Ngôi nhà chung của những người bán vé số nghèo xứ Quảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn 10 năm nay, căn nhà rộng hơn 100m2 nằm trên đường Nguyễn Công Phương (phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) của anh Nguyễn Đức (SN 1974) đã trở thành ngôi nhà chung của những người bán vé số đến từ khắp các huyện trong tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, họ được ở miễn phí, sống nương tựa và đầy tình yêu thương…

Tự nguyện gánh cực khổ

Với những người bán vé số dạo trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, ngôi nhà trong con hẻm 187 đường Nguyễn Công Phương của anh Nguyễn Đức (một đại lý xổ số kiến thiết ở tỉnh Quảng Ngãi) là ngôi nhà thứ hai của họ. Nhất là đối với các cụ già tuổi cao sức yếu và người khuyết tật ở các huyện như Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa… không có khả năng đi và về liên tục trong ngày.

 

Ngôi nhà của vợ chồng anh Đức trở thành ngôi nhà chung của các bà, các cô bán vé số nghèo ở Quảng Ngãi.
Ngôi nhà của vợ chồng anh Đức trở thành ngôi nhà chung của các bà, các cô bán vé số nghèo ở Quảng Ngãi.

Ngôi nhà được 5 phòng, vậy mà người chủ đại lý vé số này đã dành hẳn 2 phòng cho các bà, các cô bán vé số tá túc, nghỉ ngơi. Không chỉ miễn phí chỗ ở, mà giường chiếu, chăn nệm, điện nước sinh hoạt… tất thảy đều được anh Đức chuẩn bị sẵn sàng, chu đáo để họ yên tâm mưu sinh.

Những người bán vé số tá túc nhà anh Đức, đa phần đều đã ngoài 60 tuổi, có người hơn 80 tuổi, có người tật nguyền nhưng vẫn phải bươn chải suốt ngày trên các nẻo đường thành phố để nuôi thân. Thế nên cứ trái gió trở trời là vợ chồng anh Đức lại kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc và đưa đón những mảnh đời này đến bệnh viện khám bệnh.

Mới đây, cụ Võ Thị Mười (73 tuổi, quê ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành) đang ngủ ở nhà anh Đức thì không may trở bệnh. Giữa đêm hôm, vợ chồng anh vội vã đưa ngay cụ Mười đến bệnh viện, sau đó mới liên lạc với người nhà cụ. Nhắc đến vợ chồng anh Đức, cụ Mười xúc động: “Vừa rồi bị đau bụng lúc nửa đêm. May mà có vợ chồng cháu Đức tận tình chở đi, chăm nom. Chứ tôi già quá rồi, biết xoay xở thế nào”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng (66 tuổi, quê ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành), dù cột sống lưng đau ê ẩm nhưng do cuộc sống ở quê quá khó khăn nên bà đến đây bán vé số. Hằng ngày, bà vẫn cần mẫn dậy sớm đi đến những khu chợ, quán cà phê để bán vé số. Có những hôm trời mưa to, gió lớn, bà bị té vì chân yếu, người đi khập khiễng. “Có bữa đi sụp hố bị trầy cả da, tối về tôi được cô Thùy thoa thuốc nên đỡ đau. Dù bị trầy xước nhưng nếu hôm sau giảm đâu là tôi đi bán tiếp, chứ không nghỉ ngày nào”, bà Hồng cho biết.

Khi được hỏi lý do nào khiến vợ chồng chị chẳng nề hà khó nhọc, tự nguyện cho những mảnh đời khốn khó tá túc, rồi chăm sóc lúc đau bệnh, chị Nguyễn Thị Thu Thùy (SN 1980, vợ anh Đức) nói giản dị: “Vợ chồng tôi cũng đã từng khó khăn như họ, phải vượt qua những ngày tháng vất vả kiếm sống mới có được ngày hôm nay. Vậy nên khi gặp những họ, tôi đồng cảm và thấy thương vô cùng. Mình giúp họ được gì thì giúp vì cuộc đời này ngắn ngủi lắm”.

Nghe chị Thùy nói vậy, bà Phạm Thị Hồng Hoa (62 tuổi, quê ở xã Hành Nghĩa, huyện Nghĩa Hành) nói vui: “Trong nhà này, vợ chồng anh Đức lo cho tụi tôi nhiều lắm. Tụi tôi cứ chọc đôi vợ chồng tốt bụng này là những người đứng mũi chịu sào. Nói thật, cái khó ló cái khôn, cộng với sự đồng cảm của mọi người nên bấy lâu nay chưa hề có tiếng to tiếng nhỏ gì với nhau. Được vậy là quý lắm rồi”.

