E-magazine Người dân Gia Lai tự hào tham gia ngày hội non sông

Trong các ngày diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), không ít người dân Gia Lai đã vượt hàng trăm km để trực tiếp hòa mình vào các hoạt động ý nghĩa này. Trong không khí trang trọng và thiêng liêng ấy, tất cả đều tỏ lòng biết ơn và tự hào khi được sống trong bầu không khí hòa bình được đánh đổi bởi xương máu của cha anh.

Ngay từ những ngày đầu tháng 2-2025, khi thông tin về các hoạt động hấp dẫn, nhất là nghi lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh được công bố, chị Rơ Châm Hà (trú tại thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã không giấu nổi sự háo hức.

Với chị Hà, việc được trực tiếp có mặt tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh để tận mắt xem nghi lễ diễu binh, diễu hành là niềm tự hào và cũng là dịp để nhắc nhớ về công lao của các thế hệ đi trước, những người đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do.

Ngoài ra, chị Hà tiếp tục ở lại TP. Hồ Chí Minh tới ngày 2-5 để tham gia nhiều hoạt động sôi động khác của thành phố như xem pháo hoa tại nóc hầm Thủ Thiêm, thưởng thức màn trình diễn drone nghệ thuật trên bầu trời và hòa mình vào các chương trình văn hóa đặc sắc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Chị bày tỏ: “Tôi muốn tận mắt chứng kiến sự thay đổi, phát triển của TP. Hồ Chí Minh cũng như đất nước sau nửa thế kỷ thống nhất và hòa bình. Ngoài ra, đây cũng là dịp để mình cùng bạn bè đón những ngày nghỉ lễ một cách trọn vẹn và vui tươi”.

Những màn pháo hoa rực rỡ tại TP. Hồ Chí Minh trong tối 30-4.

Còn bạn Lê Phạm Yến Nhi (tổ 11, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) hiện là sinh viên Khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ-Tin học TP. Hồ Chí Minh (HUFLIT) cho biết: Hoạt động này không chỉ là một sự kiện lịch sử quan trọng mà còn là một cột mốc đánh dấu hòa bình, thống nhất của đất nước sau 50 năm độc lập, tự do.

“Để có chỗ đứng lý tưởng và có thể thưởng thức trọn vẹn nghi lễ diễu binh, diễu hành (sáng 30-4), em cùng nhóm bạn phải đến đây thức suốt đêm từ chiều hôm trước. Em cảm thấy rất hạnh phúc vì được chứng kiến khoảnh khắc mọi người quan tâm, chia sẻ niềm hân hoan với nhau, đặc biệt cảm nhận được tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc đang dâng trào trong trái tim mình, ngày một lớn dần”-Nhi chia sẻ.

Còn với bạn Lê Trần Đức Anh (tổ 2, phường Thống Nhất, TP. Pleiku)-học viên ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước tại Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh thì cảm thấy vinh dự và tự hào khi được tham gia ngày hội.

“Hình ảnh trực thăng kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay trên bầu trời khiến mình xúc động nhất bởi đây không chỉ là một phần trình diễn mà là biểu tượng thiêng liêng của ý chí dân tộc Việt Nam”-Đức Anh nói thêm.

Là người con Gia Lai lần đầu tiên đặt chân đến TP. Hồ Chí Minh, bạn Trần Ngọc Long (tổ 8, phường Trà Bá, TP. Pleiku) vô cùng xúc động và tự hào khi được trực tiếp chứng kiến nghi lễ diễu binh, diễu hành.

Bạn Long tự hào nói: Không khí nơi đây thật đặc biệt. Khắp các tuyến đường, ngõ hẻm của thành phố rợp cờ hoa, từ tối 29-4, từng dòng người háo hức đổ các tuyến đường trung tâm để xem nghi lễ diễu binh, diễu hành. Khoảnh khắc các khối diễu binh, diễu hành đi qua, hàng vạn người dân reo hò, cổ vũ, trong tôi dâng lên niềm tự hào dân tộc.

“Khi những đoàn quân tiến qua với hàng ngũ chỉnh tề, tôi như được sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Những câu chuyện mà tôi từng nghe ông bà kể, nay hiện ra sống động ngay trước mắt. Đêm đến, khi pháo hoa bừng sáng trên bầu trời Sài Gòn, tôi thực sự nghẹn ngào”-Long xúc động.

