(GLO)- Ba lần được gặp Bác Hồ, là thầy giáo trực tiếp hướng dẫn học văn hóa cho 6 vị tướng như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Phạm Kiệt, Trung tướng Lê Quang Đạo và Trung tướng Phạm Ngọc Mậu… thầy giáo Doãn Mậu Hòe xem đây là những vinh dự mà không mấy ai có được.
Nối dài những giấc mơ…
80 tuổi, thầy giáo Doãn Mậu Hòe (trú quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) vẫn đảm nhận nhiệm vụ gắn bó với công tác giáo dục-sự nghiệp mà gần như gắn bó với ông suốt cả cuộc đời, mang lại cho ông nhiều hạnh phúc và cả niềm vinh dự, tự hào không dễ gì chia sẻ. Là Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ngũ Hành Sơn, rồi Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Đà Nẵng, ông Hòe luôn tâm niệm nhiệm vụ của Hội Khuyến học và Hội Cựu giáo chức vừa là người bạn đồng hành, vừa là cánh tay nối dài của ngành Giáo dục-Đào tạo, cùng nhau vươn tới từng cơ sở để hỗ trợ cho số học sinh (HS) mồ côi nghèo và HS nghèo được tiếp tục học hết bậc THPT.
Thầy giáo Doãn Mậu Hòe. Ảnh: Hà An |
Từ năm 2005, thầy Hòe đã nhận bảo trợ dài hạn cho hai HS mồ côi nghèo với mức bảo trợ 600.000 đồng/năm/HS. Cuối năm học 2008-2009, hai em này đã học hết THPT. Chính thầy Hòe là người đề xuất ý tưởng thành lập Quỹ Khuyến học và Giải thưởng khuyến tài mang tên nhà trí thức cách mạng Lê Văn Hiến, góp phần bảo trợ dài hạn cho 111 HS mồ côi nghèo, cấp học bổng cho 145 HS nghèo học giỏi…, kịp thời khen thưởng cho hàng trăm HS có nhiều nỗ lực trong học tập và rèn luyện.
“Tôi vẫn tâm niệm lời dặn dò của Bác trong buổi đến thăm, nói chuyện với cán bộ, giáo viên và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lúc đó, Bác nói: Có ba hạng người luôn được mang ơn và kính trọng. Một là các thầy-cô giáo dạy con em mình học, hai là thầy thuốc chữa bệnh cho gia đình mình và nhân dân, thứ ba là người cho mình mượn tiền gạo lúc khó khăn túng thiếu. Từ trong tâm niệm về lời dạy của Bác gần 50 năm qua, tôi vẫn luôn ý thức rằng, mình phải đến tận nơi, tìm hiểu về các trường hợp khó khăn để kịp thời hỗ trợ, động viên các em, các cháu được đến trường, phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Làm như thế không phải để được mang ơn, mà chính là để góp phần tạo bệ phóng cho thế hệ sau vươn lên tốt hơn” - ông Doãn Mậu Hòe tâm sự.
Số tiền nhận được từ những suất học bổng có thể chưa phải là nhiều về giá trị vật chất, nhưng đã có tác dụng giúp các em cùng gia đình vượt qua được “cơn ngặt” của cuộc mưu sinh, nhen lên trong các em niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp ở đời để vững vàng đi tiếp trong cuộc hành trình chữ nghĩa.