Dù giúp đỡ nhiều mảnh đời già yếu, khó khăn, nhưng anh Đức khiêm tốn bảo, không phải lúc nào cũng có thời gian chăm sóc cho họ lúc đau bệnh. Nhiều lúc, người này bệnh thì có người kia mua thuốc, động viên chăm sóc, bán giùm vé số. Tình người của họ thật chan chứa. Anh rất cảm động và luôn muốn được giúp đỡ họ với khả năng của mình. “Tuy cuộc sống cơ cực, mọi sinh hoạt trong hai căn phòng chật hẹp cũng trở nên khó khăn nhưng các bà, các chị ở đây vẫn luôn yêu thương nhau. Họ cùng chia sẻ mọi khó khăn, nỗi nhớ nhà để quên đi cuộc mưu sinh vất vả, nhiều tủi nhục nơi đất khách”, anh Đức tâm sự.

Ngôi nhà chung của nhiều mảnh đời riêng

Mệnh danh là những người đi “bán hy vọng” cho mọi người, nhưng phần lớn những người đi bán vé số dạo đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Vì thế, sự sẻ chia của vợ chồng anh Đức như thắp lên niềm hy vọng cho hàng chục mảnh đời khó khăn, kém may mắn. Bà Hồng tâm sự, nếu không được vợ chồng anh Đức cho ở lại miễn phí, sẽ phải đạp xe đi đi về về cả chục cây số. “Tôi già rồi, đi còn té lên té xuống thì nếu đạp xe hằng ngày về nhà cả chục cây số làm sao chịu nổi. Khi tới đây, tôi đi bằng chiếc xe đạp cũ kỹ của mình. Rồi cứ để ở góc nhà, khi nào về quê thì đạp. Lâu lâu mới đạp nhưng cũng đuối lắm”, bà Hồng cho biết.

Chồng cụ Mười bị tai biến nằm một chỗ ở quê. Cụ nhờ con cái chăm nuôi, còn mình lên đây bán vé số với khớp chân đau đã hơn 5 năm nay. Cụ sẽ phải bỏ thêm một số tiền không nhỏ cho chi phí thuê phòng trọ nếu vợ chồng anh Đức không cưu mang. “Một, hai tháng tôi mới về nhà một lần. Tài sản chỉ có chục bộ quần áo cũ, tôi cũng mang luôn ra nhà cháu Đức để cất. Nói chung, không còn là tá túc, mà là tôi gần như ở hẳn nhà này”, cụ Mười tâm sự.

Bán mỗi tờ vé số các bà, các cô kiếm lời được cho mình 1.000 đồng, ngày nào bán hết vé, mỗi người cũng kiếm được từ 70.000 đến 100.000 đồng. “Vào những ngày mưa, bán vé số không được đành chịu ế, có người chịu đội mưa bán thì cũng kiếm được 30.000 đến 40.000 đồng”, cụ Mười bộc bạch.

Theo anh Đức, ở đây hoàn cảnh người nào cũng khổ nên ai cũng có sự cảm thông cho nhau. Các bà, các cô khuyết tật mà cảm thấy việc đi lại khó khăn thì được những người lành lặn đảm nhận đẩy những chiếc xe lăn chở đi. Dĩ nhiên số lượng vé số cũng phải tăng lên để rồi chia nhau lợi nhuận. “Bán được bao nhiêu, họ chia đôi, bởi họ tâm niệm không có người kia họ không bán được, người kia thiếu họ cũng không bán được. Họ nhường cơm sẻ áo cho nhau để cùng sống”, anh Đức tâm sự.

Cuộc sống mưu sinh của các bà, các cô nơi đây bắt đầu từ mờ sáng, họ len lỏi trên các tuyến đường đến khuya mới về. Dù vậy, nhiều người trong họ sức khỏe yếu nên trưa về tranh thủ nghỉ ngơi. Ngả lưng khoảng một tiếng đồng hồ, rồi lại đi bán tiếp cho kịp giờ giao số còn lại. “Các bà, các cô ở nơi đây có người bán vào ban đêm đến tận khuya mới về đến nhà, lại có người đi từ rất sớm để bán cho hết vé số mà đêm qua chưa bán hết. Cứ thế người về, rồi người đi nên chỉ có lúc nửa đêm trở về sáng căn nhà mới đóng cửa”, chị Thùy cho biết.

Nhờ “ngôi nhà chung” của vợ chồng anh Đức, các cụ già neo đơn, hoặc có hoàn cảnh quá khó khăn, tật nguyền không người chăm sóc được gặp nhau, cùng sống chung và san sẻ buồn vui trong cuộc sống. Những câu chuyện cứ thế như thoi đưa mỗi lúc họ ngồi bên nhau sau những giờ lao động cực nhọc. Rời khỏi căn nhà đầy ắp tiếng cười và tình thương, trong lòng chúng tôi chỉ thầm mong những con người bất hạnh đến cuối đời kia sẽ tìm thấy được niềm vui. Hạnh phúc của họ thật giản đơn, đó là được nhiều người mua vé số để cuộc mưu sinh đỡ vất vả hơn.

Phố Nhơn/laodong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.