Người nghèo vất vả mưu sinh, ve chai và rác cũng ít

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sài Gòn đang nắng chợt mưa. Bà lão nhặt ve chai chạy vội vào hiên nhà trú mưa. Đôi trai gái đang đi làm cũng vội vào nép mình, tần ngần nhìn bà lão, rồi trao ổ bánh mì là phần ăn trưa của họ.
Anh xe ôm ở TP.HCM giờ chủ yếu chỉ đợi người gọi chở hàng - Ảnh: MẠNH DŨNG
Anh xe ôm ở TP.HCM giờ chủ yếu chỉ đợi người gọi chở hàng - Ảnh: MẠNH DŨNG
Cô gái trẻ vui vẻ bắt chuyện. Bà nói: "Sáng giờ lượm ve chai không được như hồi trước khi dịch dã cô ơi. Hổng biết có phải quán xá đóng cửa mà tự dưng đồ ve chai cũng ít hẳn".
Chúng tôi nhủ nhau phải tiết kiệm, thật tiết kiệm để vượt qua mùa dịch này. Tiết kiệm từ miếng ăn đến cái phiếu điện, phiếu nước. Rồi còn phải giữ gìn an toàn, bởi sau lưng chúng tôi còn cha mẹ già, con nhỏ ở quê nhà.
LÊ MỸ HÀ
Nhặt ve chai cũng khó
Những ngày này, chúng tôi đi đâu cũng thấy, cũng nghe chuyện người nghèo xoay xở mưu sinh.
Những người nhặt rác than thở: "Hổng hiểu sao rác ít hẳn?". Bác chạy xe ôm lắc đầu: "Giờ chỉ còn chạy giao hàng thôi, kiếm không bằng một phần ba bình thường". Chú sửa xe máy đầu hẻm cũng thở dài: "Sáng giờ người ngợm vẫn sạch bong, không dính miếng dầu nhớt nè. Mấy ai ra đường đâu mà bơm với vá"...
Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi nhiều nhất là những người đi nhặt ve chai. Cũng như bao người nghèo khác phải tìm mọi cách mưu sinh, họ "tìm tiền" trong rác để xoay xở cuộc sống hằng ngày. Bà Phạm Thị Hồng, tuổi 70, nhưng có thâm niên nhặt rác cả nửa đời người.
"Ông xã tui bệnh chết hồi mới 43 tuổi. Mình tui phải nuôi thằng con cũng bệnh tật triền miên. Ngày nào không đầy được xe ve chai là mẹ con không có cái bén lửa nồi cơm", bà Hồng kể thêm từ khi chồng bệnh, bà đã bán nhà để chữa bệnh cho chồng.
Và từ khi ông nằm xuống, hai mẹ con phải ra ở trọ suốt từ năm 1998 đến giờ.
"Từ khi có dịch bệnh, lượng rác ít đi hẳn. Xe thu gom rác cũng phân loại kỹ, cái gì bán ve chai được thì họ đã nhặt trước để kiếm thêm tiền, nên chúng tôi cũng chẳng còn được bao nhiêu", bà Hồng kể thêm cách xoay xở mưu sinh của bà hiện nay là ráng đi nhiều hơn.
Một ngày bình thường bà đi lang thang tìm ve chai khoảng 12 tiếng, giờ đi 16 - 18 tiếng. "Hỏi xoay xở sao à? Người như tụi tui chỉ biết ráng đi và đi nhiều hơn thôi, chứ làm gì bây giờ?".
Nhưng bà Hồng tâm sự cũng hay gặp lòng tốt. Người cho cái này, người cho cái kia. Có người dọn đồ nhà định bán ve chai, nhưng thấy bà tội quá nên họ cho không, thậm chí còn biếu thêm tí tiền, ít bánh.
Chị Thay và bạn gặp khó vì không còn bán đồ đồng nát cho đại lý được nữa - Ảnh: TÂM LÊ
Chị Thay và bạn gặp khó vì không còn bán đồ đồng nát cho đại lý được nữa - Ảnh: TÂM LÊ
"Ế lắm!"
Buổi trưa nắng gắt, trên đường Tô Hiệu, quận Tân Phú, chúng tôi gặp em Hà Trung Chỉnh đang cặm cụi xếp lại đống xoài trên vỉa hè. Em nói mấy chú bác cũng có nhắc nhở giữ an toàn nhưng cho bán để kiếm sống vì không vi phạm lệnh giãn cách xã hội.
