Ngược thượng nguồn: "Chia đất" giữa dòng sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ánh đèn điện cồn bãi giữa sông Trà (Quảng Ngãi) hòa trong ánh sáng lấp lánh đôi bờ phố thị. Đèn tắt, mặt trời lên, bãi bồi lại trở về thường nhật. Mặc cho phố xá ồn ào, cư dân bãi bồi tiếp tục hành trình du mục, khai hoang ngay giữa phố thị bến Tam Thương. 
Họ Đỗ trồng trên đất họ Đặng
Nắng chiều chếch hướng tây, từ trên đường Trường Sa, xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi, ông Đỗ Ga tay ôm thúng, lưỡi liềm, vai vác mái chèo băng qua đường xuống bến ghe. Bóng ông lọt thỏm giữa đường cái quang rộng bên bờ sông Trà. Mươi bước chân sải dài, ông Ga nhanh nhẹn xuống bờ đê - nơi con ghe chờ đợi buổi chợ chiều của ông chủ. Mái chèo khua nước, từng con sóng sông đẩy ghe lướt nhanh. Hơn 30 phút, gò ông Đặng hiện ra từng ruộng rau muống xanh mượt, nhấp nhô trên ụ bãi giữa dòng sông Trà. Ông Đỗ Ga không nhớ rõ dòng họ ông canh tác trên gò họ Đặng từ bao giờ. Ông chỉ biết, sau bao lận bận, từ nuôi tôm, đánh cá làm đủ nghề kiếm sống, đến tuổi 50 ông ra bờ bãi này canh tác, sinh sống. Ba sào đất họ Đặng, ông trồng rau muống, dưa, ớt quanh năm. Đất bãi giữa sông được phù sa bồi đắp nên rau màu tươi tốt quanh năm. Gần 20 năm, thu nhập từ nghề nông ở giữa sông Trà cũng cho ông thêm tiền sinh sống. “Nghe đâu là ông bà nội ngoại gì đó từ xa xưa về đây ưng nhau rồi sinh con cái. Thế nên mình họ Đỗ nhưng có bà con, làm trên đất họ Đặng. Bà con họ Đặng bên kia kìa”, ông Đỗ Ga chỉ tay về hướng đông giới thiệu người bà con xa họ Đặng. 
Giữa lòng sông Trà Khúc, có nhiều bãi bồi với diện tích hàng nghìn ha được hình thành do phù sa bồi lắng. Qua mùa lũ, nước sông Trà Khúc cạn, các bãi bồi thành nơi canh tác của người dân. Bãi bồi ở xã Nghĩa Phú nằm cách cửa biển Cửa Đại một cây số là cù lao cuối dòng sông Trà Khúc, rộng hơn 100 ha.
Cách ruộng rau muống của ông Ga bằng một vòng đi đò qua lạch, gia đình ông Đặng Văn Nuôi cần mẫn trên ruộng rau màu, bầu bí. Canh tác hơn 10 sào hoa màu trên bãi bồi, mỗi ngày gia đình ông thường ra bãi hai lần vào sáng và chiều để trồng rau muống, cà, bí đỏ, chuối... Nhà trên phố đường Trường Sa, mỗi ngày ông lại qua sông đến gò đất của dòng họ để canh tác. Tay giữ máy nổ, tay giữ cần điều khiển, ông Nuôi đưa ghe lượn lách qua những lạch nước, đường cong cua của những ụ đất giữa dòng. Giữa những bãi bồi có nhiều lạch nước nhỏ để ghe đi không bị mắc vào cỏ, bùn. Hàng trăm năm trước, tộc họ Đặng từ bên kia làng Nghĩa Phú bắt đầu cuộc khai hoang tìm đất canh tác. Từ những gò đất giữa sông, người trong tộc chia nhau thửa ruộng làm nông. Gò ông Đặng có tên từ thuở ấy. Dòng họ Đặng của ông Nuôi hiện có bốn hộ canh tác giữa sông với diện tích hơn 10 ha. Nuôi tôm, gieo hạt các loại rau màu mỗi năm vài tấn rau, củ được đưa vào bờ lên phố. Năm nay không mưa bão, ruộng hành ngò, cải xanh nhà ông Nuôi mọc đầy đồng tươi tốt. 
“Đất dòng họ cả trăm năm rồi. Mình tiếp nối ra làm thôi. Xưa chỉ có họ Đặng làm trên gò mấy mươi ha nhưng giờ bà con nên chia sẻ nhau. Họ này làm trên đất họ kia nhưng không tranh giành gì cả”, ông Đặng Văn Nuôi bày tỏ. 