Tình đồng chí, nghĩa thầy trò
Quê ở Quế Phong (Quế Sơn, Quảng Nam), 17 tuổi, chuẩn bị học lên tú tài thì chàng thanh niên Doãn Mậu Hòe thoát ly lên núi, trở thành người chiến sĩ cầm súng chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Năm 1954, ông Hòe tập kết ra Bắc, công tác ở Trung đoàn 108 Sư đoàn 305 rồi được Tổng cục Chính trị điều động đi học lớp bồi dưỡng giáo viên trợ lý văn hóa. Trong suốt chặng đường 47 năm công tác trong quân đội, có đến 34 năm, ông Hòe trực tiếp giảng dạy và làm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Trường Nguyễn Văn Trỗi-Bộ Quốc phòng, Trường Văn hóa khu Tả Ngạn, Trường Văn hóa Quân khu 5, Trường Quân sự Quân khu 5, tính ra, đã góp phần giáo dục văn hóa cấp III cho hơn 20.000 học viên từ binh nhì đến cấp tướng để đi học đào tạo và bổ túc tại các trường, học viện quân đội.
“Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tôi về lại Tổng cục Chính trị làm trợ lý văn hóa Tổng cục, trực tiếp hướng dẫn cho 6 tướng lĩnh là thủ trưởng cơ quan Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng Tham mưu học văn hóa, đồng thời tham gia dạy môn Vật lý, Hóa học cho các lớp bổ túc văn hóa tại chức cấp II, III (hệ 10 năm) cho cán bộ của cơ quan Tổng cục Chính trị” - ông Hòe tự hào kể. “Tôi và một giáo viên Toán cấp III trực tiếp hướng dẫn cho 6 vị tướng học văn hóa tại nhà riêng. Tôi trực tiếp hướng dẫn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh học môn Toán, Lý, Hóa cấp II. Thiếu tướng Phạm Kiệt học môn Văn, Toán cấp I. Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo và Trung tướng Phạm Ngọc Mậu học môn Hóa, Lý cấp III. Tùy tình hình cụ thể, tôi xếp lịch học trong tuần vừa đảm bảo công tác chung, vừa có thời gian học và làm bài của các thủ trưởng”.
Hỏi chuyện ông về cảm giác khi được phân công “dạy học” cho các vị tướng, có thấy chút nào áp lực không, ông Hòe cười nhẹ nhàng: “Mình hiểu là tâm lý của các vị tướng là chỉ muốn người dạy không quá trẻ và phải chững chạc. Cũng không quá nặng nề bởi mình nghĩ, công việc của mình chủ yếu là mang tính hướng dẫn, chỗ nào các vị không nhớ thì chịu khó giảng lại, nhắc đi nhắc lại kiến thức thôi. Mình chọn phương pháp và cách thức, nội dung giảng dạy sao cho cô đọng, ngắn gọn, bài tập cũng phải là những dạng bài mang tính phổ biến”.
Đến bây giờ, khi nhắc lại những ngày tháng ấy, người thầy giáo già vẫn còn nguyên sự cảm phục và xúc động về tinh thần, thái độ học tập và làm bài, trả bài nghiêm túc của các vị “tướng già” - theo cách gọi thân mật của ông. Thầy Hòe kể: “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề xuất ý kiến: “Giáo viên cứ gọi chúng tôi là anh, chúng tôi gọi giáo viên là thầy”. Có lần Thiếu tướng Phạm Kiệt nói với tôi rất chân tình: “Đề nghị thầy Hòe dạy tôi, đừng phân công cô giáo dạy vì trước đây tôi bị Pháp bắt, tù đày, đánh đập, bây giờ ảnh hưởng đến trí não, nói trước quên sau, nếu các cô giáo dạy khi hỏi bài, mình không trả lời được, xấu hổ lắm”. Ngày Hiến chương các nhà giáo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Thượng tướng Song Hào còn tổ chức một bữa cơm thân mật để mời thầy giáo rồi đưa thầy về tận doanh trại đơn vị. “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người sống rất tình cảm. Năm 1963, tôi được điều động đi B. Có một lần, tôi từ chiến trường khu 4 ra Hà Nội công tác, Đại tướng biết được, bảo thầy giáo nán lại để cùng đi chùa Thầy. Không ngờ, đó là lần gặp cuối cùng giữa chúng tôi. Khi tôi đang trên đường quay trở vào thì nghe tin Đại tướng đã từ trần”.
Hà An