Nghĩa tình người lính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhờ sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh và cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3, năm 1999, tôi đã đưa được hài cốt anh trai mình-liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn về quê. Bây giờ, tất cả anh em trực tiếp giúp tôi ngày đó đều đã nghỉ hưu. Nhưng câu chuyện thấm đượm nghĩa tình ấy vẫn luôn vẹn nguyên trong ký ức tôi.

1. Chiếc comancar của Quân đoàn 3 chạy trong đêm, đưa tôi từ Pleiku, theo quốc lộ 19, xuống Ga Diêu Trì vào lúc 1 giờ sáng. Lúc lên Tây Nguyên, tôi cũng đi trên con đường này. Quốc lộ 19 bắt đầu từ Cảng Quy Nhơn và kết thúc tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ga Diêu Trì nằm ở phần đầu con đường này. Tôi nghe nói, đây là một phần của đường “Thượng đạo” xưa, mà quan quân Lý-Trần từng đi để “bình Chiêm”; mà Quang Trung cùng các đô đốc của mình từng vào ra để “dẹp Trịnh”, “trừ Nguyễn”, “bình Thanh”...

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Chính trị Quân đoàn 3 trang trọng tiễn đưa hài cốt các liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh năm 2023. Ảnh minh họa: Phan Lài

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Chính trị Quân đoàn 3 trang trọng tiễn đưa hài cốt các liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh năm 2023. Ảnh minh họa: Phan Lài

Không may, tàu hỏa ra Bắc chậm 2 tiếng đồng hồ. Đi cùng tôi là Thượng úy Lương Hải Nhuận-Cán bộ Nhà văn hóa Quân đoàn 3 và anh Nguyễn Xuân Soạn-Lái xe của đơn vị. Thực ra, 2 người bạn đường mà tôi vừa kể, nhận lệnh của chỉ huy đơn vị “hộ tống” tôi cùng anh trai tôi-anh Đỗ Trung Cẩn xuống Ga Diêu Trì và chỉ được quay về sau khi anh em tôi đã lên tàu ra Bắc.

Vì tàu chậm những 2 tiếng đồng hồ, tức là tới 3 giờ sáng, chúng tôi mới có thể chia tay nhau. Vì vậy, chúng tôi chọn một quán nhỏ bên ga, ăn một chút cho lại sức và đợi tàu. Vừa định nâng ly, Lương Hải Nhuận kêu lên: “Không được! Chúng ta không thể chạm ly mà thiếu bác Cẩn”. Rồi không để tôi kịp nói gì, Nhuận mau mải ra xe, nâng hài cốt anh tôi bằng 2 tay, đưa vào quán, đặt lên chiếc ghế nhựa bên bàn. Nhuận bày đủ cả ly, bát trước hài cốt anh tôi rồi khẽ nói: “Thế là tròn mâm 4”.

Ngồi dõi theo những việc làm của Nhuận, nghe Nhuận nói, tôi không cầm được nước mắt. Anh Cẩn của tôi đó. Bây giờ, anh nằm gọn trong chiếc túi du lịch, sau một lớp ni lông và một lớp vải liệm. Anh Cẩn nhập ngũ năm 1965 và đi B cùng năm. Anh hy sinh ngày 28-3-1971 ở Tây Nguyên, lúc tròn 30 tuổi. Còn lúc này đây, khi trời gần sáng, tại Diêu Trì, sau 28 năm trời, nhờ có sự hỗ trợ của Quân đoàn 3, tôi mới có thể đưa hài cốt anh trai mình rong ruổi về quê và mới được chạm ly với anh.

Nhắc tới Quân đoàn 3, tôi không thể không dừng lại để kể về sự “nghĩa hiệp” của những người lính tại đây, trong việc này. Chuyện là, khi vào Pleiku, tôi có đến làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai để trình bày nguyện vọng và xin phép ngành sở tại đồng ý để gia đình tôi được bốc mộ anh tôi về Bắc. Một cán bộ cho tôi biết, việc đó là không thể! Lý do được đưa ra là: Thứ nhất, chưa có nghị quyết liên bộ (giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng) cho phép đưa hài cốt liệt sĩ rời nghĩa trang. Lý do thứ hai còn sâu sắc hơn: “Anh xem, nếu tất cả các gia đình ngoài Bắc đều đưa hài cốt liệt sĩ về quê, thì các nghĩa trang liệt sĩ ở miền Nam này trống rỗng hết ư?”-anh cán bộ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Gia Lai nói.

Phải rồi, thanh niên miền Nam, chỉ tính thời Thiệu-Kỳ, đã bị Mỹ-ngụy bắt ép đi lính cho chúng rất đông (60 vạn quân thường trực và hơn 1 triệu lính bảo an-dân vệ), cho nên đa phần các liệt sĩ chống Mỹ trên chiến trường ở phía Nam là người miền Bắc và “đậm đặc” nhất, là trong các nghĩa trang liệt sĩ.

