Người con Jrai ở tiểu đoàn anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lần này tôi tìm về với Gia Lai để thăm đồng đội Rơ Chăm Hết-người đàn ông Jrai duy nhất trong đội hình Tiểu đoàn 631 anh hùng trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày đặt chân đến chiến trường Tây Nguyên (1972) trên mảnh đất Gia Lai mà cụ thể là khu 4 (huyện 4 cũ, nay là huyện Chư Păh), chúng tôi-những tân binh được bổ sung vào Tiểu đoàn 631 anh hùng trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) luôn xem người dân nơi đây như ruột thịt. Đặc biệt, trong Tiểu đoàn có 4 thanh niên là người Jrai luôn được anh em toàn đơn vị yêu thương, đùm bọc, nhất là anh Rơ Chăm Hết.

Ký ức người lính

4 thanh niên dân tộc Jrai là bộ đội chính quy ở đơn vị chúng tôi gồm: anh Rơ Chăm Hết và các chị: Rơ Chăm Púi, Rơ Chăm Kê, Rơ Chăm Hem. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn kể về anh Rơ Chăm Hết. Bởi lẽ, tôi và anh tuy khác tiểu đội nhưng lại cùng Trung đội thông tin của Tiểu đoàn 631.

Xin được điểm qua vài nét về lịch sử Tiểu đoàn 631-nơi tôi có 8 năm gắn bó với đồng bào khu 4 (huyện Chư Păh ngày nay). Năm 1965, Chiến dịch Plei Me diễn ra với trận đối đầu trực tiếp giữa ta và Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ tại thung lũng Ia Đrăng. Đây là trận đánh lịch sử bởi lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, quân giải phóng (3 trung đoàn bộ binh gồm Trung đoàn 33, Trung đoàn 66, Trung đoàn 320 cùng các đơn vị hỏa lực tương đương cấp sư đoàn) trực tiếp đụng đầu với quân viễn chinh Mỹ.

Kết thúc chiến dịch, trên bố trí lại lực lượng cho phù hợp với tình hình chiến trường Tây Nguyên. Vì công tác hậu cần đáp ứng cho các đơn vị lớn gặp muôn vàn khó khăn, cần có những đơn vị phù hợp vừa tăng gia tự cung, tự cấp, vừa tinh gọn hoạt động tại vùng ven để đánh giặc, giúp dân gìn giữ bản làng. Từ chủ trương này, Tiểu đoàn 631 được thành lập, trên cơ sở hợp nhất giữa Tiểu đoàn 6 với Tiểu đoàn 31 (thiếu) pháo binh và chính thức trở thành đơn vị mũi nhọn hoạt động tại khu 4 vùng ven thị xã Pleiku suốt từ cuối năm 1966 đến tháng 10-1974.

Các cựu chiến binh là đồng đội của ông Rơ Chăm Hết. Ảnh: C.N

Các cựu chiến binh là đồng đội của ông Rơ Chăm Hết. Ảnh: C.N

Từ năm 1971, anh Rơ Chăm Hết là chiến sĩ của Đại đội truyền đạt, Trung đội thông tin thuộc Tiểu đoàn 631. Lúc này, vốn tiếng phổ thông của anh còn ít ỏi. Vì vậy, chỉ huy Tiểu đoàn đã giao nhiệm vụ cho Trung đội trưởng Trần Văn Đắc cùng các cán bộ, chiến sĩ trong Trung đội dạy tiếng phổ thông cho anh Hết. Và, xung quanh việc dạy anh Hết học tiếng phổ thông cũng có nhiều chuyện vui.