Để có “tấm vé” xem trực tiếp nghi lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia và nhiều hoạt động hấp dẫn tại ngày hội non sông, bạn Đặng Ngọc Minh Khuê (tổ 6, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) phải di chuyển gần 500 km từ Gia Lai vào TP. Hồ Chí Minh. Và giây phút được hòa mình vào dòng người reo hò, cổ vũ mỗi khi các khối diễu binh, diễu hành đi qua càng tăng thêm niềm kiêu hãnh, tự hào dân tộc trong Khuê.

“Tôi nhận ra rằng, ngày 30-4 không chỉ là một dấu mốc lịch sử, mà còn là dịp để gắn kết người Việt ở mọi lứa tuổi, mọi miền đất nước trong cùng một niềm tự hào và biết ơn. Thành phố hôm nay rực rỡ, hiện đại, nhưng vẫn gìn giữ ký ức hào hùng trong lòng nó. Tôi rời buổi lễ với những cảm nhận sâu sắc, thấy mình vừa được thắp thêm một ngọn lửa trong tim về lòng yêu nước, về trách nhiệm với lịch sử và tương lai”-Khuê chia sẻ thêm.

Người dân háo hức xem màn bắn pháo hoa rực sáng giữa bầu trời TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh nghi lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia, các hoạt động khác như: trình diễn ánh sáng-pháo hoa tại Landmark 81 và sông Sài Gòn; chuỗi lễ hội “Sắc màu Thành phố” trên phố đi bộ Nguyễn Huệ; Hội thi chạy Olympic vì sức khỏe cộng đồng; triển lãm ảnh-phim tài liệu lịch sử; Lễ hội sông nước-diễu hành thuyền hoa cùng nhiều hoạt động cho gia đình và thiếu nhi… cũng đem lại nhiều cảm xúc, ấn tượng đẹp trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè 5 châu.

Có thể bạn quan tâm

Lưu học sinh Lào và tình yêu dành cho Pleiku

Lưu học sinh Lào và tình yêu dành cho Pleiku

(GLO)- “Gia Lai cho chúng em cảm giác thân thuộc như ở quê nhà. Người dân nơi đây luôn yêu thương, giúp đỡ lưu học sinh Lào. Nếu lựa chọn lại, em vẫn sẽ chọn sang đây du học”-Sidavong Sinnakhone-Sinh viên năm thứ 2 thuộc Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai-vui vẻ nói.

Short video Chuyện Người Gia Lai số 37: Người trẻ Pleiku say mê bảo tồn âm nhạc truyền thống

Short video Chuyện Người Gia Lai số 37: Người trẻ Pleiku say mê bảo tồn âm nhạc truyền thống

(GLO)- Trong Podcast Chuyện Người Gia Lai số 37, Hồ Thị Như Quỳnh (25 tuổi, TP. Pleiku) kể về hành trình gìn giữ và lan tỏa âm nhạc truyền thống dân tộc. Với niềm đam mê đàn tranh, cô không chỉ biểu diễn mà còn truyền cảm xúc qua từng giai điệu, kể những câu chuyện sâu lắng bằng nốt nhạc.

Nam sinh trốn ngủ qua đêm ở trường để làm robot giành học bổng Mỹ danh giá

Nam sinh trốn ngủ qua đêm ở trường để làm robot giành học bổng Mỹ danh giá

Phạm Gia Nguyên, học sinh lớp 12 Vật lý, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam chia sẻ, niềm đam mê công nghệ và robotics đã giúp em trúng tuyển Đại học Columbia (Mỹ) với mức học bổng trị giá khoảng 4 tỉ đồng. Ngoài ra, em cũng được nhiều trường đại học khác gửi thư chúc mừng trúng tuyển. 

Gắn kết sinh viên Việt-Lào

Gắn kết sinh viên Việt-Lào

(GLO)- Nhờ sự quan tâm, đồng hành của các thầy-cô giáo cùng sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai, các lưu học sinh Lào đã hòa nhập với môi trường mới, tự tin giao tiếp và học tập tốt.