Người phụ nữ mang nhiều tỉ đồng đi từ thiện 'chừng nào tắt thở mới thôi'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 10 năm qua, bà Trần Thị Mười (Việt kiều Mỹ) đã mang hàng chục tỉ đồng, đến rất nhiều xã khó khăn của đất nước, để giúp đỡ người nghèo. Người phụ nữ này cho biết sẽ đi từ thiện 'chừng nào tắt thở mới thôi'.

Hành trình vượt khó vươn lên

Bà Trần Thị Mười hiện định cư tại Mỹ, là chủ 6 công ty ở Mỹ và Công ty Kanvielife tại Việt Nam. Ít ai biết bà có một cuộc đời đầy sóng gió, để có cơ duyên gắn bó với hoạt động thiện nguyện.

Bà Mười chia sẻ, bà sinh ra ở xã Phổ Quang (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) trong một gia đình rất khó khăn, ba làm nghề đi biển, mẹ làm nông, lại có tới 13 người con. Bà là con thứ 10 nên có cái tên Trần Thị Mười. Ngoài ra, 3 người em của bà còn được đặt những cái tên rất "độc" như: Dư, Thừa, Thãi.

Bà Trần Thị Mười và những trẻ em nghèo

Bà Trần Thị Mười và những trẻ em nghèo

"Do hoàn cảnh quá khó khăn nên khi được khoảng 6 tuổi, ba tôi đã dẫn cả gia đình vượt biển ra nước ngoài mưu sinh. Lúc đầu, tôi đến Philippines và được gửi vào cô nhi viện cho ăn học", bà Mười nhớ lại.

Năm 11 tuổi, bà được đưa sang Mỹ và bắt đầu hành trình vừa học, vừa mưu sinh, với đủ các thứ nghề như: đánh giày, giúp việc, bán đồ ăn nhanh, bán xăng, làm y tá trong bệnh viện… "Tôi có 8 tháng làm công việc chăm sóc người già theo ca, từ 1 giờ cho đến sáng và lại vội vã trở về nhà thay đồ đi học. Có ngày tôi chỉ ngủ khoảng 30 phút", bà Mười kể.

Nhưng chính quá trình mưu sinh này đã giúp bà có bước ngoặt trong cuộc đời mình. Đó là vào một ngày, bà đột nhiên được luật sư mang đến giao cho một văn bản nhận thừa kế 14.000 USD. Hóa ra, một người bệnh do bà chăm sóc đã qua đời, cảm kích trước sự chăm chỉ và tận tâm của bà Mười, nên đã giao quyền thừa kế số tiền này cho bà.

Bà Trần Thị Mười (thứ tư từ phải qua) đến thăm hỏi, tặng quà những người khó khăn mỗi khi có dịp về Việt Nam

Bà Trần Thị Mười (thứ tư từ phải qua) đến thăm hỏi, tặng quà những người khó khăn mỗi khi có dịp về Việt Nam

Nhận được tiền, bà đưa cho ba mẹ một phần để nuôi 3 đứa em Dư, Thừa, Thãi, số còn lại bà làm vốn, quyết tâm làm giàu với suy nghĩ: "Đây là tiền được giúp đỡ, nên sau này mình sẽ giúp đỡ những người khó khăn như mình".

Rồi bà mua một mảnh đất ruộng. Sau 9 năm, khu đất của bà đã được một doanh nghiệp mua lại để làm chuỗi cây xăng với trị giá 1,7 triệu USD. Với số tiền này, bà tiếp tục mua đất, mua nhà cho thuê và đổi đời từ đó.

Sau khi lập gia đình với một người cùng quê, cùng cảnh ngộ là ông Ngô Thành Thuận (bà quen năm 13 tuổi khi cùng mưu sinh ở Philippines), bà bắt đầu mở các công ty kinh doanh về các lĩnh vực như: vé máy bay, xây dựng, bất động sản, vệ sinh môi trường, gara ô tô, máy lọc nước…

Thương người nghèo

Chia sẻ về hành trình làm thiện nguyện, bà Mười cho biết, năm 2000, khi về thăm Việt Nam, bà đã nhờ bạn cùng quê là ông Hoàng Văn Tuấn (trú tại xã Ninh Sim, TX.Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đưa đi thăm lại miền quê nơi bà đã sinh ra và lớn lên.

Bà Trần Thị Mười luôn dành tình thương yêu cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Bà Trần Thị Mười luôn dành tình thương yêu cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Đến thôn Chấp Lễ (xã Ninh Thân, TX.Ninh Hòa), một vùng sâu, vùng xa của huyện, bà thấy một nhóm trẻ đang nghịch bùn đất. Bà hỏi tại sao không đi học, mới biết chúng không có trường để học. Bà chợt nhớ đến tuổi thơ lam lũ của mình và tìm gặp hội phụ nữ xã, tài trợ 800 triệu đồng để xây trường học trên địa bàn.

"Trong thời gian xây trường, tôi lại gặp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn và vất vả, mà gia đình tôi đã từng trải qua. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ sự cần thiết của một tấm lòng nhân ái, một bàn tay nâng đỡ. Sau đó, tôi quyết định hành động để hỗ trợ những người có hoàn cảnh giống như tôi trước đây", bà Mười chia sẻ.

Bà Trần Thị Mười trao quà cho những người khuyết tật

Bà Trần Thị Mười trao quà cho những người khuyết tật

Bắt đầu từ khi đó, năm nào bà cũng về Việt Nam để làm thiện nguyện, nếu không về được bà nhờ bạn mình là ông Hoàng Văn Tuấn đại diện đi trao tặng.

