Người cựu chiến binh "say" làm từ thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là chủ doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm trên thương trường nhưng ông Ngô Công Đoan (ở tổ 4, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) vẫn vẹn nguyên vẻ bình dị, chân chất vốn có của người nông dân khoác áo lính một thời. Trải qua nhiều khó khăn, cơ cực trong những tháng ngày ở vùng biên giới Đức Cơ, ông càng thấu hiểu, đồng cảm với những người nghèo khó, bất hạnh, đặc biệt là nạn nhân chất độc da cam và những người khuyết tật. Điều đó thôi thúc ông “say” làm việc thiện, đem tình thương sưởi ấm lòng người.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về cựu chiến binh 54 tuổi này là sự nhanh nhẹn nhưng lại rất kiệm lời khi nói về bản thân. Ông bảo, có được cuộc sống như hiện nay, ông và gia đình đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thậm chí có lúc tưởng chừng phải khăn gói về quê. Nhưng cũng chính lúc khốn khó nhất, ông lại nhận được sự yêu thương, đùm bọc của đồng đội, bạn bè xung quanh và nhờ đó có thêm động lực để kiên trì bám trụ lại với mảnh đất biên giới Đức Cơ này.

 

Ông Ngô Công Đoan. Ảnh: Phương Dung
Ông Ngô Công Đoan. Ảnh: Phương Dung

Ban đầu, gia đình ông tập trung vào các loại cây trồng ngắn ngày như lúa, đậu, bắp và các loại cây ăn trái. Nhờ cần cù, chịu khó cộng với không ngừng tìm tòi, học hỏi nên kinh tế gia đình dần khấm khá. Từ thành công ban đầu, ông mạnh dạn đầu tư trồng các cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, hồ tiêu… Khi tích lũy được số vốn kha khá, ông Đoan mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Thương mại Công Nam để thuận tiện trong giao dịch và hoạt động kinh doanh. Sau 25 năm lập nghiệp, ông đã trở thành “đại gia” vùng biên với trên 40 ha cao su đang trong giai đoạn khai thác, 20.000 trụ tiêu kinh doanh, gần 10 ha giống tiêu, cao su và cây trồng các loại; doanh thu hàng năm đạt 9-10 tỷ đồng. Đặc biệt, mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương (trong đó có 30% là cựu chiến binh và con em cựu chiến binh) với nguồn thu nhập ổn định từ 5,5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Là Ủy viên Ban Chấp hành Hội nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh nên ông ý thức được rằng mình có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cha anh đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Với ông, nạn nhân CĐDC “họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”.

Từ nhận thức đó, gần 10 năm qua, ông đã dành rất nhiều thời gian và tiền của để mang niềm vui đến cho những mảnh đời kém may mắn. Chỉ riêng với 24 hộ dân làng phong, mỗi năm ông đều đôi ba lần cung cấp gạo, mắm muối, dầu ăn, bột ngọt chưa kể những phần quà vào các ngày lễ, Tết. Hơn nữa, để tiện cho việc sinh hoạt của người dân, ông còn bỏ ra trên 100 triệu đồng đầu tư làm giọt nước cho dân làng. Cách đây 8 năm, gia đình ông tình nguyện nuôi mẹ liệt sĩ Rơ Me (làng Le, xã Ia Krêl) đến cuối đời. Cách đây 2 năm, ông nhận nuôi em Ksor H’Phước (xã Ia Krêl) là nạn nhân CĐDC. Ông Đoan tâm sự: “Nhìn cháu tội lắm, thân hình mềm nhũn, èo uột, chỉ bằng đứa trẻ lên 5 (dù đã 22 tuổi), trong khi nhà lại rất nghèo”. Tận mắt thấy hoàn cảnh của H’Phước, cựu chiến binh Ngô Công Đoan đã quyết định trợ cấp cho em mỗi tháng 500 ngàn đồng và các ngày lễ, Tết ông đều tặng quà. Ông cho biết thêm, sắp tới ông sẽ nhận chăm sóc 1 nạn nhân nữa do Hội Nạn nhân CĐDC huyện giới thiệu. Ông Đoan còn dành một khoản tiền nhất định để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương tặng cho những hội viên cựu chiến binh nghèo và nạn nhân CĐDC đang phải sống trong những căn nhà dột nát, tạm bợ. Đến nay, gia đình ông đã xây dựng, bàn giao 8 căn nhà trị giá 320 triệu đồng. Ông bảo, còn sức thì còn làm từ thiện, giúp đồng đội. Và mục tiêu mà ông đặt ra là mỗi năm phấn đấu xây dựng 1-2 căn nhà tặng cho người nghèo. Năm 2014, ông ủng hộ Quỹ Nạn nhân CĐDC huyện Đức Cơ 50 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2015, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh kêu gọi ủng hộ để xây dựng Nhà xông hơi giải độc của tỉnh, gia đình ông đã tự nguyện ủng hộ 100 triệu đồng và vận động Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh, cùng với hội viên cựu chiến binh toàn tỉnh ủng hộ trên 300 triệu đồng.

Ngoài ra, ông còn trích từ lợi nhuận để tích cực tham gia ủng hộ các xã biên giới, tặng ti vi cho các đồn biên phòng, tặng quà Tết cho người nghèo, ủng hộ dự án “Ngân hàng bò”, xây dựng nông thôn mới, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, ủng hộ dân quân tự vệ địa phương… hàng trăm triệu đồng/năm.

Với tấm lòng vàng vì nạn nhân và tinh thần say mê làm từ thiện của mình, ông đã vinh dự được Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam mời dự Đại hội thi đua “Vì nạn nhân CĐDC” toàn quốc lần thứ III vào ngày 12, 13-7-2016 tại thủ đô Hà Nội.

Phan Anh Thư

Có thể bạn quan tâm