Người cộng sản ở tận cùng Tây Bắc: Những người nhóm lửa kiên trung

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những năm thập niên 60 - 70 của thế kỷ 20, khi A Pa Chải - Leng Su Sìn còn xa hun hút, đi bộ cả tuần mới tới, rất nhiều người con miền xuôi đã lên bảo vệ, xây dựng, thậm chí cống hiến cả tuổi thanh xuân, để cực tây Tổ quốc được như hôm nay.

Đại úy Tô Minh Điến (giữa) cùng bộ đội Đồn biên phòng A Pa Chải tuần tra kiểm soát biên giới, năm 1984. ẢNH: QUANG ĐỆ
Đại úy Tô Minh Điến (giữa) cùng bộ đội Đồn biên phòng A Pa Chải tuần tra kiểm soát biên giới, năm 1984. ẢNH: QUANG ĐỆ
“Tác ti” của người Hà Nhì
Thiếu tá Tô Minh Điến (81 tuổi, hiện sống ở xã Văn Lang, H.Hưng Hà, Thái Bình) là người đã dành trọn đời binh nghiệp cho mảnh đất A Pa Chải - Leng Su Sìn. Nhập ngũ năm 1962, ông được đưa lên thẳng Đồn biên phòng Leng Su Sìn, Mường Tè, Lai Châu (nay thuộc H.Mường Nhé, Điện Biên). Năm 1967 - 1968 ở khu vực ngã ba biên giới VN - Trung Quốc - Lào, các đối tượng phỉ tập trung ở Sicaho và Malytho (H.Nhot Ou, Phongsaly, Lào) liên tục đánh phá vùng giải phóng của nước bạn Lào và tràn sang ta giết người cướp của, gây hoang mang trong nhân dân. Nhận lệnh của cấp trên mở chiến dịch 800 tiễu phỉ bên Lào, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu điều động đại đội chủ lực của Đồn biên phòng Leng Su Sìn sang giúp bạn, và trung sĩ Tô Minh Điến được giao chỉ huy 1 trung đội. Hoàn thành nhiệm vụ, tháng 1.1969, ông được Hồ Chủ tịch tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 3.
Sự hy sinh của những người đi trước, cho đời sau ấm no - hạnh phúc, đó chính là khí chất của những người cộng sản Pờ Mỳ Lế,
Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu
Không chỉ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc”, ông Điến còn thành thạo tiếng nói, cùng chung suy nghĩ với đồng bào Hà Nhì và được người dân gọi là “A ti” (anh), “Tác ti” (bác). Hội hè lễ tết, khi nào ông cũng được ngồi... mâm trên. Trẻ con Hà Nhì sinh ra đều chờ ông đến buộc chỉ cổ tay và đặt tên, có khi được đặt theo tên những ca sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ. Có lần người nhà ông Pờ Sì Tài (Bí thư xã Sín Thầu) gặp tai biến khi sinh nở, ông Điến chạy cả đêm về đồn, đưa y tá lên cứu người.
Liên tục bám đường biên cột mốc, ông Điến cùng bộ đội kiên quyết đấu tranh không cho phía Trung Quốc xê dịch cột mốc, lấn chiếm biên giới và bắt nhiều toán thám báo xâm nhập... “Hồi ấy muối quý hơn vàng. Đồn trưởng biên phòng Long Phú (Trung Quốc) đã gọi anh Điến là... con cọp già ngã ba biên giới và treo giải 50 kg muối cho ai bắt sống hoặc lấy được đầu của Đồn trưởng Tô Minh Điến”, ông Trương Quang Đệ, nguyên cán bộ Công an tỉnh Lai Châu, kể lại.
Tháng 3.1988, thiếu tá Tô Minh Điến nhận quyết định nghỉ hưu sau 29 năm 4 tháng công tác ở vùng ngã ba biên giới Leng Su Sìn - A Pa Chải. Thời điểm này bắt đầu lạm phát, nên số tiền trợ cấp 1 lần ông mang về hơn 40.000 đồng, không đủ để mua nửa chỉ vàng. Nhà cửa lụp xụp rách nát, ruộng cấy vài sào chẳng đủ thóc ăn, vợ đau yếu liên miên, 2 đứa con mới 7 và 11 tuổi... “Mình trên biên giới xa xôi, còn quen vất vả thiếu thốn. Về quê đồng đất thuận lợi, không thể để vợ con đói khổ mãi được”, ông Điến nung nấu và bắt đầu lao vào cuộc sống mưu sinh. Với kỷ vật duy nhất trong đời binh nghiệp là chiếc xẻng gấp công binh, ông lăn lóc ngoài bờ đầm, góc ao phạt lau lách lấy chỗ trồng cây, cấy lúa. Ngày nông nhàn, dịp giáp tết ông lại đạp xe thồ lên thành phố bán rau quả, trái cây.
Bây giờ, ông không phải lo cái ăn cái mặc như xưa. Nhưng vất vả đời thường thì vẫn đeo đẳng. Ngồi nói chuyện với “hùm xám ngã ba biên giới” trong căn nhà cấp 4 dựng cách đây 20 năm, tôi buột miệng: “Chú vất vả quá!”. Ông cười: “Không là gì so với gần 30 năm tôi ở ngã ba biên giới. Hồi ấy, chúng tôi như bị tách khỏi văn minh loài người, nhưng không ai lăn tăn” và trầm giọng: “Bởi chúng tôi có lòng tin về tương lai đất nước. Tin vào sự phát triển của vùng đất địa đầu”.

