lo cho gia đình, người thân. Thế nên, trong sự phát triển của đất nước hôm nay, chúng ta không thể không nhắc đến họ, những cư dân Việt mưu sinh nhọc nhằn nơi xa xứ!

Đình Đình/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.