Về lý, tôi đành chịu! Nhưng về tình thì tôi không biết làm thế nào. Cha tôi đã mất (năm 1984), mẹ tôi khi đó cũng đã 88 tuổi rồi. Bao năm qua, cha mẹ tôi ngày ngày đau đáu niềm thương nhớ cùng nỗi dằn vặt khôn nguôi vì chưa đưa được anh tôi về. Đem nỗi lòng canh cánh ấy tâm sự với anh em ở Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, ai cũng bày tỏ sự ái ngại. Rồi cuối cùng, một vị chỉ huy nói lớn: “Có cách rồi! Chiều nay, Quân đoàn sẽ cử 1 đồng chí là cán bộ chính sách đi mời người quản trang vào đơn vị để trao đổi. Nếu quản trang đồng ý giúp thì đêm nay, ta bốc mộ bác Cẩn. Bốc xong, xe của đơn vị chờ sẵn, lập tức chở bác xuống Diêu Trì, mộ phần bác thì cho xây lại như cũ”.

Và rồi, may mắn làm sao, người quản trang đồng ý. Đêm hôm ấy, tôi cùng 3 cán bộ của Quân đoàn 3: Đại tá Trần Đức Lan-Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Trung tá Hà Quân ở Phòng Chính trị Quân đoàn và Thượng úy Lương Hải Nhuận bỏ xe máy ở cạnh nghĩa trang, trèo tường vào gặp người quản trang. Mọi việc diễn ra như kế hoạch và rồi anh tôi mới đến được Diêu Trì cùng chúng tôi.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh thực hiện nghi thức an táng các liệt sĩ. Ảnh: Đức Thụy

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh thực hiện nghi thức an táng các liệt sĩ. Ảnh: Đức Thụy

2. Trở lại với Diêu Trì. Thế là, cứ mỗi lần nâng ly, chúng tôi lại cùng chạm vào ly của anh Cẩn. Mắt ai cũng cay xè. Có lẽ, trong mắt mọi người có mặt ở quán lúc đó, chúng tôi chắc hẳn là khác thường lắm. Rồi đến một lúc, không còn thấy nhân viên ra rót bia cho chúng tôi nữa. Gọi, chỉ có cô chủ quán rón rén tới bên bàn. Cô ấy bảo: “Các em chúng nó nhìn các bác chạm ly mà hãi quá, không đứa nào dám ra nữa! Em cũng thế, nhưng vì các bác gọi mà phải ra vậy! Sự thật là thế nào hả các bác?”.

Nghe cô chủ quán hỏi, tôi đành phải đứng lên và kể rõ sự tình rồi có thêm đôi lời: “Sự thực là như vậy. Nếu nhà hàng không thuận, chúng tôi xin được dời đi. Còn nếu nhà hàng thông cảm, tôi xin được thắp một nén nhang khấn anh tôi, để anh phù hộ cho nhà hàng ta luôn phát đạt”. Cô chủ quán đáp lại: “Chưa biết thì chúng em rất sợ. Giờ biết rồi, không sợ quá nữa. Các bác cứ ngồi cho đến lúc tàu về”.

Y lời, tôi châm 1 nén hương, khấn xin anh Cẩn phù hộ cho nhà hàng và theo gót cô chủ quán, cắm lên bát hương cầu lộc của họ.

Tàu vào ga. Tôi chia tay Nhuận và Soạn, lên tàu cùng hài cốt của anh mình ra Bắc. Sáng sớm hôm sau, tàu về đến ga Hàng Cỏ. Do đã hẹn từ trước, vợ tôi đón sẵn ở đó. Chúng tôi thuê xe đưa hài cốt anh mình về quê, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay là Hà Nội. Cũng do có hẹn trước nên khi chúng tôi vừa về đến nơi, tại sân vận động xã, các đồng chí lãnh đạo xã và đông đảo người dân Phùng Xá đã chờ sẵn. Sau khi UBND xã tổ chức lễ truy điệu, anh tôi được đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ xã. Kỳ lạ nhất là khi đồng chí Chủ tịch UBND xã đọc xong điếu văn truy điệu, tôi mới biết, hôm ấy cũng là ngày anh tôi hy sinh! Trước đó, theo tập tục cúng giỗ ở quê, trong đầu tôi chỉ nhớ ngày âm lịch (mùng 3 tháng 3) thôi. Và rồi bỗng nhiên, tất cả nén hương trên chiếc lư lớn như chiếc vạc cùng bốc cháy, cháy hết cả chân hương, cháy đến bằng mặt cát! Tôi thầm nghĩ, như thế có phải là anh trai tôi giờ đã thực về nhà, về quê cha đất mẹ. Nhiều năm trước, cha mẹ tôi không thể chờ anh và đã khuất núi. Bây giờ, chắc dưới suối vàng, cha mẹ tôi đã có thể bớt nỗi mong ngóng, ngậm ngùi.

