Nghĩa trang của người vô danh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cách đây 36 năm, người dân ở một vùng quê (Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) bất ngờ bị đánh thức bởi tiếng động rất mạnh. Vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng khiến cả đoàn tàu trên 10 toa bị lật, thi thể hành khách và hàng hóa la liệt...

Vụ tai nạn được đánh giá là thảm khốc nhất lịch sử của ngành đường sắt Việt Nam. Mới đây, một tàu hàng suýt tông vào tàu khách chạy ngược chiều, cũng trên cung đường này, làm nhiều người ớn lạnh.

Chuyến tàu định mệnh

Chúng tôi tìm đến ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom - nơi xảy ra vụ tai nạn đường sắt năm xưa. Tất cả gần như đã được thời gian xóa sạch. Dấu vết còn lại chỉ là cái miếu nhỏ nằm trơ trọi giữa nắng gắt chói chang cuối mùa khô. Miếu được người dân địa phương và ngành đường sắt dựng lên để thờ những nạn nhân xấu số.

 

Nơi chôn cất gần 100 nạn nhân trong vụ tai nạn.
Nơi chôn cất gần 100 nạn nhân trong vụ tai nạn.

Ông Nguyễn Thành Sơn (65 tuổi) ở ngôi nhà gần đó, nói: “Nơi các anh đang đứng chính là vị trí ngày xưa tập kết xác các nạn nhân để phục vụ công tác nhận dạng. Còn cái chợ và dãy ki-ốt mới xây ở kia chính là vị trí mà đoàn tàu đã lật. Cái miếu này trước đây được làm bằng gỗ, nhưng sau đó một người dân trong vùng trúng số độc đắc nên tình nguyện bỏ tiền ra xây lại khang trang hơn bằng xi măng”.

Trước đây, ông Sơn làm Tổ trưởng Tổ bảo vệ tuần tra đường sắt (còn gọi là tuần đường) thuộc ga Bàu Cá. Ông chính là một trong những người tiếp cận hiện trường vụ tai nạn sớm nhất. Ông nhớ lại: “Tôi đang nằm ngủ thì nghe có tiếng động rất mạnh phát ra từ phía ga Bàu Cá. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi chạy ra thì chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng. Lúc đó khoảng 5 giờ sáng 17-3-1982, đoàn tàu mang số hiệu 183 xuất phát từ ga Nha Trang, khi đến khúc cua hình chữ C (km 1668+400) thuộc ấp Hưng Long thì bất ngờ bị lật. 10/13 toa tàu bị văng khỏi đường ray, đầu máy bị văng lên quả đồi cao 4m và nằm cách hiện trường hàng chục mét. Trong toa cũng như ở ngoài, có nhiều thi thể nằm la liệt, cũng có người còn sống, người bị thương mắc kẹt, kêu cứu thảm thiết. Hàng chục nhân viên nhà tàu thương vong. Số hành khách thiệt mạng lên tới hơn 200 người. Rất nhiều người tử vong tại chỗ, phân nửa là những thi thể không rõ danh tính vì không có giấy tờ tùy thân và đa số là những người đi tàu lậu. Những người không xác định được danh tính và không có người thân đến nhận thì được chôn ở một khu đất trống cách hiện trường chừng 3km, bây giờ được đặt tên là Nghĩa trang Đ.S 17-3-1982.

Theo ông Sơn, nguyên nhân của vụ tai nạn có thể là do tàu mất thắng, bởi theo lịch trình thì Tàu 183 phải dừng ở ga Dầu Giây khoảng 5 - 10 phút để lấy thẻ bài, rồi mới đi tiếp. Thế nhưng, tàu không dừng mà chạy luôn qua ga Dầu Giây với tốc độ rất cao, khi đến ấp Hưng Long thì gặp đoạn đường ray cong và đổ dốc nên bị lật. Cho đến nay, chưa có một văn bản chính thức hay một cơ quan nào công bố nguyên nhân và số người thương vong của vụ tai nạn. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, ngành đường sắt phải huy động lực lượng làm cả ngày lẫn đêm gần 2 tháng mới sửa chữa xong đường ray. Đến năm 1993, đoạn đường sắt này được di dời đến vị trí mới, cách vị trí cũ khoảng 500m để cải tạo giảm thiểu độ cong của vòng cua. Ông Sơn được cơ quan giao cho khu đất xảy ra vụ tai nạn để ở và trông coi ngôi miếu trước nhà, hương khói cho người đã khuất.

Thắp hương 4 lần hàng năm

Chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà ông Nguyễn Kim Hoạt (82 tuổi) để nhờ ông dẫn ra khu nghĩa trang đường sắt năm xưa, nơi đã chôn cất các nạn nhân không xác định được danh tính trong vụ tai nạn. Nghĩa trang có diện tích khoảng 800m2, bao quanh là vườn điều và cao su bạt ngàn. Trước cổng nghĩa trang có đường ray của tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy ngang. Đập vào mắt chúng tôi là chi chít những bia mộ ghi nội dung ngắn gọn “Mộ VD” (mộ vô danh) nằm lạnh lẽo, cô tịch giữa vùng đất hoang vắng.