Chỉnh mới 14 tuổi, học lớp 8 ở huyện Châu Thành, Tây Ninh.
Được nghỉ học dài hạn, cậu theo mẹ và anh trai lên TP.HCM bán trái cây kiếm sống. Ba mẹ con thuê phòng trọ trong hẻm đường Lũy Bán Bích. Hồi đầu họ cùng bán một điểm, nhưng mùa dịch dã này mẹ con chia ra hai điểm bán để kiếm thêm.
"Em cũng không biết nữa. Mẹ than dạo này ế ẩm quá", Chỉnh trả lời câu chúng tôi hỏi hết dịch có về quê học lại.
Gần 2 tiếng buổi trưa chúng tôi ngồi quan sát, cậu bé chỉ có một người khách ghé mua vài quả xoài. Giá 1kg xoài chín chỉ 10.000 đồng, nhưng ông chỉ mua vài quả rồi đi vội. Hình như ai cũng tiết kiệm.
Gần 11h đêm trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, chúng tôi vẫn gặp hai chị em Lê Mỹ Hà đang đẩy xe bán trứng vịt lộn dạo đi tìm khách. Đèn đường vàng vọt. Phố xá vắng bặt bóng người, chị em Hà vẫn cặm cụi đẩy xe với tiếng rao "ai trứng không..." lanh lảnh.
Hà tâm sự lo mai mốt dịch dã căng thẳng hơn, cấm luôn cả những người bán dạo kiếm sống như cô, nên chị em cố gắng đẩy xe ngày nào hay ngày ấy.
"Ế lắm anh ơi. Hồi chưa có dịch ngày bán được dăm bảy chục trái, giờ chưa được một nửa. Nhưng nằm phòng trọ thì lấy gì ăn?", Hà vừa tâm sự vừa kéo kín khẩu trang che mặt.
Khu trọ Hà ở Gò Vấp đa số là người từ miền Bắc vào. Dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết vẫn trụ lại, cố gắng xoay xở kiếm sống. Cô bán rau, anh chạy Grab, bà nhặt rác, em bán cháo lòng... "Giải pháp" mưu sinh mùa dịch mà họ đều tâm sự giống nhau là ráng đi nhiều hơn và tiết kiệm hơn.
Với những người bán dạo như họ thì đi nhiều là lấy mồ hôi bù cho ế ẩm. Còn tiết kiệm thì chị em Hà chỉ nấu ăn một buổi vào đầu sáng mỗi ngày để tiết kiệm điện, nước và dành thời gian đi kiếm sống.
Bà Hồng đang gặp khó vì rất ít ve chai mùa dịch - Ảnh: MẠNH DŨNG
Bà Hồng đang gặp khó vì rất ít ve chai mùa dịch - Ảnh: MẠNH DŨNG
Khó khăn và nghĩa cử sẻ chia
Sau những ngày hạn chế ra đường, chúng tôi đi rảo chậm Hà Nội để ghi nhận nhịp sống phố phường mùa dịch. Đường Tây Sơn (Đống Đa) vốn thường ngày xe cộ chen nhau nhích từng phân, nay vắng hoe. Trời mưa phùn và rét nàng Bân.
Xế chiều, bên hành lang ngoài gò Đống Đa (quận Đống Đa), cụ bà Lương Thị Nhân, 74 tuổi, quê ở Đông Anh, Hà Nội lật đật tìm đường về chùa. Theo thói quen, bà vẫn ngóng xe buýt, nhưng xe giờ đâu còn nữa.
Anh bán hàng rong ngồi ven đường vắng khách, chỉ lối cho bà cụ: "Bà đi lối này không có đường đâu, phải quay lại đi vòng xa lắm, đi bộ thì bao giờ mới đến chùa!". Rồi anh này móc ví, dúi cho bà cụ tí tiền lẻ, bảo cụ mua gì ăn cho đỡ đói.
Nghĩa cử thật nhẹ nhàng và ấm lòng như "người ăn xin cho người ăn mày", niềm vui nhỏ giữa lúc khó khăn nhất này!
Chuyện đời của anh bán hàng rong Nguyễn Văn Bốn cũng rất cơ hàn. Đợt chưa dịch bệnh, mỗi ngày anh Bốn kiếm được 150.000 đồng, ngày may mắn được 200.000. Những ngày này, người đi lại trên phố thưa vắng, cả ngày anh chỉ bán được 50.000 đồng. Và hôm nay, anh chưa kiếm được nổi bữa cơm trưa bình dân.