Tôi vẫn còn nhớ như in lần anh Bùi Quang Trung dạy anh Hết học. Anh em trong Trung đội xúm xít xung quanh “thầy” Trung và “trò” Hết để nghe. Tính anh Trung nghịch, dí dỏm, thông minh nên nhiều phen làm cho anh em trong đơn vị ôm bụng cười ra nước mắt. Anh Trung bảo: “Anh Trung dạy, Hết nói nhé”, Rơ Chăm Hết liền gật đầu. Anh Trung liền đọc câu: “Bộ đội 631 ăn uống cực khổ”. Lúc này, anh Hết đỏ mặt tía tai lầm bầm trong miệng mà không nói được. Thấy anh Hết liên tục lắc đầu, anh em trong đơn vị đề nghị anh Trung ra câu ngắn thôi. Anh Trung lại tiếp tục: “Bộ đội ăn uống cực khổ” rồi hỏi Rơ Chăm Hết nói được không? Anh Hết gật đầu lia lịa rồi gân cổ đọc liền một câu không dấu. Khi anh Hết vừa đọc xong, anh em trong đơn vị ôm bụng cười đến chảy nước mắt, Hết cũng cười to.

Dần dà, anh Hết có vốn tiếng phổ thông nhiều hơn nên hòa nhập với anh em trong đơn vị tự tin hơn rất nhiều. Không những vậy, anh còn tích cực tham gia các hoạt động chung. Trong các trận đánh của Tiểu đoàn, anh Hết dù là lính truyền đạt nhưng với tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được anh em đồng đội tin yêu, mến phục...

Tháng 10-1974, sau khi đánh tan cứ điểm 664 trên đường 5A (từ Pleiku đi Chư Nghé), Tiểu đoàn trưởng Trần Tất Thanh được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên điều động đi nhận nhiệm vụ mới. Và, Tiểu đoàn 631 được lệnh rời khỏi mảnh đất Gia Lai thân yêu đến chiến trường Đắk Lắk chuẩn bị tham gia Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975. Đơn vị ra quân đánh trận đầu tiên của Chiến dịch Tây Nguyên (hướng Đắk Lắk) vào đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5-3-1975 tiêu diệt gọn đại đội địch, cắt đứt quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26) đối diện với cao điểm 519 gần đèo MDrắk. Và, cũng từ khi hành quân đến Đắk Lắk, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 631 không có thông tin gì về anh Hết.

Về thăm lại Tây Nguyên

Trong suốt quá trình công tác, tôi đã nhiều lần về thăm vùng đất Tây Nguyên-nơi mình từng gắn bó trong những tháng năm gian khổ mà hào hùng. Nhưng, lần này hoàn toàn khác, bởi, tôi tìm về với Gia Lai để thăm đồng đội Rơ Chăm Hết-người đàn ông Jrai duy nhất trong đội hình Tiểu đoàn 631 anh hùng trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên.

Chuyện là, cách đây vài năm, qua đồng đội là cựu chiến binh Tiểu đoàn 631, tôi mới biết được anh Rơ Chăm Hết vẫn còn sống, hiện đang cư trú tại làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. Và qua cháu Rơ Chăm Hà-con gái của anh Hết, thi thoảng, chúng tôi có gọi điện thoại nói chuyện và hẹn dứt khoát sẽ vào thăm đồng đội.

Tác giả (thứ 2 từ phải sang) cùng gia đình cựu chiến binh Rơ Chăm Hết. Ảnh: C.N

Tác giả (thứ 2 từ phải sang) cùng gia đình cựu chiến binh Rơ Chăm Hết. Ảnh: C.N

Ngày 8-3 vừa qua, tôi với anh Trần Văn Quý-người cùng quê Thanh Hóa, cùng nhập ngũ, cùng ở Tiểu đoàn 631 lên đường. Đúng ra là đi Gia Lai trước, nhưng chiều lòng đồng đội Quý, chúng tôi đi Đắk Lắk trước. Đúng 7 giờ ngày 8-3, 2 ông già lên xe khách giường nằm chạy từ Thanh Hóa, 5 giờ sáng 9-3, chúng tôi có mặt tại TP. Buôn Ma Thuột. Ăn sáng, uống cà phê nghỉ ngơi một chút, chúng tôi tiếp tục lên xe chạy dọc quốc lộ 26 tìm về những địa danh mà Tiểu đoàn 631 anh hùng đã đánh trận trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975.

