Xã Chư Gu có hơn 1.880 hộ, phần lớn có đất sản xuất nằm ở phía bên kia sông Ba (thuộc các xã Uar và Chư Rcăm) với trên 400 ha. Do bị ngăn cách bởi sông Ba nên để đến được khu sản xuất, người dân phải di chuyển qua các con đường vòng khác nhau dài 20-25 km.
Nhằm tiết kiệm thời gian, nhiều năm nay, hơn 30 hộ dân thôn Tập Đoàn 4+5 (xã Chư Gu) góp tiền để làm cầu tạm dài hơn 200 m bắc qua sông Ba để phục vụ nhu cầu của gia đình và các hộ dân trong xã đi qua khu sản xuất. Sau đó, các hộ dân này đã tổ chức thu phí để phục vụ việc duy tu, bảo dưỡng cầu. Tuy nhiên, cây cầu tạm này chỉ đi được vào mùa khô. Còn vào mùa mưa, nước sông dâng cao và chảy mạnh, người dân muốn qua sông chỉ đi đường vòng hoặc bằng thuyền.

Là người đứng ra vận động bà con góp tiền để làm cầu, ông Rơ Lan Nách cho hay: “Trước đây, cầu tạm được làm bằng cách đóng các cọc gỗ xuống lòng sông Ba và dùng ván làm mặt cầu để đi lại. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nước sông Ba dâng cao làm cầu hư hỏng, bị cuốn trôi. Từ năm 2023, sau khi tình cờ xem trên mạng thấy người ta làm cầu nổi bằng các thùng phuy nhựa nên tôi đã vận động người dân làm theo.
Các thùng phuy nhựa được chúng tôi sử dụng làm đế và ván dùng làm mặt cầu để đi qua sông với chiều dài trên 200 m. Đồng thời, chúng tôi đúc các khối bê tông để làm neo cho cầu khỏi di chuyển. Mỗi người dân không đóng góp kinh phí làm cầu khi đi xe máy qua sông phải trả 10 ngàn đồng/lượt để lấy kinh phí quản lý, sửa chữa cầu”.
Còn chị Ksor H’In (hộ tham gia góp làm cầu) thì thông tin: “Hàng ngày có 4 gia đình trực tại cây cầu này để thu phí của những người qua lại. Bình quân mỗi ngày có 200-300 lượt người qua lại nên cũng thu được 2-3 triệu đồng”.

Dù vừa mất phí, vừa tiềm ẩn nguy hiểm nhưng vì quãng đường được rút ngắn nên khá nhiều người dân đã chọn đi qua cầu tạm này. Chị Rơ Ô Hảo (thôn Tập Đoàn 4+5) chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 1 ha đất bên kia sông nên thường xuyên qua lại cây cầu này. Đi qua cầu tạm gần hơn nhiều so với đi đường vòng lên thị trấn Phú Túc hoặc đi xuống phía các xã Uar, Ia Rsươm. Mùa nắng nước sông cạn thì đi lại không sao, chỉ sợ vào mùa mưa khi nước sông dâng cao thì khá nguy hiểm”.
Ông Rơ Lan Nhoan-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tập Đoàn 4+5-cho biết: Thôn có 256 hộ với hơn 1.160 khẩu. Hầu hết người dân trong thôn có nương rẫy bên kia sông Ba nên nhu cầu đi lại qua cây cầu tạm này rất lớn. Vì vậy, người dân rất mong muốn chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan xem xét đầu tư làm cây cầu kiên cố để bà con đi lại, vận chuyển nông sản được thuận lợi và an toàn hơn.
Trao đổi với P.V, ông Ksor Nhói-Chủ tịch UBND xã Chư Gu-nhìn nhận: Việc người dân tự ý làm cầu tạm bắc qua sông Ba và thu phí là sai quy định. Thế nhưng trước nhu cầu bức thiết của bà con nên xã đã lên phương án quản lý để đảm bảo an toàn, hài hòa lợi ích của các bên. Theo đó, UBND xã yêu cầu các hộ đóng góp kinh phí làm cầu phải cam kết đảm bảo an toàn cho người dân qua lại. Đặc biệt, vào mùa mưa, nước sông Ba dâng cao thì nghiêm cấm không được cho người dân đi qua cầu.
Liên quan đến nguyện vọng của người dân xã Chư Gu, ông Trần Văn Lương-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng và Đô thị huyện Krông Pa-cho biết: Ủy ban nhân dân huyện đã đăng ký dự án làm đường liên xã Chư Gu-Chư Drăng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 với nguồn vốn từ Trung ương.
Dự án này đấu nối quốc lộ 25 đoạn qua xã Chư Gu với đường Trường Sơn Đông, xã Chư Drăng, gồm các hạng mục: nền, mặt đường, hệ thống thoát nước và công trình cầu trên tuyến. Tổng chiều dài 2.800 m; bề rộng nền đường 10 m; bề rộng mặt đường 5,5 m; công trình cầu trên tuyến qua sông Ba có chiều dài 460 m. Tổng mức đầu tư dự kiến 160 tỷ đồng. Thời gian triển khai trong giai đoạn 2026-2029.
“Hiện trạng đất hai bên bờ sông là đất trống, bằng phẳng, đảm bảo mặt bằng thi công. Dự án sau khi được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh sẽ tạo thành tuyến giao thông huyết mạch kết nối các xã, thị trấn dọc quốc lộ 25 và dọc đường Trường Sơn Đông.
Đây cũng sẽ là tuyến đường huyết mạch kết nối các xã phía Nam sông Ba với xã Chư Gu, Chư Rcăm và thị trấn Phú Túc, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc đi lại của người dân, đặc biệt sẽ giảm chi phí đầu tư sản xuất, tăng lợi nhuận, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”-ông Lương khẳng định.