Người lính chống giặc thời bình: Tình quân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Người dân khó khăn nhiều bề trong những ngày TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19. Ngay lúc đó, lực lượng quân đội đã vào cuộc, phối hợp cùng các cơ quan chức năng cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm cho bà con.
Trọn nghĩa, vẹn tình
Tháng 8.2021, thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, PV Thanh Niên nhiều lần theo chân tổ công tác của Ban Chỉ huy quân sự (BCHQS) Q.7, phối hợp Liên đoàn Lao động Q.7, trực tiếp gõ cửa từng nhà dân để phát lương thực, thực phẩm trên địa bàn Q.7. Các phần quà gồm gạo, nhu yếu phẩm, chanh, sả, cà chua… được đưa lên các xe tải chuyên dụng của BCHQS Q.7 để đến những con hẻm, khu phong tỏa nhằm phân phát kịp thời cho bà con.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 302 (Quân khu 7) phát lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn Q.7 trong cao điểm dịch Covid-19. Ảnh: Trác Rin
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 302 (Quân khu 7) phát lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn Q.7 trong cao điểm dịch Covid-19. Ảnh: Trác Rin
Tổ công tác đi tới đâu, những cánh cửa sắt đã hoen gỉ lại he hé mở tới đó. Nhiều căn nhà thậm chí không có số, bốn bề là vách tôn cũ kỹ, nóng bức giữa trưa nắng. Thi thoảng, tổ công tác lại “đụng” trúng nhà có trường hợp F0 đang cách ly tại nhà. Người dân ra lấy quà, tuy không thể “nhận diện” rõ từng cán bộ chiến sĩ (vì mặc đồ bảo hộ kín mít) nhưng vẫn không quên gửi lời cảm ơn.
Trung tá Huỳnh Văn Hừng, Chính trị viên phó BCHQS Q.7, cho hay lực lượng của đơn vị cùng sát cánh với Liên đoàn Lao động Q.7 nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Xe tải chở hàng hóa, lương thực, thực phẩm thường đến TP.HCM lúc nửa đêm, thậm chí 2 - 3 giờ sáng, các cán bộ, chiến sĩ phải trắng đêm xuống hàng để kịp chuyển đến tay bà con ngay ngày hôm sau.
“Đi thực tế mới thấy nhiều người dân có cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ làm việc bất kể ngày đêm, bỏ qua nỗi sợ hãi về dịch bệnh để vào các khu phong tỏa, tiếp ứng hàng hóa tận cửa nhà dân. Địa bàn Q.7 có nhiều khu dân cư cao cấp, tuy nhiên có những hộ dân cất nhà nơi heo hút, phải đi thực tế mới biết họ đang mắc kẹt, kêu cứu ở đâu đó trên địa bàn”, trung tá Hừng chia sẻ và nhớ lại: “Được tự tay trao các gói an sinh cho người lao động, gia đình neo đơn, em nhỏ, cụ già lớn tuổi, bệnh tật, bị cách ly…, tôi cảm thấy thật vui sướng. Giống như tôi đang chăm lo cho chính người thân của mình, bao vất vả mệt nhọc như tan biến”.
Nói về tình quân dân trong suốt quá trình chăm lo đời sống người dân, trung tá Hừng chỉ gói gọn trong những câu nói của bà con dành cho mình: “Chúng tôi đang cách ly chữa trị bệnh nhưng các chú không sợ lây nhiễm, vượt qua mọi khó khăn đem thực phẩm thiết yếu đến cứu đói chúng tôi, xin cảm ơn bộ đội Cụ Hồ! Chúc các chú luôn bình an, mạnh khỏe để lo cho dân”.
Theo BCHQS Q.7, với bề bộn khó khăn trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, lực lượng vũ trang Q.7 đã chủ động vào cuộc đồng hành với lực lượng y tế. Hơn 5 tháng liên tục với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ tham gia phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 16 và số 1, khu cách ly ở ký túc xá Trường ĐH Tôn Đức Thắng và 156 khu cách ly của Q.7.
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, cán bộ, chiến sĩ của BCHQS Q.7 lại tiếp nhận thêm nhiệm vụ khâm liệm thi hài người dân không may qua đời do Covid-19 để đưa đi hỏa táng; đồng thời nhận tro cốt về bàn giao cho gia đình người thân. Đến nay đã khâm liệm, đưa đi hỏa táng 52 thi hài, tiếp nhận và bàn giao 585 tro cốt cho gia đình các nạn nhân… Ngoài ra, đơn vị còn tiếp nhận hàng chục người dân cơ nhỡ trên địa bàn để chăm lo ăn ở, sinh hoạt một cách chu đáo, tận tình.

