Cha đẻ của giống chè LĐ97
Năm 1993, khi đang làm Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Nông trường Chè Minh Rồng (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), TS Phạm S nhận thấy bộ giống chè Lâm Đồng lúc bấy giờ ít đa dạng, năng suất thấp, chỉ khoảng 5 tấn/ha. Từ đó, ông luôn quan tâm đến việc bình tuyển cây đầu dòng.
Dù làm quản lý, song ông dành nhiều thời gian ra đồng ruộng nghiên cứu các cá thể chè đột biến tự nhiên. Hơn nữa, chè của nông trường là một trong những vùng chè trồng từ hạt lâu đời nhất tại tỉnh Lâm Đồng (từ năm 1942) có diện tích khoảng 450ha nên khá thuận lợi trong quá trình nghiên cứu.
“5 năm từ lúc xác định cá thể tốt, tôi tiến hành nhân giống vô tính và trồng khảo nghiệm xác định giống, hoàn toàn bằng kinh phí cá nhân và dành thời gian ngày nghỉ để nghiên cứu về giống chè này”, TS Phạm S nhớ lại. Sau nhiều năm trăn trở, ông đã chọn ra giống chè LĐ97 (Lâm Đồng công bố năm 1997) có nhiều ưu điểm vượt trội về chất lượng và năng suất đạt 20 tấn/ha, cao hơn năng suất trung bình gấp 4 lần, trở thành bước đột phá đối với ngành chè Việt Nam.
“Qua chuỗi thời gian nghiên cứu khoa học, chúng tôi xác định giống LĐ97 là giống chè nghiên cứu được chọn lọc cá thể cho năng suất từ 20-22 tấn/ha, chất lượng tốt. Đây là giống chè có nhiều mao trên tôm và lá non nhất trong tất cả các giống chè hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới. Do đó, giá chè nguyên liệu LĐ97 bao giờ cũng cao hơn các giống chè cao sản khác từ 20%-25%”, TS Phạm S chia sẻ.
TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội nghị kết nối giao thương ngành chè Lâm Đồng - Quảng Đông (Trung Quốc) vừa diễn ra tại TP Bảo Lộc |
Giống chè LĐ97 hoàn toàn được chọn tạo từ nguồn gien ở tỉnh Lâm Đồng, sau khi được công nhận bản quyền và sản xuất đại trà, giống chè LĐ97 không chỉ phát triển mở rộng sản xuất hàng ngàn hecta ở tỉnh Lâm Đồng mà còn phát triển ở các tỉnh Gia Lai, Quảng Nam, Nghệ An, Tuyên Quang, Phú Thọ… Đồng thời, giống LĐ97 là giống chè được nhiều doanh nghiệp ở Lâm Đồng đầu tư sản xuất kinh doanh, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn một số giống chè khác cũng như được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Quảng bá chè kết hợp với hợp tác quốc tế
Sản phẩm chè LĐ97 từ khi ra đời đã liên tiếp gặt hái được những thành công khi đoạt Huy chương vàng Hội thi Chất lượng sản phẩm Chè Việt Nam năm 2003, sản phẩm chè hương LĐ97 của doanh nghiệp chè Làn Hương Bảo Lộc đoạt Huy chương vàng tại Triển lãm Chè Việt Nam năm 2008…
Nguyên liệu từ cây chè LĐ97 có thể làm ra nhiều sản phẩm nhất trong các giống chè ở Việt Nam và trên thế giới, như: chè xanh (lục trà), chè trắng (bạch trà), chè đen (huyền trà), chè đỏ (hồng trà), chè vàng (hoàng trà), chè hương (hoa trà), chè phổ nhĩ và nước giải khát chè (trà ẩm liệu).
Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng luôn đầu tư công tác chuyển đổi giống chè, tỷ lệ chè giống mới hàng năm chiếm 100% diện tích chè chuyển đổi toàn tỉnh. Cơ cấu giống chè đa dạng với các tỷ lệ chè cành cao sản LĐ97, TB14 (gần 60%), chè chất lượng cao Kim Tuyên, Tứ Quý, Ô Long, Ngọc Thúy (gần 13%); chè hạt (hơn 27%).
Lâm Đồng là một trong số ít địa phương có năng suất và sản lượng chè cao nhất cả nước, chiếm 25% về diện tích và 27% về sản lượng. Đến năm 2022 toàn tỉnh có diện tích chè trên 11.000ha, năng suất bình quân gần 15 tấn/ha, sản lượng 164.143 tấn.
Các cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng được trải đều, gần 120 doanh nghiệp chế biến chè với công suất khoảng 27.000 tấn/năm và 90 cơ sở chế biến chè với quy mô 17.000 tấn/năm, tập trung tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và Lâm Hà. Trong số này, có 18 doanh nghiệp được cấp chứng nhận HACCP, ISO, Halal về áp dụng đồng bộ các quy trình quản lý chất lượng trong chế biến chè, 11 chuỗi liên kết với 338 hộ sản xuất 818ha chè, đạt sản lượng trên 9.000 tấn/năm.
Với niềm đam mê cống hiến khoa học phục vụ sản xuất và đời sống, tại Hội chợ triển lãm Chè quốc tế Trung Quốc (Tea Expo), một sự kiện lớn của ngành chè thế giới vừa diễn ra, TS Phạm S được ban tổ chức đề cử và trao chứng nhận “Nhà khoa học có đóng góp kiệt xuất cho ngành chè thế giới”. Đây là sự ghi nhận công lao cống hiến của TS Phạm S với ngành chè Việt Nam và thế giới.
TS Phạm S cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tập trung phát triển giống chè, đẩy mạnh sản xuất chè hữu cơ, canh tác tuần hoàn, tổ chức nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã; đồng thời tiếp tục quảng bá sản phẩm chè địa phương thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, giao thương kết hợp với hợp tác quốc tế.
TS Phạm S sinh năm 1966 là tiến sĩ nông học, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ Chè Việt Nam. Trong suốt quá trình công tác, TS Phạm S luôn dành nhiều thời gian nghiên cứu về cây chè, đã công bố hàng chục bài báo khoa học, tham gia nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, là tác giả của 5 cuốn sách về chè, trực tiếp hướng dẫn và tham gia hướng dẫn đề tài/luận án cho hàng chục sinh viên và học viên cao học.
Các kết quả nghiên cứu của TS Phạm S được chuyển giao sản xuất và thực hiện dự án quốc tế do Ngân hàng Thế giới tài trợ ngành chè Việt Nam năm 2002-2004. Trong quá trình công tác, ông luôn định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung và ngành chè nói riêng.