Nghiên cứu mới về lợi ích của việc ăn trứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghiên cứu mới được công bố gần đây trên tạp chí khoa học Nutrients đã cho thấy thêm về lợi ích của việc ăn trứng.

Theo đó, ăn trứng làm tăng các chất dinh dưỡng có lợi mà không ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh tim hoặc tiểu đường, theo tạp chí khoa học SciTechDaily (Mỹ).

Các nhà khoa học đã nghiên cứu vấn đề gây tranh luận này trong nhiều năm. Một số người tin rằng ăn trứng làm tăng mức cholesterol "xấu" LDL và các dấu hiệu viêm liên quan đến bệnh tim và tiểu đường, trong khi những người khác lại nhấn mạnh lợi ích của việc ăn trứng nhờ mật độ dinh dưỡng cao.

Ăn trứng làm tăng các chất dinh dưỡng có lợi và không ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh tim hoặc tiểu đường. Ảnh: Shutterstock

Ăn trứng làm tăng các chất dinh dưỡng có lợi và không ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh tim hoặc tiểu đường.

Ảnh: Shutterstock

Giờ đây, nghiên cứu mới do tiến sĩ Catherine Andersen, phó giáo sư tại khoa Khoa học Dinh dưỡng tại Đại học Connecticut (Mỹ), thực hiện đã mở ra góc nhìn rộng hơn về kết quả dinh dưỡng của việc tiêu thụ trứng.

Phó giáo sư Andersen và các cộng tác viên đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện hơn các nghiên cứu trước đây về tiêu thụ trứng, tập trung vào lâm sàng, xem xét nhiều thông số sức khỏe thường được xét nghiệm trong khi khám sức khỏe định kỳ.

Kết quả về ăn trứng và nguy cơ mắc bệnh tim

Các nhà nghiên cứu đã so sánh việc không ăn trứng với việc ăn 3 lòng trắng trứng mỗi ngày và 3 quả trứng mỗi ngày.

Kết quả đã phát hiện ra rằng ăn trứng hằng ngày giúp tăng đáng kể mức choline, một chất dinh dưỡng thiết yếu có trong lòng đỏ trứng.

Lượng choline thường liên quan đến sự gia tăng chất chuyển hóa gọi là TMAO, chất này có liên quan đến bệnh tim. Nhưng đáng chú ý, kết quả ở đây cho thấy ở những người ăn trứng hằng ngày, mức TMAO không tăng lên mặc dù lượng choline tăng lên.

"Thật mừng là kết quả tốt như vậy", tiến sĩ Andersen nói, theo SciTechDaily.

Kết quả về ăn trứng với tình trạng viêm, cholesterol và tiểu đường

Các nhà nghiên cứu cũng không thấy bất kỳ thay đổi bất lợi nào về tình trạng viêm hoặc mức cholesterol trong máu. Họ cũng phát hiện ra rằng ăn trứng ít tác động tiêu cực đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo SciTechDaily.

Ăn trứng không gây ra thay đổi bất lợi nào về tình trạng viêm hoặc mức cholesterol trong máu. Ảnh: Shutterstock

Ăn trứng không gây ra thay đổi bất lợi nào về tình trạng viêm hoặc mức cholesterol trong máu. Ảnh: Shutterstock

Tiến sĩ Andersen nói: Chúng tôi đã đo lường toàn diện nhằm đánh giá chính xác hơn về tác động tổng thể của việc ăn trứng.

Nên ăn bao nhiêu quả trứng mỗi ngày?

Theo trường y Harvard Health (Mỹ), một người khỏe mạnh bình thường có thể ăn tối đa 6-7 quả trứng mỗi tuần.

Chuyên trang sức khỏe của Mỹ Healthline đề xuất: Đối với người lớn khỏe mạnh có mức cholesterol bình thường và không nguy cơ bệnh tim, 1 - 2 quả trứng mỗi ngày có thể an toàn.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị tối đa 1 quả trứng mỗi ngày đối với hầu hết mọi người. Những người có cholesterol trong máu cao, đặc biệt là người bệnh tiểu đường hoặc có nguy cơ bị suy tim, nên ăn ít hơn. Và người lớn tuổi có mức cholesterol bình thường có thể ăn tối đa 2 quả trứng mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Việc kiêng cữ trong ăn uống với người mỡ máu cao không chỉ là giảm chất béo, thịt động vật mà cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giảm lượng đường, tinh bột nhanh từ trái cây, các loại bánh ngọt, hạn chế bia rượu...