(GLO)- Khác với mọi năm, dịp trước và sau Tết, giá rau xanh thường tăng vọt và đem về cho người nông dân khoản thu không nhỏ để trang trải cuộc sống và lo lắng Tết nhất. Thế nhưng năm nay, điều đó hoàn toàn ngược lại, thậm chí nhiều nhà vườn chịu cảnh lỗ nặng vì giá rau quá thấp.
An Phú là một trong những vựa rau màu chính cung cấp cho TP. Pleiku và các huyện lân cận. Ngoài ra, nhờ giao thương đi lại thuận lợi, sản phẩm rau xanh của nông dân An Phú còn vươn đi tới các tỉnh thành khác.
Vất vả một nắng hai sương song nhà vườn trồng rau An Phú lại không được đón một mùa Tết như ý. Ảnh: Hải Lê |
Các mùa Tết trước, An Phú luôn bận rộn mỗi dịp Tết nhất. Trước Tết, cảnh mua bán tập nập bởi nhu cầu tiêu dùng trong Tết tăng cao. Sau Tết, khi rau màu cơ bản đã “cạn nguồn” do ai cũng chăm chăm lo bán trong Tết, rau màu nhờ thế cũng có giá hơn ngày thường. Đây cũng là cơ hội cho những nhà vườn kiếm tiền chính trong năm.
Tuy nhiên năm nay, kinh tế khó khăn, sức mua của người dân giảm đáng kể và giá cả bình ổn, không tạo áp lực nên nguồn cung nên nhiều nhà vườn trồng rau không khỏi điêu đứng vì giá quá thấp, rau không bán được, thậm chí có nhà vườn, tiền bán rau không đủ tiền… mua giống. Trong tình cảnh khó khăn chung hiện nay, thực tế đó càng thêm chất chồng khó khăn lên đôi vai người nông dân An Phú.
An Phú là vựa rau màu chủ yếu cung cấp cho TP. Pleiku và các huyện lân cận. Ảnh: Hải Lê |
Lỗ nặng nhất phải kể đến những nhà vườn trồng hành. Hộ gia đình ông Võ Văn Minh (thôn 3-xã An Phú-TP. Pleiku) trồng 1,6 sào hành lá. Tính riêng tiền giống hành ông Minh đã mất gần 30 triệu đồng (68.000 đồng/kg hành giống). Khi thu hoạch, chừng ấy diện tích hành ông thu được khoảng 6 tấn hành lá. Với mức giá 5.000 đồng/kg, số tiền thu về chỉ vẻn vẹn đủ tiền giống, coi như lỗ khoản công, phân bón, chi phí chăm sóc khác. “Nhà tôi may mắn bán sớm mới được giá ấy, bây giờ hành chỉ còn 2.000 đồng/kg, tiền bán hành không đủ trả tiền thuê nhân công thu hoạch, khối nhà bỏ mặc ngoài ruộng, không buồn thu”- ông Minh cho biết.
Hộ ông Nguyễn Văn Vinh (thôn 9-xã An Phú-TP. Pleiku) cũng trồng 2 tạ hành củ, hết gần 14 triệu tiền giống. Trước Tết ông Vinh thu hoạch được hơn 3 tấn hành, giá bán 4.000 đồng/kg. Tính qua tính lại, tiền bán hành lá vẫn… chưa đủ tiền mua giống.
Nhờ có gần 4 sào dưa leo và đậu cô-ve, Tết này nhà ông Minh bớt chật vật... Ảnh: Hải Lê |
Tuy nhiên, hộ ông Minh, ông Vinh vẫn còn may mắn vì hành được thu vào thời điểm trước Tết khoảng nửa tháng. Nhiều hộ cận Tết không tìm được mối bán hành lá vì giá quá rẻ, nguồn cung nhiều… đành bỏ hành quá lứa ngoài đồng. “Giá 4.000-5.000 còn lỗ huống hồ qua Mùng 2 Tết giảm chỉ còn 2.000 đồng/kg. Các vụ hành trước thường bán được 8.000-9.000 đồng/kg, trồng hành có lãi khá lắm nên người ta đua nhau làm, giờ thì lỗ”- anh Vinh cho biết thêm.
Không chỉ người trồng hành mà hầu hết các loại rau khác cũng lâm vào cảnh khó bán, giá thấp như vậy. “Nhà tôi trồng 1,5 sào cải ngọt, thu được 3 tấn cải mà bán giá chỉ được 600 đồng/kg. Mấy năm rồi chưa bao giờ giá rau xuống thấp như vậy, mọi khi có giảm mạnh lắm cũng được 1.000-2.000/kg”- anh Vinh than.
Tình cảnh cũng không khá khẩm hơn với một số nhà vườn trồng bắp cải. Hộ anh Nguyễn Duy Tâm (thôn 3-xã An Phú-TP. Pleiku) trồng 1 sào bắp cải, thu được chừng 5 tấn và bán suốt từ 27 Tết đến nay. “Bắp cải trồng nhiều quá, giá còn 1.000 đồng/kg. Ngày thường trước có tệ lắm cũng phải được 3.000-4.000/kg, nay giá Tết mà vẫn thấp vậy, vụ này trồng không có lời”- anh Tâm, chia sẻ.
Ruộng hành lá đẹp ngút mắt nhưng vụ Tết vừa rồi không đem lại nguồn lợi cho người nông dân. Ảnh: Hải Lê |
Vụ Tết vừa rồi chỉ có các nhà vườn trồng dưa leo và đậu cô-ve là có đồng lời lãi nhờ giá cả khá cao. “Nhà tôi may mắn có gần 4 sào dưa leo và đậu cô-ve gỡ gạc lại, không thì Tết này vất vả lắm”- ông Võ Văn Minh (thôn 3-xã An Phú), cho biết thêm.
Tình cảnh khó khăn như hiện nay của nhà vườn trồng rau dĩ nhiên là bởi chịu tác động của điều kiện khó khăn chung. Tuy nhiên, cũng một phần bởi tâm lý trồng theo phong trào, thấy cây gì có hiệu quả là ồ ạt đua nhau làm, dẫn đến cung vượt quá cầu, giá bị ép xuống thấp để rồi chịu lỗ như trồng hành lá là một ví dụ. Để giải quyết “bài ca muôn thửa” đó của nhà nông, chắc chắn cần có sự phối hợp hài hòa và nhịp nhàng hơn nữa từ hai phía: chính quyền, ngành chức năng địa phương và người nông dân.
Hải Lê