Người dân Đất Bằng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến các nguồn nước ở xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) cạn kiệt. Hàng trăm hộ dân phải mua nước đóng bình hoặc xin nước ở nơi khác về dùng tạm trong thời gian chờ mưa.
Xã Đất Bằng có 4 buôn: Ia Rnho, Ia Pông, Ma Giai, Ia Rbua. Trong đó, người dân buôn Ia Rnho và Ia Pông cơ bản đảm bảo nước sinh hoạt nhờ sử dụng nguồn nước của công trình cấp nước tại thị trấn Phú Túc. Còn khoảng 400 hộ dân ở buôn Ma Giai và Ia Rbua luôn trong tình trạng “khát” nước bởi lâu nay chỉ dựa vào vài dòng suối nhỏ và một số giếng đào. Để có nước sử dụng, từ nhiều tháng qua, người dân 2 buôn này phải mua nước bình hoặc xin của các buôn khác.
Tại buôn Ma Giai hiện chỉ còn 1 hố tự đào là còn nước nhưng cũng rất ít. Người dân phải chắt chiu từng giọt, thậm chí phải tranh thủ đến đây “mót nước” từ 1 giờ sáng. Chị Kpă Phiếu cho hay, để lấy đủ can nước 20 lít, chị phải ngồi chờ bên hố đào hơn 3 giờ liền. “Đói cơm, đói canh thì có thể nhịn, chứ không có nước thì không thể chịu được. Trời không mưa, nước giờ cạn hết rồi, lấy gì mà uống”-chị Phiếu than thở. Tương tự, chị Rơ Lan H’Liên cho biết: Nhiều tháng qua trời không mưa, giếng trong buôn đều cạn nước. Các hộ dân trong buôn phải tận dụng nước ở khe suối, hố trũng để phục vụ sinh hoạt. “Trong buôn giờ chỉ còn hố đào này có nước. Hàng ngày, dân làng thay phiên ra đây lấy nước. Mình chờ hơn 10 tiếng đồng hồ mà mới lấy được can nước 20 lít”-chị H’Liên nói.
Người dân buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) lấy nước còn sót lại ở hố trũng về sử dụng. Ảnh: M.N
Người dân buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) lấy nước còn sót lại ở hố trũng về sử dụng. Ảnh: M.N
Không chỉ người dân mà đàn gia súc ở xã Đất Bằng cũng đang vật vã vì thiếu nước uống. Để “giải khát” cho đàn gia súc, UBND xã đã cho đào 4 cái ao nhằm tích nước trong thời gian chờ mưa. Nhưng đến nay 2 ao đã trơ đáy, 2 ao còn lại cũng sắp khô cạn. Cũng vì nhiều tháng không mưa nên các cánh đồng ở Đất Bằng đều nứt nẻ, không thể sản xuất. Ông Kpă Míp-Chủ tịch UBND xã-khẳng định: “Hiện tại, nước giếng ở một số buôn trong xã đã cạn khô nên bà con gặp rất nhiều khó khăn. Trong vài ngày tới nếu không có mưa thì còn khó hơn nữa. Đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư công trình cấp nước để nhân dân trong xã có nước sản xuất, sinh hoạt”.
Trên thực tế, theo Chủ tịch UBND xã Đất Bằng, địa phương được Trung ương hỗ trợ triển khai dự án cấp nước sinh hoạt cho nhân dân buôn Ma Giai và một số buôn khác với kinh phí 2,4 tỷ đồng. Hợp tác xã Dịch vụ nông thôn Đất Bằng đảm nhận thực hiện dự án này. Tuy nhiên, Hợp tác xã đã tạm dừng triển khai vì không có nguồn kinh phí đối ứng, do đơn vị không đủ tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn. Ông Phan Thành Hiếu-Giám đốc Hợp tác xã-cho hay: “Chúng tôi đã liên hệ vay vốn nhưng phía ngân hàng trả lời không thể đáp ứng vì Hợp tác xã không đảm bảo tài sản thế chấp. Rất mong các cấp, các ngành quan tâm gỡ khó để chúng tôi sớm triển khai dự án cung cấp nước sinh hoạt cho người dân”.
MINH TRIỀU

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.