Nghịch lý các khu tái định cư ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhằm ổn định cuộc sống cho người dân tái định cư và di cư tự do ở Tây Nguyên, chính quyền địa phương đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Dù vậy, các dự án đạt hiệu quả rất thấp, gây lãng phí nguồn lực
Trước tình trạng người dân ở các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) phá rừng làm nương rẫy, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư dự án tái định cư nhằm đưa những hộ này ra khỏi rừng, ổn định cuộc sống.
Quay về làng cũ
Theo chương trình nêu trên, mỗi gia đình được cấp 600 m2 đất, được cấp hộ khẩu, giấy khai sinh, trẻ đi học gần, trường lớp khang trang, có điện, nhà cộng đồng sinh hoạt thể thao, văn hóa. Sau nhiều năm đưa khu tái định cư vào hoạt động, hiện chỉ có khoảng 100 hộ đến sinh sống, còn hơn 80 hộ thuộc diện dự án tái định cư vẫn sống ở làng cũ.
Gia đình chị Hà Thị Chang (30 tuổi) vẫn sống ở lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm với 6 nhân khẩu. Với lý do xa trạm xá, không có tiền nên cả 4 người con đều do chồng chị… đỡ đẻ tại nhà. "Ở đây con mình không học hành nhiều nhưng lớn lên đứa nào cũng biết trèo cây lấy lan, bắt ong, bẫy chim nên không sợ đói. Còn nếu ra khu tái định cư, cách nương rẫy hàng chục cây số, đi lại rất khó khăn nên rất khó kiếm cái ăn" - chị Chang nêu lý do.
Tại tỉnh Kon Tum, nhiều khu tái định cư cũng được đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng người dân lại không đến ở. Cách đây 11 năm, khu tái định cư xã Đắk Long, huyện Đắk Hà chính thức được khởi công. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ bảo đảm đất sản xuất và đất ở đối với những hộ dân bị mất đất trong khu vực công trình thủy điện Pleikrông. Tuy vậy, sau nhiều năm công trình không kịp hoàn thành, người dân đến ở rất ít.
Đến năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum ban hành quyết định quy hoạch dự án bố trí dân, quy mô 300 hộ dân với 1.500 nhân khẩu, tổng mức đầu tư gần 150 tỉ đồng. Đến nay đã chi trả gần 133 tỉ đồng nhưng dự án không thực hiện được vì mới có 126 hộ được nhận đất và chỉ có 67 hộ được hỗ trợ xây nhà.
Theo chị Y Tuyền, một trong số 5 gia đình từ thị trấn Đắk Hà đến khu tái định cư này sinh sống từ tháng 9-2019, ở đây 3 nhà dùng chung giếng nước nhưng mùa khô không có nước. Do không có nước và ít đất sản xuất nên người làng cũ không muốn đến.
Cuối năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Hà đã kết luận quá trình thực hiện dự án này còn hạn chế, như một số chính sách triển khai chưa đúng quy định, việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân chưa thực hiện đầy đủ, không kịp thời và chưa phù hợp.
Còn theo UBND huyện Đắk Hà, dự án tái định cư xã Đắk Long chưa được đầu tư đồng bộ theo lộ trình được duyệt. Mục tiêu dự án là hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa bố trí đủ vốn.

Thiếu kế sinh nhai, nhiều người bỏ hoang nhà tái định cư để về nhà cũ. Ảnh: CAO NGUYÊN
Thiếu kế sinh nhai, nhiều người bỏ hoang nhà tái định cư để về nhà cũ. Ảnh: CAO NGUYÊN
Khó khăn nhiều mặt
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2013 đến nay, tỉnh này đã xây dựng 17 dự án và được phê duyệt 15 dự án dân di cư tự do. Trong đó, đang triển khai 13 dự án với quy mô 4.402 hộ. Tuy nhiên, hiện chỉ bố trí tập trung 954 hộ vào dự án, ổn định tại chỗ 2.573 hộ.
Trong quá trình xây dựng dự án còn nhiều khó khăn, bất cập như các dự án triển khai kéo dài, nhiều hạng mục đội vốn so với thời điểm được phê duyệt. Bên cạnh đó, các hộ di cư tự do tiếp tục gia tăng khiến tình hình càng khó khăn, phức tạp.
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện vẫn còn một số dự án chưa phát huy hiệu quả như: Dự án bố trí dân cư tại các tiểu khu 249, 265 và 271 thuộc Công ty Lâm nghiệp Cư M’lanh (huyện Ea Súp), Dự án ổn định dân di cư tự do xã Đắk Nuê (huyện Lắk)…
"Tại các dự án này, người dân không chấp thuận di dời về vùng quy hoạch mà vẫn sinh sống ở khu vực bìa rừng, diện tích khu vực quy hoạch vẫn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng để bố trí cho người dân" - ông Dũng cho hay. 
Tạo sinh kế cho dân
Tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân diễn ra ngày 28-9 tại Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết di dân tự do là quy luật phụ thuộc vào việc làm, thu nhập, đời sống vật chất, văn hóa địa phương. Do đó, chính quyền địa phương phải giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân thì họ sẽ không đi nơi khác sinh sống.
Cao Nguyên - Hoàng Thanh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.