Chị Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, tặng quà các gia đình có thành tích bảo vệ biên giới ẢNH: MAI THANH HẢI
Chị Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, tặng quà các gia đình có thành tích bảo vệ biên giới ẢNH: MAI THANH HẢI
Người lập nghiệp ở Leng Su Sìn
Ông Lường Văn Thước, 89 tuổi, quê ở H.Lục Yên, Yên Bái. Năm 1951, ông nhập ngũ và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 9.1954, Khu ủy Tây Bắc thành lập Trung đoàn 159 (còn gọi là Trung đoàn Biên phòng Tây Bắc), ông Thước được đưa về Tiểu đoàn 957 bảo vệ biên giới Việt - Lào. Chuyên ngành trinh sát, ông lăn lóc mọi xó rừng bờ suối làm nhiệm vụ tiễu phỉ từ nội biên ra ngoại biên; và năm 1960, cưới cô gái Pờ Vú Sừ, người Hà Nhì ở bản Leng Su Sìn làm vợ. Năm 1973, ông ra quân và từ đó đến nay cặm cụi phát rẫy làm nương như người dân Hà Nhì thực thụ.
Những ngày cuối tháng 10.2020, tôi lên A Pa Chải, ghé căn nhà ông mới dựng lại ở bản Sen Thượng (H.Mường Nhé, Điện Biên), thấy treo trên vách hàng chục chứng nhận huân - huy chương, từ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp (1958), đến của Hồ Chủ tịch (1962, 1965), Chủ tịch nước Trường Chinh (1985, 1986)... Kéo tay thiếu tá - quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Ngọc Chinh (Đồn biên phòng A Pa Chải), thiếu úy - quân nhân chuyên nghiệp Lý Gió Cà (Đồn biên phòng Leng Su Sìn), ông Thước bảo: “Chinh là con rể út, nó cũng học tôi, ở lại lấy vợ Hà Nhì. Lý Gió Cà là cháu ngoại, cũng mới vào bộ đội biên phòng”.
Đảng bộ địa đầu
Pờ Mỳ Lế, 37 tuổi, là Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu (H.Mường Nhé, Điện Biên). Sinh ra và lớn lên ở bản Tả Khố Khừ, chị là một trong số rất ít nữ sinh dân tộc Hà Nhì học đến đại học, về quê công tác và là nữ bí thư đầu tiên của xã Sín Thầu.
Ông nội của Pờ Mỳ Lế là Pờ Pố Chừ, đảng viên đầu tiên của đất A Pa Chải, Sín Thầu từ năm 1959. Ông Pờ Pố Chừ làm Phó chủ tịch UBND xã Sín Thầu nhiều năm, sinh được 11 người con thì 7 người là đảng viên, đều có vai trò đặc biệt trong việc giữ gìn - phát triển vùng đất cực tây Tổ quốc. Điển hình là con trai cả Pờ Sì Tài, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu suốt 18 năm; con thứ 2 là Pờ Gia Tự, nguyên Phó chánh án TAND H.Mường Tè; người con thứ 3 là Pờ Á Sinh (bố của bí thư đương nhiệm Pờ Mỳ Lế), nguyên Phó chủ tịch UBND xã Sín Thầu suốt 18 năm; thứ 4 là Pờ Diệp Sàng, nhiều năm làm Bí thư Huyện ủy Mường Nhé và Phó trưởng ban Dân vận tỉnh Điện Biên; thứ 5 là Pờ Dần Xinh, nguyên Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Sín Thầu gần 20 năm; người con thứ 6 là Pờ Dần Sơn, Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Sín Thầu; người con gái út Pờ Mỳ Ly, Phó trưởng phòng Dân tộc Mường Nhé...
“Xã Sín Thầu có 12 chi bộ, 95 đảng viên thì 55 là người Hà Nhì, trong đó 50/55 thuộc dòng họ Pờ”, đại tá Lê Đức Nghĩa, Phó chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên, cho biết và kể: Không chỉ ngày xưa mà bây giờ, những cán bộ họ Pờ đều kiên trung, tài giỏi và được giao nhiều trọng trách. Tiêu biểu như Pờ Diệp Sàng; thượng tá Pờ Chí Lình, Trưởng ban Dân vận Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên; Pờ Diệu Ninh, Phó chủ tịch UBND H.Mường Nhé; Pờ Hùng Sang, Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé; Pờ Chinh Phạ, quyền Chủ tịch UBND xã Sín Thầu...
Cuối năm lên địa đầu A Pa Chải của xã Sín Thầu, hỏi chuyện đời sống người dân, ai cũng bảo: “Cán bộ trẻ giờ giỏi lắm. Như Bí thư Pờ Mỳ Lế, lên bí thư xã tháng 5.2015, đến giờ đã góp phần đưa xã, từ chỗ có trên 70% là hộ nghèo, nay giảm xuống chỉ còn gần 30%”. Hỏi Lế, cô chỉ cười: “Xã xa xôi khó khăn nhất huyện, nhưng tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện. Cố gắng này là từ ông cha đi trước và công của cả tập thể bây giờ”.
Nữ bí thư Pờ Mỳ Lế tâm tình: “Chúng em và bà con mong được đón những cha chú miền xuôi đã nhóm lửa ấm mấy chục năm về trước, lên thăm lại A Pa Chải, xem địa đầu cực tây Tổ quốc đã hòa nhập và phát triển. Sự hy sinh của những người đi trước, cho đời sau ấm no - hạnh phúc, đó chính là khí chất của những người cộng sản”.
Theo Mai Thanh Hải-Nguyễn Độc Lập (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.