Nghệ sĩ blouse trắng - Kỳ 1: "Cuộc đời ơi ta mến thương"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngoài công việc chuyên môn cứu người bệnh, có một góc khác của những thiên thần blouse trắng khi họ chính là những nghệ sĩ tài hoa. Bằng ca từ bay bổng, giọng hát ngọt ngào, họ tiếp thêm niềm tin giúp người bệnh vượt qua lằn ranh sinh - tử.
Âm nhạc của bác sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã đi vào lòng bao thế hệ - Ảnh: Q.ĐỊNH
Âm nhạc của bác sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã đi vào lòng bao thế hệ - Ảnh: Q.ĐỊNH
Làng nhạc Việt cuối thập niên 1970 nổi lên hiện tượng âm nhạc mang tên Nguyễn Ngọc Thiện. Từ sáng tác đầu tay cách đây 50 năm, giờ ông sở hữu kho tàng âm nhạc đồ sộ với nhiều ca khúc nổi tiếng đi vào lòng bao thế hệ...
Mê nhạc, học... y
Có một nghịch lý khá thú vị ở con người Nguyễn Ngọc Thiện. Với âm nhạc, ông là tên tuổi lớn, nhưng "nghề kiếm cơm" suốt gần 40 năm qua của ông lại là nghề thầy thuốc. Nhắc đến Nguyễn Ngọc Thiện, mọi người chỉ nhớ đến ông nhạc sĩ tài hoa với những ca khúc trẻ trung, trữ tình, sôi động mà quên mất một người thầy thuốc ưu tú, có biệt tài... nhổ răng.
Chiều muộn, trong căn nhà trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q.5, TP.HCM), nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đội chiếc nón kết quen thuộc trên đầu, ôm guitar cất vang những ca từ sôi động trong ca khúc Ơi cuộc sống mến thương do chính ông sáng tác. Ca từ bài hát như kéo người nghe ngược về cách đây nửa thế kỷ, lúc chàng trai Nguyễn Ngọc Thiện vừa tốt nghiệp trường y và cực mê sáng tác âm nhạc.
Mê nhạc nhưng số phận đẩy đưa chàng trai trẻ theo học ngành y để rồi trở thành bác sĩ nha khoa. "Đó là sự tình cờ thú vị. Bởi vừa học xong lớp đệ nhất (THPT lúc bấy giờ), tôi nghĩ mình có thể đi chơi nhạc kiếm sống luôn mà không cần phải học đại học". Lựa chọn học trường y chính là giải pháp tình thế của ông lúc ấy khi thi trượt vào trường kỹ thuật cơ khí. 
"Bước chân vào trường y, tôi bù đầu học. Đó là lúc tôi phải tạm thời từ giã ban nhạc Sóng Trùng Dương, nơi đêm đêm cùng nhóm bạn đi đánh nhạc kiếm tiền", ông kể.
Vốn năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, các hội thi văn nghệ trường trở thành "đất diễn" cho chàng trai Nguyễn Ngọc Thiện. Ngày ấy, không có tiền mua đàn, ông được một vài người bạn cho mượn tự học. 
Ngoài chơi nhạc cụ guitar quen thuộc, ông bắt đầu mò mẫm sáng tác. Những ngày cuối tuần, để thư giãn, ông lại mở radio nằm nghe như "nuốt" từng ca từ trong các bài hát yêu thích. Và Ơi cuộc sống mến thương được sáng tác năm 1979, chính là sáng tác đầu tay làm nên tên tuổi Nguyễn Ngọc Thiện.
Tốt nghiệp trường y, Nguyễn Ngọc Thiện có khoảng thời gian "trôi dạt" với đủ nghề: chơi nhạc, chụp ảnh minh họa, phát hành báo chí. Đến năm 1984, ông mới chính thức được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Răng - hàm - mặt trung ương với tư cách bác sĩ nha khoa.
Điều khiến vị bác sĩ kiêm nhạc sĩ này cảm thấy thích thú nhất vẫn là mỗi khi tiếp xúc với các em bé bị sâu răng. "Trẻ em thường rất khó thuyết phục và dĩ nhiên để thuyết phục được tụi nhỏ, mình phải mất rất nhiều thời gian trò chuyện làm bạn. Chẳng hiểu sao, nhiều trẻ gặp cứ vui vẻ leo lên ghế nhổ răng sâu mà chẳng tỏ ra sợ sệt gì. Đó chính là điều hạnh phúc nhất của người thầy thuốc mà tôi có được", ông nói.
Âm nhạc của bác sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã đi vào lòng bao thế hệ - Ảnh: Q.ĐỊNH
Âm nhạc của bác sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã đi vào lòng bao thế hệ - Ảnh: Q.ĐỊNH
Tròn "hai vai" cho đời
Làm nghề y một thời gian ngắn, ông đón nhận niềm vui thi đậu vào Nhạc viện TP.HCM. Đó là bước ngoặt để ông có thể thực hiện đam mê còn dang dở. Ngày ấy, ông được giám đốc bệnh viện "đặc cách" cho phép được linh động vừa đi học vừa đi làm. Thế rồi từ bác sĩ nha khoa ngày ngày khám bệnh, ông được sắp xếp qua làm nhân viên phòng chỉ đạo tuyến phụ trách tuyên truyền chải răng, chống sâu răng. Điều rất hợp với sở trường âm nhạc mà ông đang có.