Mở đất, khai hoang bờ bãi
Thời sơ khai, từng họ tộc, bà con mươi người theo nhóm khởi nguồn tạo đất, khai hoang vùng hạ lưu sông Trà Khúc, nơi giáp cửa biển Cổ Lũy ra đại dương mênh mông. Mưa lũ từ đầu nguồn đổ về, mang theo phù sa, cát trắng bồi đắp. Bà con trong làng huy động công sức cắt bói, cỏ cấy vào từng ụ cát nhỏ. Cỏ, bói lớn nhanh giữ cát không trôi theo sông ra cửa biển. Năm sau lũ lụt đất, phù sa trôi lại về đọng lắng thành gò, bãi. Sau mỗi mùa lũ, gò đất cao dần, phân thành từng bờ bãi ngay lòng sông Trà Khúc. Cứ vài năm, doi đất cát giữa sông Trà, gần cửa biển dần hiện ra. Những mảng đất nhấp nhô như sóng lượn theo con nước vùng hạ lưu. Gò bãi khai hoang được chia theo công cán từng gia đình góp sức. Nhà nhiều công được chia nhiều gò đất, nhà ít hơn được chia từng thửa ruộng.
Đất thành, bà con, dòng tộc thông báo với chính quyền và khởi nguồn canh tác trên bãi bồi vừa khai hoang, tạo lập. “Năm bảy năm mới hình thành gò đất, đâu có dễ. Có đất rồi mình báo với xã và được ăn không 5 năm công khai hoang, tự tạo. Sau đó thì xã giao mình làm, có đóng thuế góp với xã”, ông Cao Hồng Cẩm kể.
Từ đời này qua đời khác, dọc dài vùng trung du, đồng bằng, nơi sông Trà đi qua, từng lũy tre xanh được trồng lên giăng khắp đôi bờ, vây bọc xóm làng chống lại con nước dữ dội mùa lũ lụt. Hàng trăm cây số sông đào xẻ nước từ dòng sông ra nhiều hướng để vừa lấy nước tưới đồng vào mùa hạn, vừa phân lũ mùa mưa. Cồn bãi cuối sông Trà được họ tộc khai khẩn mang tên theo chiều dài sóng nước. Gò Tổ Ba, gò ông Đặng, gò nông dân, gò lở, gò đốt, gò đậu lượng, gò đình, gò ớt, gò cao… Tên gọi kéo dài theo hàng trăm ha đất bồi đắp, gắn liền với công cuộc khai khẩn của cư dân đôi bờ Trà Giang. Gò Tổ Ba là tên gọi tổ nhóm ba người có công tạo đất, gò ớt là vùng đất rộng dăm ha không liền mạch mà ngắt quãng giữa những con lạch nhỏ sau mỗi mùa lũ. Gò đốt là thửa ruộng vuông cấy nhiều cây bói, khi đất dày bãi, bói được đốt cháy làm chất dinh dưỡng cho trồng trọt ở bãi bồi. Gò nông dân là nơi nhà nông sống trăm năm bên sông cùng cây cải, bắp sú, ớt xiêm… Thoáng xa, những gò đất, bãi bồi nhấp nhô giữa sông như những cô gái tắm dưới dòng nước mát rượi, mái tóc xanh mướt là vườn ớt xanh, ruộng rau muống mượt mà, xanh thẳm. Đất tạo thành giữa dòng sông từng gò, bờ bãi nhỏ ngăn bởi lạch sông. Vì thế, quy ước gọi tên gò bãi để cư dân sinh sống giữa lòng sông dễ gọi tên, cũng là để nhớ người khai khẩn. 
Lũ tạo bồi bãi lũ cũng cuốn bồi bãi đi. Nhiều gò đất hình thành, canh tác mấy mươi năm bỗng vùi lấp, trôi không còn dấu tích. Nhưng cũng từ hoàn cảnh thiên nhiên đầy khắc nghiệt như thế mà đức tính nhẫn nại, kiên trì của cư dân hai bên bờ sông Trà cũng đậm đà hơn. Cuộc khai hoang giữa hai bờ phố thị lại nối tiếp. Gò lở thì có gò mới bồi lại. 
Du mục cuối dòng 
Hai bên bờ sông Trà Khúc là tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa. Các khu phố, dãy nhà đô thị dần hình thành. Nối đôi bờ sông Trà là cây cầu Thạch Bích, Trà Khúc, Cổ Lũy… Và giữa lòng sông Trà Khúc, bãi bồi là “món quà” của dòng sông để người dân có nguồn thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi.