"Tôi đã đi nhiều nơi, kết nối với nhiều địa phương để giúp người nghèo với nhiều hình thức: trao quà tết Trung thu cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa; các công trình đèn chiếu sáng thôn quê, làm đường, xây dựng trường học; hỗ trợ tiền bảo hiểm y tế cho các học sinh nghèo…

Đặc biệt, trong dịp tết Nguyên đán, tôi tập trung vào việc tặng những phần quà thiết thực như bánh kẹo, gạo, dầu ăn, tiền… cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Tôi mong muốn mọi nhà đều có một cái tết vui vẻ, đầm ấm", bà trải lòng.

Trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, bà đã trao tặng hơn 6.000 suất quà trị giá trên 2 tỉ đồng cho bà con ở 7 tỉnh, thành trên cả nước (Khánh Hòa, Cần Thơ, Long An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh).

Không chỉ trong dịp tết, việc làm thiện nguyện của bà được thực hiện thường xuyên, mỗi năm 3 - 4 đợt. Đặc biệt, năm 2021 - 2022, khi Việt Nam có nhiều đợt phải phong tỏa do Covid-19, bà đã bán một căn nhà ở Mỹ để hỗ trợ chống dịch như mua máy thở, mua nông sản hỗ trợ khu cách ly…

Bà Trần Thị Mười luôn hạnh phúc mỗi khi trở về Việt Nam

Bà Trần Thị Mười luôn hạnh phúc mỗi khi trở về Việt Nam

Chồng bà, ông Ngô Thành Thuận, cũng xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn nên luôn ủng hộ vợ làm thiện nguyện. Đi trao tặng ở đâu, bà Mười cũng trân trọng để tên chung với chồng mình. Vì vậy, cái tên Thuận Mười đã trở thành quen thuộc với những người dân ở nhiều xã thuộc TX.Ninh Hòa và các địa phương khác nơi bà đến thăm.

Là người đồng hành với bà Mười trong suốt hành trình làm thiện nguyện, ông Hoàng Văn Tuấn chia sẻ: "Vợ chồng Thuận Mười làm từ thiện nhiều lắm, phải mấy chục tỉ rồi. Mỗi năm bà đều gửi tiền về cho tôi, đại diện đi trao tặng, một năm tới 3 - 4 đợt, năm ít nhất cũng phải 4 tỉ đồng. Năm Covid-19 số tiền tài trợ phải hơn 10 tỉ đồng. Trong khi hai vợ chồng bà Mười đều tiêu pha rất tiết kiệm, không dám ăn, không dám mặc, nhưng cứ ngày đêm kiếm tiền để cho người nghèo. Tôi thấy hiếm có người như vậy".

Hạnh phúc vì được cho đi

Chia sẻ về việc làm của mình, bà Mười bày tỏ: "Mỗi chương trình thiện nguyện mà tôi thực hiện, nó không chỉ là cách để tôi đóng góp một phần công sức cho bà con quê hương, mà còn là niềm vui khi được chia sẻ tình yêu thương với cộng đồng. Tôi luôn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc mỗi khi có cơ hội mang lại nụ cười cho những người xung quanh. Đối với tôi, cho đi cũng chính là nhận lại".

Hiện, bà Mười có 2 con trai đang học tập và sinh sống ở Mỹ, nhưng bà luôn giáo dục con hướng về cội nguồn, hướng về quê hương vì mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Bà thường nói với con: "Người thành công không phải là có nhiều tiền, thành công là biết cho đi!".

Bà Trần Thị Mười luôn mong muốn làm thiện nguyện để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho người dân, nhất là trẻ em

Bà Trần Thị Mười luôn mong muốn làm thiện nguyện để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho người dân, nhất là trẻ em

"Qua những hoạt động này, tôi mong muốn rằng mọi người dân, mọi trẻ em đều có thể vượt qua khó khăn và hướng tới một tương lai tốt đẹp. Đây cũng luôn là động lực lớn nhất đằng sau những công việc từ thiện mà tôi tổ chức. Mong muốn và tâm huyết nhất của tôi là Việt Nam sẽ có một thế hệ trẻ được giáo dục tốt về chất lượng và sức khỏe, để đất nước có một tương lai cường thịnh", bà Mười chia sẻ.

Bà Mười đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nhưng chưa lúc nào bà ngừng làm thiện nguyện. Có khi vừa từ Việt Nam về Mỹ để phẫu thuật, nhưng chỉ vài tuần sau bà đã trở lại Việt Nam để muốn được đi làm thiện nguyện nhiều nhất có thể.

Bà nói: "Tôi muốn mình phải làm gì cho đất nước, rồi mới ra đi. Còn đi làm thiện nguyện được là tôi đi, đến khi nào tắt thở mới thôi".

Dịp tết Nguyên đán vừa qua, gia đình bà Trần Thị Mười đã được chọn là một trong 100 Việt kiều tiêu biểu tham gia chương trình Xuân quê hương do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao và UBND TP.HCM đồng tổ chức.

Nhận xét về bà Mười, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa), cho biết: "Bà Mười đã có rất nhiều hoạt động thiện nguyện trên địa bàn và ở các địa phương khác.

Riêng với TX.Ninh Hòa, bà Mười đã hỗ trợ gần 900 phần quà cho trẻ mồ côi, trẻ em nghèo học giỏi, các hộ nghèo và người mù trên địa bàn với suất quà cao nhất tới 4 triệu đồng/người. Bà Mười nổi tiếng là người có tâm và thương người nghèo".

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.