"Tôi về quê bây giờ sợ vợ con bị ảnh hưởng dịch bệnh, vì mình đang lang thang ở vùng dịch mà. Nhỡ về quê, vợ con, anh em họ hàng có gì thì tôi ân hận suốt đời, ở lại thì không biết sẽ ra sao", anh Bốn lo lắng và ngồi thu lu bên chiếc balô quần áo cũ, bên cạnh cái rổ nhựa đựng hàng vặt nào bông tai, kẹp tóc, lược, móc khóa... mà tất cả vẫn còn đầy nguyên.
Hai hôm nay, anh Bốn may mắn nhận được một ít gạo, mì gói cứu đói của nhà hảo tâm, nhưng còn nặng lo tiền nhà trọ. Anh bịt kín khẩu trang, cố bước đi để bán được hàng trả tiền phòng trọ.
Những ngày này, chị Nguyễn Thị Thay và người bạn đồng nát tên Duyên kẹt lại ở khu nhà trọ đường Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân). Khi người dân trong phố được nghỉ làm vì dịch bệnh, dọn nhà cửa, hai chị cứ mải mê đi gom đồ người ta bán, giờ không còn xe về quê nữa.
Không về được quê đã đành, đồ gom về cũng không bán lại cho đại lý được vì họ cũng đóng cửa, giờ hai chị phải chất đầy lối đi nhà trọ.
Hôm chúng tôi gặp hai chị đứng nép ở bên ngoài điểm phát quà miễn phí của nhà hảo tâm trên đường Lương Thế Vinh. Một chị ngại ngùng không vào, một chị vào bên trong cũng chỉ bẽn lẽn nhận một túi quà.
"Tôi sợ nhận không phải của mình thì ngại lắm, thôi để cho người khác cần đến lấy. Cảm ơn nhà hảo tâm lắm, hai gói mì, hai quả trứng lại có xúc xích nữa, hai chúng tôi ăn bữa trưa ngon rồi" - chị Thay cười mà nỗi lo đầy trong ánh mắt.
Cậu bé Trung Chỉnh bán xoài phụ mẹ - Ảnh: M.DŨNG
Cậu bé Trung Chỉnh bán xoài phụ mẹ - Ảnh: M.DŨNG
Hi vọng khó khăn sẽ qua
"Tôi thương các em lắm, nhưng mình thật sự cũng đang gặp khó quá, không thể giúp được nhiều hơn. Chỉ hi vọng dịch dã qua mau, mọi thứ sẽ trở lại bình thường để bắt đầu lại cuộc sống" - anh T.V.N., chủ một quán ăn trên đường Trường Chinh, TP.HCM, tâm sự.
Anh kể quán đóng cửa nhưng mình vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng gần 70 triệu đồng mỗi tháng, nhất là từ tết đến giờ quán cứ ế ẩm dần cho đến ngày phải đóng cửa. Anh nói biết các nhân viên của mình "lăn ra đường" lúc này là khổ lắm, nhưng chính anh cũng phải đi mượn nợ để cầm cự qua mùa khó khăn chưa từng có này.
Phải nghĩ cách làm thêm để sống
Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Chi và mấy người bạn trọ ở đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân, TP.HCM, kể trước khi có dịch họ phụ bán quán ăn. Lương công nhật họ được mỗi ngày 180.000 đồng, chủ nuôi cơm 2 bữa và thi thoảng được khách tặng thêm ít tiền thối.
Từ tết đến giờ quán ế ẩm dần vì dịch bệnh, và đến khi quán đóng cửa theo chỉ thị thì họ hoàn toàn mất việc.
"Chủ quán chỉ hỗ trợ nổi chúng tôi mỗi người 200.000 đồng vì cũng gặp khó khăn, rồi nói hi vọng khi nào được mở quán sẽ gặp lại". Chi tâm sự thêm họ không có tiền dành dụm, nên chỉ xài dè sẻn được một tuần là hết tiền. Bạn bè ai cũng khó khăn như nhau, chẳng ai có thể mượn ai.
Chi bàn với bạn thuê xe cháo lòng của người đã về quê lánh dịch để đi bán sống qua ngày. Vốn bỏ ra ít, nhưng lại rất vắng khách mua.
"Tôi chỉ mong bán đủ ăn qua ngày, thậm chí ế thì còn cháo ăn trừ bữa, chứ chẳng mong gì lời lãi lúc này", cô gái quê Kiên Giang trải lòng.
Theo MẠNH DŨNG - TÂM LÊ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.