Ở đâu có ông ở đó có nhạc, quả chẳng sai. Bài hát "bé tập chải răng" được trẻ con yêu thích ra đời từ cơ duyên đó. Ông bảo rằng sau bài hát ấy có nhiều phụ huynh khi gặp "trách khéo" nói bây giờ không mở bài "bé tập chải răng" là bé không chịu đánh răng và không chịu ăn cơm gì cả. 
"Như thế là bài hát đã chạm tới được tâm hồn của trẻ thơ, góp phần giúp các bé thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng. Là người làm nghề y nhưng bản thân tôi thấy không cứ phải dao kéo mà âm nhạc có thể mang lại nhiều giá trị vô cùng hữu ích, có thể thay đổi thói quen xấu của mọi người", ông cười nói.
Bài hát đi vào lòng người của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện
Bài hát đi vào lòng người của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện
Chưa hết, cũng chỉ vì quá quen với hình ảnh ông nhạc sĩ trên tivi mà mỗi khi thấy ông khoác trên mình màu áo blouse trắng ngồi trong bệnh viện, nhiều người bệnh không khỏi sửng sốt. 
"Có người tò mò, cứ nhìn tôi chằm chằm không dám hỏi. Có người lại hỏi cắc cớ viết nhạc hay rồi, chữa bệnh có giỏi không? Tôi chỉ cười nói rằng nghề nào tôi cũng làm việc nghiêm túc cả". 
Rồi ông kể có bệnh nhân "ruột" từng được ông điều trị, dù đã qua Mỹ định cư nhưng cứ về nước là tìm đến ông để được... khám răng.
Suốt con đường gắn bó nghề y, ông lần lượt trải qua các vị trí là bác sĩ khám bệnh, phó khoa, rồi trưởng khoa chữa răng. Nhiều đề tài nghiên cứu của ông mang lại giá trị cho ngành y lúc bấy giờ. Có thể kể đến sáng kiến thiết kế các đầu ống bơm thuốc tê, hay sáng tạo loại vật liệu đúc răng giả và đặc biệt là phương pháp trám răng không sang chấn... Cho đến nay, sáng tạo trám răng không sang chấn của ông vẫn tồn tại, được ứng dụng phổ biến trong nha khoa.
Cùng lúc "sắm hai vai" nhạc sĩ và thầy thuốc, ông nói hai nghề ấy tuy khác nhau nhưng lại hỗ trợ cho nhau rất nhiều. Hai công việc này cứ đan xen, tạo nên một con người Nguyễn Ngọc Thiện vừa tỉ mỉ khi khám bệnh, vừa bay bổng với âm nhạc. 
"Không biết người khác thì sao, chứ tôi làm cái gì một thứ tôi chán lắm. Nhạc sĩ cũng như nghề thầy thuốc đều có chung mục đích là đem lại nụ cười, niềm tin và hạnh phúc trong cuộc sống", bác sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện tâm sự.
Bác sĩ Lê Trung Chánh, giám đốc Bệnh viện Răng - hàm - mặt, nói có thể gọi bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện là người "sắm hai vai", và với vai nào ông cũng "tròn". 
"Lúc tôi vào làm anh ấy đã là lãnh đạo. Cái hay của anh ấy ở chỗ khi làm việc gì đều làm đến nơi đến chốn. Không chỉ thế, anh còn là một con người rất thích khai phá và chính là người mở đường giúp bệnh viện giải quyết nhiều khó khăn lúc bấy giờ. Còn về âm nhạc, phải nói thật ai cũng mê nhạc của anh cả. Với tôi, anh ấy là một nhạc sĩ thần tượng", bác sĩ Chánh chia sẻ.
Hiếm ai như ông khi vừa là bác sĩ, thầy thuốc nhân dân, vừa là nhạc sĩ, ca sĩ và vừa là thiếu tướng quân đội. Và đặc biệt, ở mỗi vai trò ông đều để lại dấu ấn đậm nét.
Nhạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện sinh năm 1951 tại TP.HCM. Ông từng tham gia CLB sáng tác trẻ của Thành đoàn, thành viên nhóm nhạc Những Người Bạn, nguyên tổng biên tập tạp chí Sóng Nhạc. Ngoài ra, ông còn thường xuyên tham gia hội đồng cố vấn nghệ thuật nhiều chương trình âm nhạc lớn trong nước.
Kho tàng âm nhạc của ông có hàng trăm ca khúc nổi tiếng như: Ơi cuộc sống mến thương, Ngọn lửa trái tim, Mùa xuân ơi, Ngày đầu tiên đi học, Xúc xắc xúc xẻ, Như khúc tình ca... Năm 2011, ông nhận được Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú với gần 40 năm công tác trong ngành y.
Theo HOÀNG LỘC (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.