Người gieo chữ kiên cường ở vùng đất bị quên lãng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thương học trò, thương người đồng bào dân tộc thiểu số, ròng rã 5 năm trời, thầy Hò Văn Lợi không quản nắng mưa, kiên định đánh vật với núi đá nhọn để mang con chữ lên bản, nỗ lực gieo chữ, gieo mầm yêu thương để thu về những mùa trái ngọt.

Quyết định "ngược đời"

Đã hơn 5 năm nay, thầy giáo Hò Văn Lợi và đồng nghiệp vẫn đều đặn mỗi tuần 2 lượt đi về lên lớp cho học sinh người Mông ở thôn Pờ Chừ Lủng, xã Ngam La, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang - nơi được mệnh danh là vùng đất bị quên lãng, vì nằm ở nơi sâu nhất,  xa nhất của tỉnh.

Năm 2015 khi được tuyển về Trường PTDT bán trú Tiểu học Ngam La (Yên Minh), thầy Lợi đã xung phong lên tổ 2, thôn Pờ Chừ Lủng dạy chữ cho học sinh người Mông. Sau hơn 5 năm cắm bản, thầy được phép về dạy học tại điểm trường chính, nhưng năm học này, thầy Lợi đã xin Ban Giám hiệu quay lại điểm trường cũ thêm một thời gian nữa.

Không những vậy, với mong muốn tăng cường và nâng cao sự hiểu biết cho người dân nơi đây, thầy Hò Văn Lợi đã tự nguyện xin nhà trường cho phép duy trì lớp học buổi tối - dạy chữ cho người dân, dù năm học này thôn Pờ Chờ Lủng không có kế hoạch xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Chia sẻ lý do về quyết định "ngược đời" của mình, thầy Hò Văn Lợi nói: "Trước đó, nhà trường đã phân giáo viên lên bản thay tôi. Cô giáo cũng lên được một thời gian, nhưng bị ngã nên chưa thể quay lại giảng dạy. Lúc bấy giờ, học sinh không có giáo viên, thấy vậy tôi đã xung phong lên đây cùng các em.

Bên cạnh đó, tôi muốn tiếp tục duy trì lớp học dạy chữ cho bà con vì tôi nhận thấy, bà con trên bản có nhu cầu học chữ để phục vụ cuộc sống hằng ngày như đi chợ hay làm những thủ tục hành chính".

 

 Thầy Hò Văn Lợi (bên phải) trong Chương trình “Thay lời tri ân năm 2021” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. Ảnh: Thế Đại
Thầy Hò Văn Lợi (bên phải) trong Chương trình “Thay lời tri ân năm 2021” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. Ảnh: Thế Đại


"Bà con sống được, chúng tôi cũng sống được"

Để đến được điểm trường tại Tổ 2, thôn Pờ Chừ Lủng, phải đi xe máy cả tiếng đồng hồ qua những con dốc dài vật vã, sau đó để xe máy lại ven đường rồi đi bộ hơn 1km đường đá lổn nhổn. Hết đá, mất 2-3 tiếng để đi qua thung lũng, đường rừng nhầy nhụa bùn đất mới có thể đến điểm trường. Thầy Lợi nhớ như in đường đến điểm trường có 17 khúc cua khó đi nhất, những khúc cua bình thường không kể đến.

Ở nơi gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, cuộc sống vô cùng khó khăn, không sóng điện thoại, không nước sạch, không y tế, không chợ... các giáo viên cắm bản như thầy Lợi buộc phải sống trong môi trường tự cung tự cấp như dân bản. Những bữa ăn đầu tuần có đồ tươi đem vào, càng về sau càng đạm bạc, bữa cơm cuối tuần chỉ có cơm với rau và vài miếng cá khô.

Đặc biệt, nơi đỉnh núi chơ vơ này chỉ trông chờ vào nước mưa và sương đọng, dân bản thường đào hố trữ nước để sinh hoạt, nhưng giáo viên sử dụng nước tù đọng không quen nên thường bị đau bụng. Vì vậy, thầy cô giáo chỉ dám sử dụng nước mưa sạch cho ăn uống, còn giặt giũ, rửa bát đũa phải đợi khi xuống núi.

"Bà con sống được thì mình cũng có thể tìm ra biện pháp để chung sống và làm việc được"- thầy kiên định nói.


 

Đường vào điểm trường tại thôn Pờ Chừ Lủng. Ảnh: VTV
Đường vào điểm trường tại thôn Pờ Chừ Lủng. Ảnh: VTV


Ngam La là xã đặc biệt khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào vụ ngô và xen canh rau củ. Thôn Pờ Chừ Lủng lại càng nhiều thiếu thốn nên người dân ít quan tâm đến việc học của con em mình. Vì vậy, gần như tuần nào, thầy Lợi cũng phải đi đến từng nhà để vận động, thậm chí leo núi hàng giờ đồng hồ, lên các sườn núi cao - nơi các em chăn dê, thả trâu bò để nhắc nhở, vận động học trò quay trở lại lớp.

"Tôi có rất nhiều kỷ niệm với điểm trường tại thôn Pờ Chừ Lủng, nhưng tôi nhớ nhất là những buổi học mùa đông, ban đêm sương mù giăng kín, sáng sớm không thể học vì bàn ghế, bảng viết ướt hết. Thầy cô giáo chúng tôi phải đi lấy cây ngô để đun lửa sưởi ấm. Thầy và trò ngồi quanh đống lửa, vừa sưởi vừa học bài" - thầy Lợi kể.

Đối mặt với vô vàn khó khăn và thử thách, thầy Hò Văn Lợi vẫn một lòng với mục tiêu gieo chữ cho học sinh vùng khó.

https://laodong.vn/nguoi-viet-tu-te/nguoi-gieo-chu-kien-cuong-o-vung-dat-bi-quen-lang-974056.ldo

Theo Thiều Trang (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.