Tổ công tác của Sư đoàn 302 phối hợp Ban Chỉ huy quân sự Q.7 thăm hỏi người dân ở tòa nhà xảy ra hỏa hoạn ngay lúc TP.HCM giãn cách xã hội
Tổ công tác của Sư đoàn 302 phối hợp Ban Chỉ huy quân sự Q.7 thăm hỏi người dân ở tòa nhà xảy ra hỏa hoạn ngay lúc TP.HCM giãn cách xã hội
Tiến quân về TP.HCM giúp dân
Thời điểm dịch bệnh phức tạp, nguồn nhân lực, vật lực chống dịch đều thiếu hụt, cả ngàn cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 302 (thuộc Quân khu 7), nhận mệnh lệnh “tiến quân” về TP.HCM giúp dân và chính quyền TP chống dịch. Sư đoàn 302 tỏa quân trên nhiều địa bàn quận, huyện, tiếp thêm sức mạnh cho tuyến đầu chống dịch.
Nhìn lại “cuộc chiến” chống dịch vừa qua, đại tá Nguyễn Văn Phụng, Phó chính ủy Sư đoàn 302, cho hay hưởng ứng phong trào thi đua chống dịch cứu dân, phát huy truyền thống “xuất quân thần tốc”, chỉ trong thời gian ngắn (24 giờ) sau khi nhận nhiệm vụ, đơn vị đã điều động hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai để hỗ trợ công tác chống dịch.
“Gần 2 tháng thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi vận động từ nhiều nguồn hỗ trợ kinh phí, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, kết hợp với quỹ vốn, sản phẩm tăng gia sản xuất của đơn vị, chúng tôi đã tiến hành 30 đợt hỗ trợ trị giá trên 3 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã phối hợp địa phương bắt giữ 4 vụ tàng trữ, mua bán chất ma túy; 1 vụ cướp giật; 2 vụ buôn lậu thuốc lá qua biên giới, góp phần đảm bảo an ninh trật tự”, đại tá Phụng thông tin.
Cuối tháng 8, PV Thanh Niên theo chân tổ công tác của Sư đoàn 302, phối hợp cùng BCHQS Q.7, tiến hành trao các phần quà, gồm nhu yếu phẩm cho những hộ dân sinh sống trong tòa nhà trên địa bàn Q.7 bị hỏa hoạn giữa lúc TP.HCM đang giãn cách xã hội. Cùng lúc đó, các cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 302 tỏa quân ra khắp nơi, len lỏi vào những con hẻm để phát lương thực, thực phẩm cho người dân gặp khó khăn.
Tại thời điểm đó, thượng tá Nguyễn Phước Trung Hậu, Phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 302, chia sẻ đơn vị phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác mang những phần quà đến tận nhà bà con ở TP.HCM, đảm bảo cuộc sống trong những ngày “ai ở đâu ở yên đó”. Ngoài ra, lực lượng bác sĩ quân y của đơn vị cũng hỗ trợ việc lấy mẫu xét nghiệm, thăm khám cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Sư đoàn 302 hỗ trợ chính quyền địa phương tại Q.4, Q.5, Q.6, Q.7, Q.10, H.Nhà Bè… thực hiện công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, cũng như phân phát quà cho người dân.
Đại tá Trần Ngọc Minh, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 302, cho biết thêm Đảng ủy, Ban Chỉ huy Sư đoàn 302 đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống dịch Covid-19 tại đơn vị và hỗ trợ người dân phòng chống dịch trên các địa bàn của Quân khu 7.
Đơn vị đã vận động từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ kinh phí, lương thực, thực phẩm và kết quả từ hoạt động tăng gia sản xuất của đơn vị. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, đơn vị còn vận chuyển hàng trăm tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đến tận tay người dân gặp khó khăn.
Trong đợt dịch vừa qua, Sư đoàn 302 đã trao 30 đợt hỗ trợ cho người dân, trị giá trên 3 tỉ đồng, tại các địa phương gồm TP.HCM (10 đợt/10 quận, huyện); Đồng Nai (16 đợt/6 huyện, TP); Bà Rịa-Vũng Tàu (4 đợt/2 huyện, thị xã). Cụ thể, Sư đoàn 302 đã vận động, tiếp nhận kinh phí, lương thực, thực phẩm, các thiết bị y tế với tổng số tiền hơn 2,4 tỉ đồng. Kinh phí của Sư đoàn 302 là 530 triệu đồng... Phối hợp thực hiện nhiệm vụ chốt gác, tuần tra, kiểm soát vùng đỏ, bảo vệ vùng xanh cùng với địa phương trên 500 tổ. Hỗ trợ 3 tổ quân y tiêm vắc xin cho 28.275 lượt người thuộc các tỉnh Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai.
Chỉ tính riêng lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã vận chuyển hơn 5,2 triệu túi an sinh, túi thuốc y tế, lương thực, nhu yếu phẩm, vật tư y tế, thuốc điều trị tới từng nhà dân. Lực lượng vũ trang TP.HCM cũng huy động, cấp phát hơn 2.000 tấn hàng hóa, đưa hơn 2 triệu túi an sinh đến nhân dân trong đợt cao điểm chống dịch. Qua đó, góp phần bảo vệ an toàn các pháo đài chống dịch ở từng xóm, ấp, khu phố, mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19.
Theo Trác Rin (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.