Ông Hoạt là một trong những người đã trực tiếp chôn cất các nạn nhân, nhớ lại: Lúc đó tôi vừa ăn cơm trưa xong thì nhận được lệnh của chính quyền địa phương cùng với mọi người ra đào 200 cái huyệt ở trong rẫy. Chúng tôi đào đến chiều thì xong, cũng là lúc ô tô chở thi thể các nạn nhân tới, nhưng chỉ có hơn 100 người, huyệt mộ đào dư phải lấp lại. Chúng tôi chôn cất đến gần khuya thì xong, tất cả có 117 người được chôn cất tại đây. Qua ngày hôm sau, ngành đường sắt xây hàng rào thấp xung quanh khu huyệt mộ. Từ đó, theo thời gian, khu vực dần chìm vào quên lãng, cỏ gai và cây cối mọc um tùm như một khu rừng hoang khiến nhiều người sợ không dám đến gần. 

Đến năm 2013, chứng kiến cảnh nhiều người ghé qua khu nghĩa trang để thắp hương cho người thân, nhưng không thể vào trong bởi cỏ cây mọc dày, đành ngậm ngùi quay về, ông Hoạt đã kêu gọi bà con địa phương cùng góp công phát quang khu vực. Cỏ được đốt, còn cây cối được cắt bỏ. Thế nhưng, lúc này nghĩa trang chỉ còn lại bãi đất trống, dấu vết hơn 100 ngôi mộ không còn. Ông Hoạt lại đi vận động góp tiền đúc gần 100 tấm bia bằng xi măng. Nhờ tham gia chôn cất và căn cứ vào một số chi tiết còn sót lại, cứ thế ông Hoạt cắm bia và cùng người dân làm thêm cổng có hàng chữ: Nghĩa trang Đ.S 17-3-1982. Đến ngày 10-10-2015, một đoàn cán bộ của Tổng Công ty Đường sắt về cầu siêu cho những vong linh đã khuất, đồng thời xây dựng lại hàng rào và cổng nghĩa trang khang trang như ngày nay.

Hiện mỗi năm 4 lần, vào các ngày 2-11 (ngày đạo Công giáo tổ chức Lễ các linh hồn), mùng 2 tết, ngày 17-3 (ngày xảy ra tai nạn) và Rằm tháng 7 (ngày xá tội vong nhân của đạo Phật), ông Hoạt cùng những người dân địa phương nhổ cỏ, dọn nghĩa trang và thắp hương những người đã khuất. Ông Hoạt cho biết, sở dĩ chọn 4 ngày này là để người theo đạo Phật và Công giáo đều dự được.

Ước nguyện nhỏ nhoi

Trong gần trăm ngôi mộ vô danh tại nghĩa trang đường sắt, có một ngôi mộ đặc biệt do người thân ở Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận làm. Theo lời ông Hoạt thì  sau khi tai nạn xảy ra, người nhà đã đi nhiều bệnh viện nhưng không thấy tung tích của người thân. Nhiều người khuyên họ đến cơ quan đường sắt ở TPHCM để dò hỏi. Tại đây, họ được đưa cho một số hình ảnh và sơ đồ nghĩa trang để xác minh người thân. Nhờ hình ảnh và sơ đồ, người nhà nạn nhân đã xác định ngôi mộ mang số B17 là mộ của mẹ mình nên đã được ngành đường sắt đưa đến tận nơi để xác định vị trí. Sau khi nhặt đá chất xung quanh để làm dấu cẩn thận, thân nhân của nạn nhân này trở về quê quán. Mãi đến hơn 10 năm sau, khi trở lại thì bên cạnh ngôi mộ này, thân nhân của người xấu số phát hiện có một ngôi mộ tương tự. Quá phân vân không thể khẳng định được nên họ đã xây dựng ngôi mộ đôi với dòng chữ có nội dung là trong 2 ngôi mộ này có phần mộ của mẹ chúng tôi, kèm theo số điện thoại để thân nhân của phần mộ còn lại biết để liên hệ. Ông Hoạt cho rằng, 1 trong 2 ngôi mộ trên là ngôi mộ mới của 1 người lang thang trong vùng.

Uớc nguyện của ông Hoạt cũng như thân nhân của các nạn nhân là mong muốn ngành đường sắt khôi phục lại hình ảnh và sơ đồ mộ, để có người còn tìm lại được thân nhân. Đối với những mộ vô danh nằm lại nơi đây, cũng cần xác nhận lại vị trí vì khi cắm lại bia, ông Hoạt chỉ căn cứ vào quán tính nên độ chính xác không cao. “Không cần to lớn sang trọng, chỉ cần một đôi hàng gạch nhô lên khỏi mặt đất để không còn ai giẫm đạp lên là tốt lắm rồi”, ông Hoạt nói…

Tiến Minh/sggp

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.