Người cắt tóc miễn phí ở núi Trà Bồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sẵn nghề cắt tóc, anh Lê Minh Tân (40 tuổi, thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) suốt 10 năm qua đã cắt tóc miễn phí cho người già, người neo đơn trong thị trấn. Anh còn là người kết nối những tấm lòng mong muốn giúp đỡ các em nhỏ và trường học gặp khó khăn.

 

Anh Lê Minh Tân đang cắt tóc miễn phí cho một cụ già neo đơn
Anh Lê Minh Tân đang cắt tóc miễn phí cho một cụ già neo đơn



Giúp người là niềm vui lâu dài

“Không cần phải là người giàu mới có thể cho đi, dùng nghề của mình để giúp người sẽ là niềm vui lâu dài”, anh Lê Minh Tân tâm niệm. Định kỳ mỗi tháng, anh dành thời gian đi khắp ngả đường để cắt tóc tận nhà cho các cụ già, người neo đơn trong thị trấn Trà Xuân. Chúng tôi đến căn nhà cấp 4 nằm trong con hẻm nhỏ, cụ Trần Rệ (86 tuổi) nằm liệt giường đã gần 5 năm. Thấy anh Tân đến thăm, cụ Rệ hồ hởi nói chuyện. Hỏi thăm sức khỏe, cụ bảo: “Đau ốm miết thôi nhưng có người đến thăm, nói chuyện, tôi vui lắm”. Anh Tân cắt tóc cho cụ Rệ đã 4 năm nay, mỗi lần đến, cụ đều nắm tay anh vui sướng. “Cắt tóc rồi thì đỡ nóng hơn, mà lại không tốn tiền nên rất mừng”, cụ Rệ cười nói.

Ngay cạnh nhà cụ Rệ là cụ Lâm Tích Oanh (80 tuổi), cũng có hoàn cảnh neo đơn. Cụ Oanh không có con cháu, họ hàng. Hơn 1 năm nay, cụ ngã bệnh, đi lại khó khăn nên không đến nhà anh Tân được, anh Tân mang đồ nghề qua nhà cụ để cắc tóc. Cô Nguyễn Thị Cúc, gần nhà cụ Oanh, cho biết: “Sẵn nấu cơm nhà, tôi nấu luôn cho cụ ăn hàng ngày. Gần đây cụ đau ốm nhiều nên đi bệnh viện thường xuyên hơn”. Từ việc cắt tóc cho các cụ, anh Tân nhận thấy, cha anh đã chọn cho anh đúng nghề. Một nghề đơn giản mà thiết thực. Anh Tân chia sẻ: “Mỗi nghề đến với mình đều là duyên, tôi cảm thấy vui vì mình là thợ cắt tóc”.

Cuộc sống của anh Tân vất vả, mẹ mất sớm khi anh đang học lớp 9, sau anh còn 5 đứa em nhỏ. Anh Tân phải nghỉ học để phụ cha nuôi các em ăn học. “Tôi muốn làm thợ chạm điêu khắc, nhưng cha tôi không có tiền cho tôi đi học, ông đã dẫn tôi đến tiệm cắt tóc và tôi bắt đầu học nghề. Tôi nhớ cha cũng chật vật lắm mới lo được tiền học cho tôi, vì ngày kiếm bữa cá đã khó rồi, nhất là vùng núi Trà Bồng, địa hình khó khăn vất vả để xuống đồng bằng”, Anh Tân kể lại.

Khi có nghề cắt tóc làm vốn lận lưng, anh Tân lại càng đau đáu về những đứa trẻ sống ở vùng núi Trà Bồng. “Có lần, tôi có việc lên miền núi, khi đang ngồi trong quán ăn thì thấy mấy em nhỏ mua kẹo ăn, trong đó có em chỉ đứng nhìn, quần áo lấm lem. Tôi mua cho em ít kẹo và ánh mắt em ấy vẫn dõi theo tôi khi ra khỏi quán”, anh nhớ lại. Những chuyện bình thường, hiển nhiên ở những vùng núi vẫn ám ảnh anh sâu sắc.

Anh kể mình chứng kiến người cha chở con từ trên núi xuống thị trấn mà quần áo mỏng manh, cái lạnh “cắt da thịt” xuyên qua những vết rách ướt sũng của các bé vì thời tiết mùa đông. Anh Tân nói: “Đó là năm 2013, tôi thấy người cha chở những đứa con đứng gần ngay chỗ tiệm hớt tóc của tôi. Tôi vội vào nhà tìm 3 cái áo ấm của mấy đứa con tôi để cho các em mặc, tôi nhớ khuôn mặt chúng rạng ngời “săm soi” những chiếc áo xinh đẹp. Sẵn nghề, tôi đưa các em vào tiệm hớt tóc luôn”.

Bắt đầu từ đó, anh trở thành thợ hớt tóc miễn phí cho các em nhỏ, cụ già ở Trà Bồng. Năm 2014, anh thành lập nhóm Nhịp cầu yêu thương với công việc chủ yếu là hớt tóc miễn phí cho các em nhỏ ở thôn làng vùng núi. Anh nói: “Hàng tháng, nhóm đi từng xã giúp đỡ bà con. Vì không có nguồn quỹ nên hoạt động của nhóm là đến tận nhà người dân ở thị trấn xin lại đồ cũ để phát cho các em nhỏ trên núi”. Sau này, anh có cơ hội để tham gia các nhóm thiện nguyện khác và học hỏi được kinh nghiệm, nhờ thế kêu gọi được nhiều mạnh thường quân.

Anh chia sẻ: “Trong suốt 10 năm làm công việc thiện nguyện, vợ tôi là người hy sinh nhiều nhất. Cuộc sống gia đình tôi không khá giả lại còn lo toan con cái ăn học, nhưng vợ tôi đồng cảm chia sẻ với các hoạt động thiện nguyện của tôi”.

