Ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Người có uy tín góp sức đẩy lùi tảo hôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, người có uy tín ở Gia Lai không chỉ làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân mà còn góp sức trong việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Làng Krông Hra (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) có 84 hộ với 301 khẩu; trong đó, người dân tộc Bahnar chiếm trên 70%. Nếu như ngày trước, việc tảo hôn diễn ra khá phổ biến thì giờ đây, tình trạng này đã được kéo giảm đáng kể. Từ đầu năm đến nay, làng chỉ xảy ra 2 trường hợp tảo hôn; nhiều trường hợp sau khi có sự can thiệp, tuyên truyền đã dừng việc kết hôn khi chưa đủ tuổi.

Từ khi được bầu làm người có uy tín, ông Đinh Honh (áo xanh)-Phó Trưởng thôn Krông Hra (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của từng người dân về hậu quả của tảo hôn. Ảnh: Mộc Trà

Từ khi được bầu làm người có uy tín, ông Đinh Honh (áo xanh)-Phó Trưởng thôn Krông Hra (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của từng người dân về hậu quả của tảo hôn. Ảnh: Mộc Trà

Từ khi được bầu làm người có uy tín, ông Đinh Honh-Phó Trưởng thôn Krông Hra luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của dân làng về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Để mọi người tin tưởng và nghe theo, ông Honh tiên phong nêu gương từ gia đình, dòng họ của mình. Sau đó, ông tích cực vận động dân làng cam kết không để con em tảo hôn cũng như nghiêm túc thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Ngoài tuyên truyền thông qua các buổi họp làng, ông Honh còn thường xuyên đến tận nhà những hộ có con cháu ở độ tuổi từ 12 đến dưới 18 đối với nữ và từ 12 đến dưới 20 đối với nam để tuyên truyền về tác hại của việc kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật, hậu quả của tảo hôn. Đồng thời, ông phổ biến cho họ biết về các quy định, mức xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

“Hễ phát hiện lũ trẻ trong làng yêu nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn thì tôi lại tìm cách gặp gỡ trò chuyện, khuyên bảo, thậm chí là giải thích cho tụi nó hiểu để tránh đi quá giới hạn rồi lại kết hôn sớm. Có đứa nghe nhưng có đứa lảng tránh, tôi tìm gặp bố mẹ của chúng để tuyên truyền, vận động. Cứ vậy, theo cách “mưa dầm thấm lâu”, giờ đây, người lớn trong làng cũng không còn ép con cái cưới sớm, bọn trẻ thì ham học, ham làm kinh tế hơn là lập gia đình”-ông Honh phấn khởi nói.

Em Đinh Văn Khuên (làng Krông Hra) chia sẻ: “Em sinh năm 2004. Làng cũng có nhiều bạn đồng trang lứa với em chưa lấy vợ, lấy chồng. Ngoài phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy, chúng em còn chăm chỉ học chữ hoặc học nghề để sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chú Honh cũng thường xuyên dặn dò chúng em như vậy”.

Nằm ở phía Tây Nam huyện Kbang, xã Kông Lơng Khơng có 9 thôn, làng với các dân tộc: Bahnar, Jrai, Kinh, Tày, Nùng, Mường, Kdong (Xê Đăng), Hre, Thổ, Paco (Tà Ôi), Thái và Cao Lan cùng sinh sống. Do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật nói chung, Luật Hôn nhân và gia đình nói riêng của một bộ phận người dân còn hạn chế nên tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra; trong đó, tập trung nhiều nhất ở làng Mơ Hra-Đáp. Năm 2022, toàn xã xảy ra 10 trường hợp tảo hôn thì 7 cặp ở làng Mơ Hra-Đáp.

Ông Đinh Văn Brếch-Trưởng thôn Mơ Hra-Đáp-cho hay: “Làng hiện có 215 hộ với gần 100% là đồng bào DTTS. Trước thực trạng tảo hôn còn cao, cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động người dân không để con em mình kết hôn khi chưa đủ tuổi. Nhờ vậy, năm nay, làng chỉ còn 1 trường hợp tảo hôn. Kết quả này có sự góp công rất lớn của già làng uy tín Đinh Văn Tớp”.

Ông Đinh Văn Tớp (ở giữa, người có uy tín của làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) tuyên truyền cho thanh-thiếu niên về hệ lụy của tảo hôn. Ảnh: M.T

Ông Đinh Văn Tớp (ở giữa, người có uy tín của làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) tuyên truyền cho thanh-thiếu niên về hệ lụy của tảo hôn. Ảnh: M.T

Theo Quyết định số 703/QĐ-UBND ngày 3-7-2023 của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 955 người uy tín trong đồng bào DTTS (941 nam và 14 nữ). Trong đó, dân tộc Jrai 609 người, Bahnar 299 người, dân tộc khác là 47 người.

Chia sẻ về vấn đề này, già Tớp nhìn nhận: Để tuyên truyền, vận động dân làng xóa bỏ tảo hôn không phải dễ. Với người lớn, mình phải nhắc thường xuyên, còn tụi nhỏ thì phải mềm mỏng, linh hoạt. Mình mà làm căng quá, chúng nó không nghe đâu; đôi khi lại còn xảy ra thêm các hệ lụy khác như tự tử hoặc bỏ làng đi nơi khác. Khi nói đến hệ lụy của tảo hôn, mình cũng phải dẫn chứng cụ thể để bà con thấy rõ mà tự giác tuân thủ quy định pháp luật của Nhà nước. Mình rất vui vì nhiều thanh niên đã nghe lời mình khuyên, không còn nghĩ đến việc lập gia đình sớm nữa mà tiếp tục đi học hoặc đi làm.

Theo ông Trần Văn Nhơn-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng: Toàn xã hiện có 8 người uy tín trong đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ người uy tín đã có nhiều đóng góp trong việc gắn kết cộng đồng, xây dựng buôn làng ngày càng no ấm. Các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ, trong đó có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. “Cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để người có uy tín tham gia và phát huy tốt vai trò của mình. Đặc biệt, xã cũng đã tổ chức cho họ tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao hơn nữa năng lực trong tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn, góp phần đẩy lùi vấn nạn này ở địa phương”-ông Nhơn thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.