Người dân vùng trọng điểm lương thực chuyển đổi cây trồng, "né"... hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm gần đây, người dân ở huyện Krông Nô, nơi được ví là thủ phủ" sản xuất lương thực, thực phẩm  của tỉnh Đắk Nông đã chủ động luân canh, chuyển đổi cây trồng để "né" tình trạng khô hạn, tránh việc bỏ hoang đất đai, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Nông dân huyện Krông Nô chủ động chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng khoai lang trong mùa khô hạn, nắng nóng kéo dài. Ảnh: Phan Tuấn
Nông dân huyện Krông Nô chủ động chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng khoai lang trong mùa khô hạn, nắng nóng kéo dài. Ảnh: Phan Tuấn
Nông dân "né" hạn, gia tăng thu nhập
Theo dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, từ tháng 2 - 4.2022, mực nước và lưu lượng trên các sông, suối dao động theo xu thế giảm dần, xuất hiện tình trạng cạn kiệt và thiếu hụt nguồn nước.
Những ngày này, đến với tâm hạn Krông Nô, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy màu xanh của cây khoai lang, cây bí... đã thay thế cho những cánh đồng lúa khô hạn.
Những năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Đồng, ở xã Nâm N’đir đã tiên phong trong việc huyển đổi 6ha lúa nước sang trồng khoai lang trên cánh đồng Đắk Rền. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đồng cho biết, năm nào cũng vậy, vào mùa khô, vùng đất của gia đình không có nước tưới nên gia đình không thể trồng lúa nước. 
Trước tình hình này, ông Đồng đã chủ động chuyển đổi cây trồng để không lãng phí đất đai và tạo nguồn thu nhập cao cho gia đình.
"Kết thúc vụ lúa, gia đình đã giải quyết được vấn đề lương thực cả năm cho gia đình và có một phần để cung ứng cho thị trường. Vụ thu hoạch lúa kết thúc cũng là thời điểm mùa khô đến nên ruộng đồng khô khốc. Lúc này, gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng khoai lang vừa "né" được hạn, vừa gia tăng được thu nhập cho gia đình. Thậm chí, theo tính toán của gia đình, cây khoai lang còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cả cây lúa" - ông Đồng phấn khởi.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Hải, cũng ở xã Nâm N’đir có 3 ha đất ở cánh đồng Đắk Rền. Vụ sản xuất đông xuân năm nay, gia đình ông Hải không trồng lúa nước do dự báo tình hính thiếu nước tưới sẽ diễn ra.
Trong bối cảnh này, gia đình ông Hải đã chuyển đổi diện tích trồng lúa nước này sang trồng khoai lang. Hiện nay, khoai lang đang phát triển tốt và bước vào giai đoạn chăm sóc, duy trì chế độ dinh dưỡng định kỳ.
Theo ông Hải, đất nằm trên cánh đồng Đắk Rền thường xuyên thiếu nước cục bộ, nên gia đình chuyển đổi cây trồng để vừa chống hạn, vừa cải tạo đất. Ngoài ra, việc trồng lúa liên tục trên một diện tích cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên phải cải tạo đất.
"Việc luân canh sẽ giúp gia đình tôi giảm được chi phí cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh, cải tạo đất hiệu quả. Đặc biệt, cây khoai lang cần ít nước hơn cây lúa, mỗi tháng tôi chỉ cần tưới 3 lần là đủ nước để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Mỗi ha khoai cho thu hoạch khoảng 20 tấn củ, lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng. So với sản xuất lúa ở cánh đồng Đắk Rền, hiệu quả của khoai lang cũng không thua kém gì"- ông Hải cho biết.
 
Một số công trình thủy lợi ở huyện Krông Nô cạn nước trong mùa khô. Ảnh: Phan Tuấn
Một số công trình thủy lợi ở huyện Krông Nô cạn nước trong mùa khô. Ảnh: Phan Tuấn
Chủ động chuyển đổi được hơn 100ha
Vụ đông xuân 2021 - 2022, trên địa bàn huyện Krông Nô sản xuất khoảng 4.260ha cây ngắn ngày. Trong đó, lúa nước 1.945ha, ngô 1.316ha, khoai lang 53ha, bí đỏ 197ha, rau các loại 191ha...
Ông Doãn Gia Lộc, quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết, vụ đông xuân năm nay, người dân trên địa bàn đã luân canh, chuyển đổi khoảng 100ha đất từ trồng lúa sang trồng bí đỏ, khoai lang, các loại cây ngắn ngày khác.
Diện tích người dân chuyển đổi cây trồng lớn nhất là ở các xã Nâm N’đir, Quảng Phú, Đắk Nang… Đây đều là những khu vực sản xuất có nguy cơ thiếu nước, hạn hán cao trong vụ đông xuân.
Theo ông Lộc, để có được kết quả này, nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp đã định hướng và hướng dẫn, người dân chủ động luân canh cây trồng khá hiệu quả.
Nhờ sự cơ động, hỗ trợ kỹ thuật của các bộ khuyến nông nên các loại cây ngắn ngày được luân canh đều sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trên cơ sở đó, nhiều vùng đã luân canh tập trung thành vùng nguyên liệu lớn để kết nối thị trường tiêu thụ.
Theo Phan Tuấn (LĐO)

https://laodong.vn/kinh-te/nguoi-dan-vung-trong-diem-luong-thuc-chuyen-doi-cay-trong-ne-han-1027837.ldo

Có thể bạn quan tâm