5 giờ sáng 10-3, chú em cũng là cựu chiến binh chiến trường K đưa xe chở chúng tôi nhằm hướng Pleiku thẳng tiến. Một ngày đi tìm các địa danh nào là đường 5A, cứ điểm 664, đường 14, 19, cứ điểm Chư Nghé… Hơn 50 năm qua, địa hình, cảnh sắc thay đổi quá nhiều, song chúng tôi cũng đạt được nguyện vọng. Tối quay về TP. Pleiku nghỉ tại Nhà khách T500 của Quân đoàn 3. Tôi bốc máy gọi cho cháu Rơ Chăm Hà nói, sáng mai chú vào thăm gia đình.

Cuộc trùng phùng sau nửa thế kỷ

Kiểm tra lại những thứ mà vợ tôi chuẩn bị để mang vào gọi là chút quà Bắc cho đồng đội, lòng tôi không giấu được sự xúc động. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi lên đường về Ia Mơ Nông. Xe chạy chừng 1 giờ đồng hồ đến cổng nhà Rơ Chăm Hết. Tôi thấy người phụ nữ cười tươi từ trên nhà xuống cầu thang ra đón. Mấy phút sau thì thấy anh Hết túc tắc bước đi, nhìn ngang, nhìn dọc. Dẫu đã 50 năm tôi chưa một lần gặp lại, nhưng tôi vẫn nhận ra anh bởi khuôn mặt cương nghị, da ngăm ngăm, đôi mắt tinh anh. Tôi vội gọi to: “Hết! Rơ Chăm Hết”. Anh Hết chạy lại ôm ghì lấy tôi kêu to không kém: “Ố Yàng ơi! Ngọ Thanh Hóa đây rồi”. Chúng tôi cùng ghì chặt nhau một hồi lâu, mắt ai cũng ngấn lệ.

Ôm nhau đi từ sân rồi lên cầu thang vào nhà, lúc anh Hết cười, lúc lại im lặng. Khi đã yên vị, câu chuyện một thời hoa lửa, những năm tháng khốc liệt, những đồng đội hy sinh, anh Hết nhớ khá nhiều. Tôi xua tay bảo Hết để tôi hỏi: “Năm nay, anh bao nhiêu tuổi?”. “75 rồi!”. Và, câu chuyện của chúng tôi cứ thế, cứ thế như mạch nguồn tuôn chảy không dứt.

Quá trưa, một mẹt thịt gà nướng, cơm lam dọn ra, anh Hết nói: “Lần đầu tiên sau 50 năm hôm nay gặp lại đồng đội, đồng chí trước đây sống chết có nhau, mình mừng lắm. Chúc nhau sức khỏe để có thêm nhiều lần gặp nhau”. Nhắc đến Tiểu đoàn 631 anh hùng, giọng anh Hết trở nên hào hứng hơn: “Ô 631 của ta anh hùng lắm. Đường 14, 19, Chư Nghé, Đức Cơ, Chư Bồ, cứ điểm 664, kể cả Pleiku, chỗ nào ở cái huyện này (huyện 4, giờ là Chư Păh) đều có dấu ấn của 631. 631 ta có công lớn lắm với mảnh đất này, bộ đội 631 của ta hy sinh ở vùng ven Pleiku nhiều lắm!”.

Dường như, quá khứ oai hùng của Tiểu đoàn 631 như cuốn phim chạy qua khối óc, con tim của anh Rơ Chăm Hết. Thấy tôi có vẻ xót xa ưu tư, anh liền xua tay. Rồi như không muốn tôi và mọi người có mặt buồn trong ngày gặp lại, anh Hết nói: “Mình bỏ rượu 20 năm rồi. Nhưng hôm nay, uống với anh em một ly nhé”. Tôi đồng ý. Vậy là, anh Hết vào nhà trong lấy rượu mang ra. Cầm ly rượu trên tay, tôi nói với anh: “Giá như ra được sông Pô Cô, tôi và anh sẽ đổ ly rượu này xuống dòng sông để hương hồn các liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ các thế hệ Tiểu đoàn 631 anh hùng của chúng ta cùng uống…”. Nghe tôi nói vậy, anh Hết ngồi lặng im, đôi mắt nhìn vào xa xăm...

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.