Ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Krông Pa nỗ lực ngăn chặn tảo hôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

Nhiều hệ lụy

Lúc chúng tôi đến thăm, bà Ksor H’Poanh (buôn Tang, xã Phú Cần) đang chăm sóc người con gái út là Ksor H’Nga (SN 2005) vừa mới sinh con đầu lòng. Bà H’Poanh kể: Bà sinh được 3 người con gái. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bà vẫn luôn động viên các con chăm chỉ học hành. Tuy nhiên, khi bước vào lớp 10, H’Nga đòi bỏ học và muốn bắt chồng.

Thấy con tuổi còn nhỏ nên bà đã khuyên con học hết THPT rồi mới tính đến chuyện lấy chồng nhưng H’Nga không nghe. Tháng 8-2022, gia đình bà đành phải tổ chức đám cưới cho con. “Do con gái bắt chồng khi mới 17 tuổi, chưa có chút kiến thức, kinh nghiệm nào trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ nên tôi phải giúp đỡ thêm”-bà H’Poanh chia sẻ.

Huyện Krông Pa tổ chức hội nghị sơ kết mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS. Ảnh: L.N

Huyện Krông Pa tổ chức hội nghị sơ kết mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS. Ảnh: L.N

Mặc dù làm mẹ cách đây 2 năm nhưng em Rah Lan H’Mxóa (SN 2005, ở buôn Enan, xã Ia Rsai) vẫn còn phụ thuộc vào bố mẹ từ cái ăn, cái mặc. H’Mxóa tâm sự: “Năm 16 tuổi, em quen anh ấy thông qua mạng xã hội Facebook. Sau một thời gian thì chúng em lấy nhau, em dẫn chồng về ở chung cùng với bố mẹ. Vợ chồng em không có nghề nghiệp, thường đi làm thuê cho người ta. Hiện nay, con em còn nhỏ nên cuộc sống của 2 vợ chồng và con đều dựa hoàn toàn vào cha mẹ. Cũng vì lấy chồng sớm nên cuộc sống của em khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, em có lời khuyên đối với những bạn trẻ đó là không lấy chồng khi chưa đủ tuổi”.

Tập trung ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Theo Phòng Dân tộc huyện Krông Pa, thời gian qua, nạn tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS được kéo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Năm 2023, toàn huyện có 61 cặp tảo hôn (giảm 10 cặp tảo hôn so với năm 2022) và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống.

Cán bộ xã Ia Rmok đến từng gia đình tuyên truyền, vận động người dân nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: L.N

Cán bộ xã Ia Rmok đến từng gia đình tuyên truyền, vận động người dân nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: L.N

Xã Ia Rsai có hơn 80% là người DTTS. Từ đầu năm đến nay, xã có 7 cặp tảo hôn. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội, đoàn thể của xã đã đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình. Bà Nguyễn Thị Ngoan-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã-cho biết: “Bên cạnh các hoạt động phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, chung tay phòng-chống nạn tảo hôn, chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ “Tuổi hồng”, Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” để nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho hội viên phụ nữ”.

Còn theo ông Nay Dring-Phó Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Tiêng (xã Uar) thì: Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tôi đã cùng với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các gia đình có con độ tuổi từ 15 đến dưới 18 nhận thức rõ tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật, để lại nhiều hệ lụy, nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và chất lượng giống nòi.

“Đầu năm nay, khi biết được thông tin trong buôn có cháu Nay H’Nhức (SN 2007) quyết định nghỉ học để bắt chồng, tôi đã đến tận nhà để giải thích cho gia đình và cháu hiểu về những hệ lụy của tảo hôn. Trước những phân tích thấu tình đạt lý, cháu H’Nhức đã hiểu ra và không lấy chồng sớm nữa”-ông Dring cho hay.

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Đãng cho biết: Từ năm 2022, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Dân tộc phối hợp với các xã triển khai mô hình “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

“Thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo tiếp tục nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ này trong các thôn, buôn. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tập trung rà soát, xử lý vi phạm đối với người tổ chức tảo hôn và người vi phạm tảo hôn để vừa nâng cao nhận thức, vừa có tính răn đe. Cùng với đó, chỉ đạo hệ thống chính trị các địa phương đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức về hôn nhân trong đồng bào DTTS, nhất là đối với phụ nữ, thanh-thiếu niên”-Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) để điều tra về tội “Giết người”, người dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch nơi nghi phạm cư trú không khỏi bàng hoàng với thủ đoạn tàn độc của người phụ nữ này.
Các đội thi thuyết trình về sản phẩm tái chế của mình trước Ban Giám khảo cuộc thi

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường giành giải nhất hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường” thị xã An Khê

(GLO)- Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), ngày 24-6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê tổ chức Hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường-hội viên phụ nữ xã Cửu An xuất sắc giành giải nhất hội thi.