Người đưa những anh hùng về với quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tôi có dịp gặp anh Nguyễn Tiến Lợi trên miền đất quê hương của xứ Mường. Lúc đầu tôi vẫn nghĩ anh là một nhà thơ được rèn luyện từ lực lượng Công an tỉnh Hòa Bình…

Nhưng khi được xem những tấm hình và đoạn phim anh chia sẻ trên trang cá nhân về những chuyến đi để tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ…, tôi thêm hiểu và trân quý công việc thầm lặng, ý nghĩa của anh.

Anh Nguyễn Tiến Lợi trong những chuyến quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Ảnh: TGCC

Anh Nguyễn Tiến Lợi trong những chuyến quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Ảnh: TGCC

Anh Nguyễn Tiến Lợi sinh năm 1956, hiện sinh sống tại số nhà 44, P.Thịnh Lang, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Năm 2014 anh nghỉ hưu sau thời gian làm việc trong ngành Công an. Một lần mở quyển sách cũ, anh tìm thấy những lá thư của hai người anh trai đã hy sinh gửi về từ chiến trường. Trên dòng chữ viết vội nơi tiền phương, hai anh trai thường nhắc về cảnh đẹp của núi rừng Tây Bắc và nỗi nhớ quê hương. Mấy chục năm trôi qua, nỗi nhớ quê hương vẫn vẹn nguyên trong lá thư, còn các anh vẫn nằm lại ở nơi nào đó rất xa...

Nghĩ đến những giọt nước mắt từ tâm nguyện nhớ thương của người thân, anh Lợi lên đường đến chiến trường nơi các anh từng chiến đấu (thuộc xã Tịnh Biên, An Giang và huyện An Biên, Kiên Giang) để tìm lại hài cốt của hai anh. Nhưng khi tìm đến địa điểm ghi trong hồ sơ liệt sĩ, anh Lợi không thể tìm thấy phần mộ của người thân vì có quá nhiều thông tin sai lệch. Anh tiếp tục đi dọc miền đất nước kiếm tìm tiếp bằng sự kiên định của mình. Khi đến những nghĩa trang liệt sĩ, anh Lợi không ngăn được nước mắt khi thắp nén hương lên ngôi mộ của những liệt sĩ vô danh.

Trên chuyến xe trở về quê hương, ngôi sao vàng năm cánh cùng dòng chữ "Tổ quốc ghi công" trên cột bia tưởng niệm lại thôi thúc nỗi niềm trăn trở trong trái tim anh. Vết thương chiến tranh trên những mảnh đất từng hứng chịu nhiều bom đạn có thể đã nguôi ngoai bằng nhịp thời gian. Nhưng vết thương tâm hồn của người còn sống vẫn quặn lên đau buốt khi nhớ thương về những người thân còn nằm lại với núi sông.

Về đến quê hương, anh liền viết đơn xin vào Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Hòa Bình, với mong muốn dành thời gian nghỉ hưu của mình để tìm kiếm, bổ sung, cung cấp những thông tin chính xác nhất cho thân nhân liệt sĩ.

Kinh nghiệm của một người từng giữ chức vụ Trưởng công an huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã giúp anh vượt qua được khó khăn ban đầu trong công việc mới. Trải qua thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và tra cứu thông tin, anh đã lập danh sách và bổ sung hồ sơ của gần 1.000 chiến sĩ quê ở Hòa Bình còn nằm lại trên nghĩa trang toàn quốc. Sau đó, anh phân loại hồ sơ ra từng sư đoàn, quân đoàn, quân chủng, binh chủng... để thuận lợi cho việc kiếm tìm, quy tập và đưa các anh về với quê hương.

Trong quá trình tra cứu thông tin anh Lợi còn tìm thấy danh sách 478 liệt sĩ hy sinh từ năm 1967 - 1975 tại Viện 2 Cánh Nam dọc biên giới Tây Nam để cung cấp cho đơn vị B3 Tây Nguyên rà soát, kiếm tìm. Anh đã cung cấp cho sư đoàn 20 quân khu 9 danh sách 581 liệt sĩ hy sinh từ 1969 - 1984 trên địa bàn: Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang và nước bạn Campuchia.

Gần 10 năm tận tụy với công việc tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, anh đã tìm thấy và đưa được hơn 100 bộ hài cốt liệt sĩ về với quê hương Hòa Bình. Đa số danh tính của những liệt sĩ ấy từng tồn tại những thông tin sai lệch khiến thân nhân của họ kiếm tìm thất bại suốt nhiều năm. Để có được kết quả như thế anh Lợi đã dành rất nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu tỉ mỉ từng thông tin chi tiết nhỏ nhất trong hồ sơ quân nhân. Bởi do hoàn cảnh chiến tranh, sự thay đổi thông tin địa danh theo thời gian và nhiều nguyên nhân khác khiến thông tin khắc trên bia mộ liệt sĩ bị sai lệch so với giấy tờ chiến sĩ. Có trường hợp liệt sĩ Bùi Văn Phong ghi thành Bùi Văn Nhong, Bùi Văn Kê ghi thành Bùi Văn Kế. Hay như quê quán liệt sĩ ở Lương Sơn ghi thành Hương Sơn...

"Nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc trong ngày đoàn viên của thân nhân liệt sĩ từ việc làm của mình, tôi cảm thấy thanh thản...", anh Lợi nói. Ảnh: TGCC

"Nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc trong ngày đoàn viên của thân nhân liệt sĩ từ việc làm của mình, tôi cảm thấy thanh thản...", anh Lợi nói. Ảnh: TGCC

Khi viết bài này tôi hỏi anh Lợi có bao giờ chứng kiến sự huyền bí của thế giới tâm linh và được anh chia sẻ về giấc mơ khi đang gặp khó khăn trong việc kiếm tìm hài cốt liệt sĩ Bùi Quang Lãnh (hồ sơ quân nhân ghi xóm Xẩm, Kim Bôi, Hà Sơn Bình), tên thật Bùi Quang Lánh (Kim Bôi, Hòa Bình). Lúc bấy giờ anh nằm mơ thấy anh Bùi Quang Lánh xuất hiện trong bộ quân phục và nói với anh hãy cứ hỏi những người còn sống sẽ tìm ra anh. "Tôi vùng dậy toát cả mồ hôi, hay ông liệt sĩ này báo mộng mình? Sau một hồi trấn tĩnh, chắc không phải đâu, tại vì mình tối ngày nghĩ đến liệt sĩ, khi ăn cơm cũng nhắn tin tư vấn cho gia đình liệt sĩ, rồi lúc ngủ cũng nghĩ về liệt sĩ...", anh nhớ lại.

Với tấm lòng nhiệt huyết của người đảng viên và sự kính phục những anh hùng đã hy sinh vì quê hương đất nước, có thời gian anh Lợi đã tự bỏ tiền lương hưu của mình, hàng chục lần đưa thân nhân liệt sĩ đi đến các nghĩa trang vùng biên giới Tây Bắc và Tây Nam của Tổ quốc để đón nhận hài cốt về với nghĩa trang liệt sĩ trên khắp quê hương Hòa Bình. Nhận thấy ngân quỹ của hội còn eo hẹp, anh đã vận động các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ được hàng trăm triệu đồng vào ngân quỹ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Hòa Bình.

Với tâm huyết, nỗ lực, sự cố gắng tận tụy của một người đảng viên trưởng thành trong lực lượng Công an nhân dân, anh Nguyễn Tiến Lợi nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2021 anh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình và Hội Hỗ trợ thương binh liệt sĩ Việt Nam tặng bằng khen cho những cống hiến của mình. Trong đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 2022 - 2026) anh Lợi được tin tưởng bầu làm Phó chủ tịch thường trực Hội Hỗ trợ thương binh liệt sĩ tỉnh Hòa Bình. Trên cương vị và trọng trách mới, anh Nguyễn Đức Lợi vẫn luôn cần mẫn với công việc và nhiệm vụ được giao.

Theo anh, cho đi, giúp đỡ và tử tế với người khác không chỉ góp phần mang lại hạnh phúc cho họ mà còn giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Ảnh: TGCC
Theo anh, cho đi, giúp đỡ và tử tế với người khác không chỉ góp phần mang lại hạnh phúc cho họ mà còn giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Ảnh: TGCC

Ở tuổi xấp xỉ thất tuần, tuổi được nghỉ ngơi sau thời gian lao động cống hiến cho quê hương, đất nước nhưng anh Lợi vẫn dành nhiều thời gian, công sức của mình để đi đến những vùng miền xa xôi khi có thông tin, manh mối về những liệt sĩ sinh ra trên quê hương Hòa Bình. Anh chia sẻ khi được hỏi về điều tâm đắc nhất trong công việc: "Tôi đã vượt qua được những thử thách ngoài sức tưởng tượng của chính mình. Nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc trong ngày đoàn viên của thân nhân liệt sĩ từ việc làm của mình, tôi cảm thấy thanh thản... Cho đi, giúp đỡ và tử tế với người khác không chỉ góp phần mang lại hạnh phúc cho họ mà còn giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn".

Sự đau thương của chiến tranh có thể không bao giờ được chữa lành nhưng những việc làm xuất phát từ trái tim và tấm lòng nhân ái sẽ góp phần xoa dịu vết thương của chiến tranh. Mong rằng anh Nguyễn Đức Lợi sẽ có có thêm nhiều sức khỏe và nghị lực để vững bước trên chặng đường đưa những anh hùng liệt sĩ về với quê hương.

Có thể bạn quan tâm

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.