“Sang nhà ai? Nhà Phượng Cường hả. Lên ghe tui cho quá giang”. Bà con cư dân sinh sống giữa dòng sông Trà Khúc đọc vanh vách tên nhau. Từ bên phố thị nhìn ra sông, trại gà vợ chồng anh Cường, chị Phượng lụp xụp mái tôn, tre nứa. Cứ mỗi sáng, vợ chồng chị Phượng cùng thúng, mủng bơi sang sông. Khi anh Cường cho đàn vịt hơn 5.000 con ăn trước khi thả ra sông bơi lội, thì chị Phượng vòng quanh các ổ để lượm trứng vịt đẻ trong đêm. Hàng chục trứng to, tròn nằm gọn ghẽ trong ổ ấm được lót bằng rơm rạ. Mỗi ngày chị Phượng lượm từ 3.000 - 4.000 trứng vịt. Tất cả được sắp gọn trong thúng tre và đưa lên ghe. Khi đến gần bờ, thúng trứng được móc vào cẩu trục, anh Cường tay quay dây điều khiển các thúng trứng đưa lên bờ một cách thành thục. 
Đi về giữa phố và sông, cuộc sống du mục của vợ chồng chị Phượng hơn 35 năm gắn chặt. Năm dãy nhà chòi xây gạch kiên cố là nơi ở của đàn vịt bị cuốn trôi sau mùa lũ trước. Cố gắng lắm vợ chồng chị Phượng cũng chỉ giữ được hai dãy nhà và làm thêm nhà tạm tre nứa cho vịt trú ngụ. Tường gạch ngói đỏ đổ ập xuống nửa dưới sông nửa trên bờ vợ chồng chị chưa buồn dọn. Nhìn ra dòng sông hiền hòa, trong xanh, chị Phượng buột giọng “Ngày thường thì vậy chứ mưa lũ thì khỏi nói. Khủng khiếp”. Với chị, đời phố cũng là đời sông. Đi lại giữa dòng những ngày mưa lũ luôn là nỗi khiếp sợ chị phải vượt qua. Mưa gió đổ ập lên mái tôn thấp lè tè, nước cuồn cuộn đổ về cửa biển, bóng tối phủ đầy… Những khi ấy, bãi bồi như cô gái co rúm, tả tơi. Cư dân bãi bồi Trà Khúc vội vã che đậy, níu giữ chút tài sản trước cơn sóng dữ. “Mưa gió mấy thì mình cũng phải qua sông vì cả đàn vịt chờ mình. Lũ lớn thì ông chồng ở lại trông coi, lũ nhỏ hơn thì đi về. Nhiều lần vòng ghe đi đường dài vượt lũ mình cũng rất sợ”, chị Phượng chép miệng. 
Chăn nuôi trại vịt, trâu bò có tiền, có dư dả nhưng cư dân bãi bồi cũng đánh đu theo con nước miền hạ lưu Trà Khúc. Đất bãi bồi giữa sông luôn chịu quy luật lở bồi của tự nhiên. Nhiều năm trước, bò được nuôi ở sông nhiều nhưng ngày càng giảm dần vì “cách sông trở đò”. Có năm gặp lũ lớn, bò không kịp vào bờ đành chết đuối, trôi xuống biển. Chuồng trại giữa bãi bồi vì thế cũng bỏ hoang. 
Bà Trần Thị Chân, 64 tuổi, cùng chồng-ông Đặng Hân (68 tuổi) canh tác trên bãi bồi 30 năm qua. Họ thuê khoảng 1,5 ha đất và xây nhà để ở lại. Đến mùa mưa, nước lớn, gia đình sống trong đất liền nhiều hơn. Du mục giữa dòng sông một đời, con cái bà cũng nối bước rời phố ra sông. Mươi năm qua, anh Đặng Khanh, con trai bà Chân ra bãi bồi giữa sông nuôi tôm. Vợ chồng anh xây nhà cách nhà của cha mẹ 500 m. “Hai đứa lớn trong bờ, con út tôi từ lúc tám tháng tuổi đã ra đây. Ở đây kiểu gì cũng sống được, có cơ hội làm kiếm tiền nếu mình cố gắng”, anh Khanh nói. Khai hoang, xây dựng hơn mươi hồ tôm trên sông, sau mỗi mùa lũ, lời-lỗ-huề vốn là điệp khúc vợ chồng anh trải qua đắng ngọt.
Hai bên bờ sông Trà Khúc, phố xá sầm uất hứa hẹn những khu đô thị hiện đại. Nhưng cuộc khai hoang, du mục của cư dân ven sông Trà vẫn cứ tiếp nối. Lắng giữa ồn ào, tiếng xuồng máy, ghe câu đi về giữa sông và phố vẫn nhộn nhịp, tất tả… 
Theo Bài & ảnh: ĐÔNG HUYỀN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối:Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối: Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

(GLO)- Trong cuộc nói chuyện về văn hóa Champa với Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh Gia Lai), người tham gia cùng với các nhà khảo cổ khai quật di chỉ tháp Chăm An Phú, anh đã đưa ra ý tưởng nên thành lập nhà trưng bày văn hóa Champa vùng Tây Nguyên ở vị trí An Phú, TP. Pleiku hiện nay.

Anh hùng không đợi tuổi

Anh hùng không đợi tuổi

Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.