Kết nối những tấm lòng

Nhiều lần đi về miền núi xa xôi, anh Tân biết rằng, ở nơi núi cao, nguồn nước sạch chưa kéo tới, đa phần người dân dùng nước suối để sinh hoạt hàng ngày. Khi miền Trung khô hạn khốc liệt, nước suối đầu nguồn cũng cạn kiệt, người dân xách xô đi cả chục cây số để tìm nước. Anh nói: “Trên vùng núi bây giờ trồng toàn cây keo mà rễ keo bám chặt đất, làm đất bạc màu, khô cằn. Lá keo rụng xuống khiến cây cỏ chết sạch, dẫn đến nguồn nước ngầm trong lòng đất, suối rừng cạn kiệt”. Thiết thực nhất là đầu tư giếng khoan. Anh Tân vận động các mạnh thường quân qua mạng xã hội.

Trong năm 2019, anh Tân đã kết nối những tấm lòng để hỗ trợ 3 giếng khoan cho 3 trường gồm: Trường Mầm non Trà Bùi, Trường PTDT bán trú TH-THCS Trà Bùi và Trường Mầm non Trà Thanh (huyện Trà Bồng), mỗi giếng đầu tư hơn 30 triệu đồng. Rồi anh đi xin cả máy lọc nước để giúp các em có nước sạch dùng tại trường. Anh nói: “Tôi chỉ có công đi đến các điểm trường nơi các em cần sự giúp đỡ và bằng các mối quan hệ để kêu gọi mạnh thường quân. Tôi cảm ơn những người thầm lặng giúp các em có được giếng nước, nhất là khi thời tiết ngày càng khắc khiệt, nắng nóng kéo dài hơn”.

Thầy Trương Quang Kỳ, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH-THCS Trà Bùi, cho biết: “Anh Tân đã kêu gọi hỗ trợ cho trường một giếng khoan, không chỉ phục vụ cho 147 em tiểu học mà còn 155 em THCS và cán bộ giáo viên nhà trường bám trụ tại đây”. Khi nghe thầy Kỳ chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ từ nhỏ của em Hồ Văn Thời (7 tuổi, thôn Quế, xã Trà Bùi), anh Tân đã lên tận thôn Quế tìm gặp em. Anh nói: “Mỗi lần lên là rớt nước mắt, em Thời mồ côi nên sống với cậu, mà nhà cậu thì nuôi 6 người con, cậu còn không có ăn thì lấy đâu đến cháu”. Nhờ anh Tân kêu gọi lòng hảo tâm, suốt 2 năm liền, mỗi tháng, em Thời được hỗ trợ 500.000 đồng. Lần nào anh Tân cũng lên tận nơi để gửi tiền, quần áo cũ và vở học cho em Thời.

Gia cảnh ông Lê Văn Thông (tổ dân phố 6, thị trấn Trà Xuân) khó khăn, vợ chồng đều mù và phải gắng gượng để nuôi con trai đang học lớp 5. Ông Thông nói: “Hiếm muộn mới có được đứa con nên dù mù vẫn cố gắng làm việc để nuôi con”. Ông Thông làm chổi đót, ông vót từng cây chổi, bà gánh đi bán dạo ở chợ thị trấn Trà Xuân. “Có ngày bán được 1-2 cây chổi, có ngày không bán được cây nào. Nợ nần từ mua đót rừng cũng chưa trả hết. May nhờ có anh Tân kêu gọi hỗ trợ cho tôi mỗi tháng 500.000 đồng nên cũng đỡ”.

Anh Tân chia sẻ: “Giờ chỉ còn em Thời là khiến tôi day dứt, em sống cuộc sống quá khó khăn với một đứa trẻ. Tôi mong muốn sao có thể đưa em xuống trung tâm dành cho trẻ mồ côi để em có môi trường sống và học tập tốt”.


 



Mời tham gia: Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí Người tốt - Việc tốt (2019 - 2020)


Nhằm khuyến khích các tác phẩm báo chí khắc họa các gương điển hình người tốt việc tốt, nhân tố mới trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, với những việc làm, hoạt động, nghĩa cử cao đẹp đóng góp tích cực và có nhiều ý nghĩa cho cộng đồng và trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Báo SGGP mời tham gia cuộc thi phóng sự - ký sự Người tốt - Việc tốt (2019-2020).


- Đối tượng và tác phẩm dự thi: Là các nhà báo, nhà văn, các cộng tác viên, các cây bút trên cả nước. Tác phẩm dự thi có độ dài tối đa 1.700 chữ với thể loại phóng sự, ký sự nhân vật về người tốt, việc tốt + ảnh minh họa thực tế. Trên tác phẩm, tác giả ghi thông tin về mình, nơi công tác, địa chỉ cư trú và địa chỉ đăng ký hộ khẩu, số giấy CMND. Tác phẩm dự thi chưa đăng bất kỳ phương tiện truyền thông nào.


- Giải thưởng: 1 Giải nhất: 40 triệu đồng và 1 máy ảnh Canon trị giá 30 triệu đồng. 2 Giải nhì: 20 triệu đồng/giải và 1 máy ảnh trị Canon trị giá 20 triệu đồng. 3 Giải ba: 15 triệu đồng/giải và 1 máy ảnh Canon trị giá 15 triệu đồng. 10 Giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải và 1 máy in vi tính Canon.  


- Thời gian: Nhận tác phẩm dự thi từ ngày phát động 3-8-2019 đến ngày 1-3-2020. Tác phẩm dự thi xin gửi tới Tòa soạn Báo SGGP số 432-434 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM hoặc email: nguoitotviectot@sggp.org.vn



Nguyễn Trang (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.