Khi bốc mộ anh Cẩn, tôi thắp hương, đọc rồi đốt 2 bài thơ tôi viết tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai trong những ngày chờ di dời hài cốt anh mình. Trong đó, 1 bài viết về những ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa trang (có 3 ngôi mộ tập thể) và bài còn lại là viết riêng cho anh Cẩn. Bài thơ viết về nghĩa trang, có những dòng như sau: “Ai người mười tám, đôi mươi?/Ai người tóc bạc? Ai người hoa râm?/Ai là cán? Ai là quân?/Bây giờ trắng xóa quây quần bên nhau/Ngổn ngang mây trắng trên đầu/Ba ngàn mộ, trắng một mầu như mây”. Còn đây là những dòng tôi viết cho anh Cẩn: “Vẫn biết vào cơn gió bụi/Xưa nay mấy kẻ trở về/Vẫn biết các nhà liệt sĩ/Đều vì lẽ sống mà đi/Nhưng trước nấm mồ ruột thịt/Em như người đứt cánh tay/Xin liệm thêm vào dưới ấy/Của em, lời xót thương này”.

Tôi nhớ, theo nhật ký của bác sĩ Lê Cao Đài-người nhiều năm công tác tại Viện Quân y 211 thời chống Mỹ thì trong tổng số thương-bệnh binh nhập viện và không thể cứu nổi ở đây, chỉ có 15% hy sinh trực tiếp vì bom đạn. 85% liệt sĩ còn lại, hy sinh vì rất nhiều lý do khác như: sốt rét, đói, tai nạn đường rừng..., trong đó, nhiều nhất là do sốt rét. Tôi cũng được nghe kể rằng, một lần, đội quy tập hài cốt liệt sĩ của Quân khu 4 đang đi giữa rừng già trên đường Trường Sơn cũ thì thấy tít trên cao, 1 chiếc võng của người lính đang đung đưa giữa 2 ngọn cây. Trèo lên thì thấy, trong võng là... 1 bộ hài cốt liệt sĩ. Họ đoán rằng, thời chống Mỹ, người chiến sĩ này, vì sốt rét hoặc chịu đói giữa rừng, đã buộc võng vào 2 cái cây kia, nằm nghỉ và không bao giờ trở về nữa! Lâu năm, cây lớn dần và nâng mãi chiếc võng cùng liệt sĩ lên cao.

*

Bây giờ, tất cả anh em trực tiếp giúp tôi ngày ấy đều đã nghỉ hưu. Tôi cũng vậy. Nhưng cứ đến ngày 28-3 hoặc ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, rồi ngày 27-7 hàng năm, tôi lại không thể không nhớ Quân đoàn 3, đường 19 và Ga Diêu Trì được.

Có thể bạn quan tâm

Trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3 - Bài cuối: Trạm biến áp cuối tuyến đã sẵn sàng

Trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3 - Bài cuối: Trạm biến áp cuối tuyến đã sẵn sàng

Trên đầu là tiếng kêu ro ro phát ra từ đường điện cao thế nhưng công nhân, kỹ sư vẫn miệt mài đào đắp, lắp ráp thiết bị một cách cẩn trọng. Ngày mưa, họ tranh thủ từng phút để làm công tác chuẩn bị. Vì thế, trạm biến áp 500kV Phố Nối về đích sớm hơn dự kiến…
Góc khuất các video triệu view của 'thánh ăn': Bí quyết ăn hay cần 'tiểu xảo'?

Góc khuất các video triệu view của 'thánh ăn': Bí quyết ăn hay cần 'tiểu xảo'?

Cách mà những 'thánh ăn - mukbanger' trở nên nổi trên mạng là gì? Một ngày của họ với 3 - 4 bữa ăn khổng lồ ra sao? Làm sao họ có thể ăn không ngừng nghỉ lượng đồ ăn lên đến hàng chục ký? Một mukbanger đang nổi trên mạng đã chia sẻ lý do thi ăn thử thách là để vượt qua giới hạn bản thân.
Trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3 - bài 18: Niềm tin về đích đúng tiến độ

Trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3 - bài 18: Niềm tin về đích đúng tiến độ

Không khẩu hiệu, không băng rôn cổ động nhưng công nhân thi công trên công trường cột 336, đường điện 500kv mạch 3 vẫn hừng hực khí thế. Mỗi người mỗi việc, nhuần nhuyễn phối hợp lắp đặt cấu kiện để hoàn thành những hạng mục cuối cùng dựng lên cột điện sừng sững giữa đất trời, đảm bảo công trình đúng tiến độ đề ra.
Khi người lính trở về

Khi người lính trở về

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Có ở thôn Xóm Bùng, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn tâm huyết với công tác an sinh xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.